Lựa chọn được những sản phẩm thế mạnh, quy hoạch vùng sản xuất tập trung (18 vùng), quy hoạch các khu nông nghiệp công nghệ cao... là cơ sở tốt nhất mà Quảng Ninh đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng dụng KHCN vào phát triển nông nghiệp. Không chỉ có vậy, Tỉnh đã xây dựng một loạt các chính sách thu hút, ưu đãi rất thiết thực để thu hút doanh nghiệp, nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như Quyết định 273/QĐ-UBND về chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Quyết định 2901/QĐ-UBND về khuyến khích phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp...
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty VinEco (Tập đoàn Vingroup). (Nguồn: BQN) |
Những điểm nhấn
Hai năm qua, nông nghiệp Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao từ các lĩnh vực khác nhau. Nhiều dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, tiêu biểu như sản xuất hoa ly (huyện Hoành Bồ); sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (giống hoa lan, ba kích...); công nghệ ép hoa nở đúng thời điểm (hoa mai, hoa lan...); chế biến tùng hương từ nhựa thông mã vĩ; sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP (TX. Quảng Yên); Công ty Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường với sản phẩm chăn nuôi; Công ty TNHH Sản xuất dược liệu Đông Bắc (TP. Cẩm Phả)... Có thể thấy, với việc “mạnh tay” đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất con giống, chế biến các mặt hàng nông sản sạch như rau, củ, quả, dược liệu..., những dự án này đã và đang góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị, giữ thương hiệu, chuyển dần từ “lượng” sang “chất”.
Những chương trình cụ thể như “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã phát huy tính sáng tạo của nông dân trong việc nâng tầm các nông đặc sản của địa phương. Tỉnh đặc biệt khuyến khích các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, từ đó ứng dụng vào thực tế sản xuất. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong điều kiện nhu cầu của thị trường về các sản phẩm tốt, chất lượng cao, an toàn và quy mô lớn.
Quảng Ninh cũng đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực như BIM, Vingroup, Công ty Cổ phần Việt Úc đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điển hình có Dự án Trung tâm Phát triển giống tôm công nghệ cao và nuôi thực nghiệm giống hải sản được triển khai đầu năm 2014 tại huyện Đầm Hà do Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (thuộc Tập đoàn BIM) làm chủ đầu tư với quy mô 125ha. Tổng vốn đầu tư dự án 200 tỷ đồng (trong đó vốn hỗ trợ theo chính sách khuyến khích ưu đãi của tỉnh 50 tỷ đồng).
Dự kiến, sau khi đi vào hoạt động với quy trình sản xuất hiện nay, đây sẽ là nơi cung cấp con giống, nuôi thực nghiệm giống thuỷ hải sản quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc. Công suất đạt 3,5 tỷ con tôm giống/năm, hơn 3 triệu cá song giống và 5-7 triệu con giống nhuyễn thể. Sau hơn 2 năm triển khai thi công đến nay, các hạng mục nằm trong dự án đã hoàn thành và bước đầu đi vào hoạt động. Đơn vị đã tiến hành thả nuôi được 4 vụ tôm thương phẩm, thu được khoảng hơn 1.000 tấn tôm. Dự kiến trong năm tới, Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long sẽ sản xuất các loại giống như: Tôm, cá song, nhuyễn thể để cung cấp cho thị trường.
Nằm tại khu “đất vàng” xã Hồng Thái Tây (TX. Đông Triều), Dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup) bắt đầu triển khai cuối năm 2015 với quy mô 200ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Dự án đang bước vào giai đoạn 2 với quy mô khoảng 60ha, trong đó tập trung xây dựng, nâng cấp hệ thống quản lý lô, thửa, nhật ký đồng ruộng bằng phần mềm điện tử, phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thiện. Bước đầu dự án mang lại nhiều tín hiệu lạc quan, đến nay Công ty đã xuất ra thị trường 800 tấn nông sản sạch; giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Phát triển nền nông nghiệp hiện đại - Bài toán khó
Quảng Ninh đã đạt được những kết quả khả quan trong việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao hiện có phần lớn chỉ ở mức nhỏ lẻ, các dự án quy mô lớn chưa nhiều, chưa đúng với mục tiêu nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, tập trung mà Tỉnh, ngành đề ra. Sản lượng lương thực, thực phẩm sản xuất trên địa bàn mới đáp ứng được 30-40% nhu cầu (trừ thuỷ sản). Việc mở rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao theo đúng mục tiêu hiện nay vẫn là bài toán khó đối với cả chính quyền, doanh nghiệp và nông dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nguyễn Hữu Giang cho rằng ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao là nhu cầu tất yếu, đáp ứng xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại. Việc này đối với nông nghiệp Quảng Ninh càng cần thiết hơn bởi là tỉnh giàu lợi thế về sản xuất nông nghiệp, song cũng có những điểm yếu cơ bản, đó là diện tích đất manh mún, thiếu các cánh đồng mẫu lớn, khu chăn nuôi đủ rộng.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hoàng Vĩnh Khuyến, các dự án lớn của các doanh nghiệp lớn sẽ là những hạt nhân quan trọng trong việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi đủ mạnh để thu hút đầu tư, khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp có hàm lượng KHCN cao.