📞

Ứng viên Việt Nam trúng cử vào Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật: Khi nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực thu 'quả ngọt'

Bảo Chi 07:32 | 14/09/2022
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, việc ứng viên Việt Nam đắc cử vào Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) thuộc Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (ISA) cho thấy sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại Hội thảo ARF lần thứ 3 về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 tháng 6/2021. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trên cơ sở quyết định của Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương (ISA), PGS. TS Đào Việt Hà, ứng cử viên của Việt Nam, đã trúng cử trở thành thành viên Ủy ban Pháp lý và Kỹ thuật (LTC) thuộc ISA cho nhiệm kỳ 2023-2027.

Nhân dịp đặc biệt này, TG&VN đã có bài phỏng vấn nhanh với Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu về thành công của ứng viên Việt Nam.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc ứng cử viên Việt Nam trúng cử vào LTC thuật thuộc Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương?

LTC là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Cơ quan quyền lực quốc tế đáy đại dương, được thiết lập trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đặc biệt, cơ quan này thực hiện chức năng quản lý đối với các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên phi sinh vật tại đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia, hay còn gọi là Vùng, nơi các tài nguyên được hưởng quy chế “di sản chung của nhân loại” và được chia sẻ công bằng giữa các quốc gia.

Nếu không có quy chế thì chỉ các công ty lớn, các quốc gia phát triển có đủ điều kiện và năng lực mới thu lợi được từ nguồn tài nguyên quý giá này, như nguồn khoáng sản, nguyên liệu quý hiếm mà chúng ta chưa thể biết hết giá trị của chúng.

Do vậy, có thể nói, LTC không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công việc của ISA, mà những khuyến nghị của cơ quan này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nước trên toàn thế giới.

Việc Việt Nam lần đầu tiên có ứng cử viên trúng cử vào LTC là một thành công mang nhiều ý nghĩa. Thành công này đã góp phần khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động đóng góp xây dựng các thể chế đa phương.

Đây còn là một minh chứng cho sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với nỗ lực bền bỉ và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại LHQ và các thể chế đa phương.

Kết quả này cũng nối đà thành công của các ứng cử gần đây của Việt Nam như vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, thành viên Hội đồng các trung tâm của Ủy ban Kinh tế-Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của LHQ, và thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế.

Tất cả những thành quả trên góp phần khẳng định vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự kiện này cũng khẳng định sự hội nhập quốc tế của Việt Nam, thể hiện sự trưởng thành của đối ngoại đa phương nước ta.

Việt Nam đã chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò trong những vấn đề, cơ chế quan trọng, có tầm chiến lược đối với lợi ích của đất nước, thực hiện theo đúng chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đã được đặt ra.

PGS. TS. Đào Việt Hà.

Theo Thứ trưởng, những yếu tố nào đã góp phần làm nên thành công cho ứng cử của PGS. TS. Đào Việt Hà vào LTC?

Có thể khẳng định, việc PGS. TS. Đào Việt Hà trúng cử là thành quả của chiến dịch vận động tích cực do Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành trong thời gian qua.

Trước khi Hội đồng ISA quyết định danh sách thành viên LTC chính thức cho nhiệm kỳ 2023-2027, giữa các nước thành viên Hội đồng đã diễn ra những cuộc tranh luận hết sức gay gắt về cơ chế bầu cử thành viên LTC, văn bản có tính quyết định đến việc lựa chọn các thành viên của LTC trong các cuộc bầu cử tới.

Ứng viên của Việt Nam cũng phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh trong cùng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, phần lớn đến từ các quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển.

Do đó, Việt Nam cũng đã triển khai những hoạt động vận động, giới thiệu ứng viên hết sức tích cực qua nhiều kênh để có được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Qua đây có thể khẳng định rằng, sự định hướng đúng đắn, sự lãnh đạo sát sao và sự chủ động trong hành động là những yếu tố quan trọng giúp đưa đến kết quả tích cực ngày hôm nay cho chúng ta.

Một yếu tố không thể thiếu trong thành công tại cuộc bầu cử này là năng lực, trình độ của ứng viên Việt Nam. Tôi được biết, trong quá trình gặp gỡ, vận động trước bầu cử, các nước đều rất ấn tượng và đánh giá cao trình độ chuyên môn, năng lực của PGS.TS. Đào Việt Hà.

Việc các ứng viên là chuyên gia Việt Nam ứng cử thành công tại các cuộc bầu cử gần đây trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế uy tín và quan trọng khẳng định trình độ, năng lực của chúng ta trên nhiều lĩnh vực đã vươn tầm thế giới.

Đó là cơ sở, là động lực để chúng ta tự tin hơn trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, nhà khoa học Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm việc trong môi trường quốc tế.

Theo Thứ trưởng, chúng ta có thể trông cậy như thế nào vào sự đóng góp của PGS. TS. Đào Việt Hà trên cương vị mới này trong thời gian tới?

PGS. TS. Đào Việt Hà là chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực khoa học môi trường biển với thâm niên hơn 30 năm công tác. Bà là nhà khoa học nữ Việt Nam có uy tín quốc tế với nhiều ấn phẩm nghiên cứu đã được xuất bản, hiện đang giữ chức Viện trưởng Viện hải dương học Nha Trang.

Ngoài ra, TS Hà đã từng tham gia và phát biểu tại nhiều hội thảo quốc tế và khu vực tầm cỡ, như Hội thảo cấp cao LHQ về hỗ trợ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 14 năm 2022, thực hiện nhiều dự án quốc tế về hải dương học và các vấn đề liên quan.

Tôi tin tưởng rằng, trên cương vị thành viên LTC, với kinh nghiệm dày dặn và kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực hải dương học và môi trường biển, PGS. TS Đào Việt Hà sẽ đóng góp tích cực, thực chất vào công việc của LTC, góp phần tăng cường hiệu quả và tiến độ công việc của cơ quan này.

Mặc dù các thành viên LTC hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho Chính phủ, nhưng đóng góp của PGS. TS Đào Việt Hà sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đồng thời, điều này cũng khẳng định Việt Nam đề cao giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của UNCLOS - “Hiến chương của đại dương”, và luôn đánh giá cao đóng góp của các cơ quan được thành lập theo UNCLOS trong thúc đẩy trật tự pháp lý trên biển.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu về chủ đề 'Triển khai SDG14 thông qua thực hiện Công ước Luật Biển' tại Hội nghị UNOC ở Lisbon, Bồ Đào Nha, tháng 6/2022.