📞

Ứng viên hàng đầu kế nhiệm Thủ tướng Đức: Tổng thống Mỹ không nên khiêu chiến Trung Quốc

Thế Việt 16:55 | 24/06/2021
Ngày 23/6, trang tin Mỹ Washington Examiner đưa tin, ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Armin Laschet cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden không nên khơi mào "một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc".
Ứng viên hàng đầu cho vị trí Thủ tướng Đức Armin Laschet cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden không nên khơi mào 'một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc'. (Nguồn: Financial Times)

Phát biểu tại một sự kiện, Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) Laschet nói: "Tôi không chắc Tổng thống Mỹ muốn tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, bất cứ ai muốn châm ngòi cho một chiến mới thì đó sẽ là sai lầm".

Chính quyền của ông Biden xác định Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), là trọng tâm trong các nỗ lực nhằm cải thiện hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu cũng như điều phối "liên minh dân chủ" để xử lý các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với Financial Times một tuần sau chuyến thăm đầu tiên của ông Biden tới châu Âu, ông Laschet, người luôn khẳng định sẽ duy trì lập trường của bà Merkel trong mối quan hệ với Trung Quốc và Nga nếu đắc cử Thủ tướng Đức, cho hay, nhiều người châu Âu hoài nghi về thái độ cứng rắn của Tổng thống Mỹ với Bắc Kinh.

Khi được hỏi liệu ông Biden đang cố kéo châu Âu vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới không, ứng viên Thủ tướng Đức Laschet đã bác bỏ, nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã “đúng” khi coi Trung Quốc là “một trong những thách thức lớn nhất đối với chúng tôi, chẳng hạn như đối với các công nghệ mới” và muốn “tăng cường hợp tác giữa các nền dân chủ ”.

Tuy nhiên, ông Lachest cũng cho rằng, phương Tây nên chống lại việc sa vào tâm lý Chiến tranh Lạnh khi tiến tới cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.

Ông nói: “Thế kỷ 21 rất khác và lăng kính nhìn thế giới trước năm 1989 đã đưa ra những lời khuyên hạn chế. Hiện tại, chúng ta đang ở trong một thế giới đa cực với nhiều tác nhân khác nhau".

Đặt câu hỏi liệu 'kiềm chế' Trung Quốc có dẫn đến một cuộc xung đột mới hay không, Chủ tịch CDU nhận định, khi đó, châu Âu cần phản ứng thận trọng, bởi "Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống, nhưng cũng là một đối tác, đặc biệt trong những lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu".

Tuy nhiên, ứng viên tiềm năng kế nhiệm bà Merkel khẳng định, ông sẽ không mềm mỏng với Trung Quốc và sẽ nói rõ ràng những mong đợi đối với Bắc Kinh: "chấp nhận có đi có lại, theo chủ nghĩa đa phương và tôn trọng nhân quyền".

Mặc dù vậy, ông Lashest nói rằng, "sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ đối tác bất cứ khi nào có thể" với Trung Quốc.

Về quan hệ với Nga, Lãnh đạo đảng CDU cho rằng, phương Tây phải cố gắng “thiết lập một mối quan hệ hợp lý” với Moscow để thoát khỏi thời kỳ "lạnh giá", lưu ý, "bỏ qua Nga không phục vụ lợi ích của chúng tôi và của Mỹ".

(theo Washington Examiner, Financial Times)