Trong môi trường truyền thông hiện nay, nhà báo cần phải làm chủ “không gian ảo” và “nắn dòng” thông tin sai lệch trên mạng xã hội. |
Ngày nay, chỉ cần có Internet cho dù ngồi ở đâu đó, chúng ta đều có thể truy cập vào mạng toàn cầu để đọc báo, tiếp nhận các nguồn thông tin một cách dễ dàng, chỉ với một chiếc smartphone… mà không còn cảm giác chờ đợi tìm đọc tờ nhật báo như trước đây hay phải tìm nơi có màn hình TV để xem các chương trình truyền hình.
Điều đó tạo ra không ít cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức cho nhà báo trong tác nghiệp.
Sự “ô tạp” và “loạn” thông tin trên mạng
Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có hàng tỷ website, blog cá nhân khác nhau, hằng ngày, hằng giờ thu hút vài tỷ lượt người xem và trao đổi thông tin. Sự phát triển kỳ diệu của Internet đã khiến thế giới ngày trở nên phẳng hơn, tạo ra một “thế giới phẳng” (1) với xa lộ thông tin kết nối toàn cầu.
Trên nền tảng đó, các mạng xã hội cũng ra đời khiến các phương tiện truyền thông nhỏ bé như chiếc điện thoại di động trở thành “vật bất ly thân” của con người trong xã hội hiện đại, bởi chỉ cần chiếc điện thoại di động “tầm tầm”, công chúng có khả năng “lướt web” và dễ dàng kết nối thông tin, chia sẻ tình cảm với người thân, bạn bè, thậm chí bày tỏ những suy nghĩ về các lĩnh vực trong cuộc sống, kể cả những khía cạnh nhạy cảm, sự hiểu biết và kinh nghiệm trong cuộc sống…
Khi bàn về nội dung thông tin trên Internet nói chung và báo chí nói riêng, không ít ý kiến cho rằng, thông tin trên báo chí, nhất là một số báo chí điện tử hiện nay khá vụn vặt, tùy tiện, thông tin thiếu chính xác, không chọn lọc, đôi lúc còn suy diễn chủ quan, làm lệch lạc nội dung và bản chất sự việc...
Một trong những nguyên nhân quan trọng là nhận thức và trình độ văn hóa của phóng viên. Ngoài ra, do các tòa soạn báo cũng bị nhiều áp lực đè nặng như tia-ra phát hành, lượng view hay ngay cả nguồn thu từ quảng cáo. Chính vì vậy, một bộ phận phóng viên làm việc thiếu nghiêm túc, nhiều thông tin vì động cơ không trong sáng, dễ dãi trong tác nghiệp, khâu biên tập lơi lỏng, cẩu thả…
Đó chính là điều kiện để nhiều tin “hổ lốn”, thậm chí là “tin rác” trà trộn với những thông tin chính thống, làm vẩn đục môi trường báo chí truyền thông.
Bất kỳ thông tin báo chí nào đều phải đảm bảo các thuộc tính căn bản như tính nhân văn, tính nhân dân, tính giáo dục… Song, trong kỷ nguyên số, ít nhiều có sự thay đổi, bởi thông tin quá nhanh nhạy, lan tỏa sâu rộng, tác động tới đời sống xã hội nhanh hơn, mạnh hơn.
Trong bối cảnh đó, rất cần những luồng thông tin chính xác, để kịp thời định hướng dư luận xã hội, lấn át những dòng tin ô tạp trên Internet, từ đó có thể chiếm lĩnh được “không gian ảo” trên môi trường truyền thông số.
Quản lý nội dung và vấn nạn tin giả
Hiện nay, thế giới có hàng ngàn dịch vụ mạng xã hội khác nhau, đặc biệt là Facebook, Instagram, Zalo… Câu hỏi được đặt ra là, tại sao lại có nhiều người sử dụng mạng xã hội như vậy?
Không khó trả lời, bởi mạng xã hội có thể giúp mọi người gắn kết với nhau, truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Đôi khi, có những việc, báo chí phải nhờ đến mạng xã hội để thu thập và kiểm chứng thông tin.
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều vụ việc phóng viên, nhà báo sử dụng thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội gây hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của cá nhân và tổ chức.
Vậy, làm thế nào quản lý tốt nội dung đăng tải trên trang mạng xã hội? Facebook cũng đã có những quy định về ngôn từ, hình ảnh đăng tải lên trang mạng xã hội của mình bằng cách tạo ra một “tiêu chuẩn cộng đồng” với những tiện ích cho cộng đồng mạng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cam kết xóa nội dung có những hành vi gây tổn hại trong thế giới thực, bao gồm những tổn hại về thể chất, tài chính và tổn thương cảm xúc.
Ngoài ra, Facebook không cho phép sử dụng ngôn từ kích động thù địch, vì điều đó tạo ra môi trường đe dọa và bài trừ; đồng thời, trong một số trường hợp còn có thể thúc đẩy hành vi bạo lực trong thế giới thực.
Mặc dù vậy, số lượng người sử dụng Facebook quá đông, khiến việc kiểm soát ngôn từ đôi khi rất khó đối với mỗi quốc gia có hệ thống ngôn ngữ riêng khác nhau. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “fake news” (tin giả) - một trong những mối đe dọa khủng khiếp của báo chí truyền thông hiện nay.
Nói cách khác, mạng xã hội là môi trường lý tưởng để tin giả sinh sôi, nảy nở và cũng là nơi giảm niềm tin của độc giả vào báo chí. Dù thế nào đi nữa, tin giả cũng do một số người làm báo non kém về chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ, khi chưa tìm hiểu kỹ sự việc, đã “sao chép” và sử dụng những thông tin trên mạng một cách bừa bãi.
Để làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, nhà báo cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội. |
Trách nhiệm xã hội của nhà báo
Thứ nhất, không lan truyền tin đồn. Sự phong phú về thông tin trên mạng xã hội cũng kèm theo nhiều hệ lụy khó lường, gây nhiễu loạn thông tin, trong đó xuất hiện không ít thông tin độc hại, với sức lan tỏa mạnh mẽ làm rối loạn môi trường thông tin.
Trong “xã hội ảo” đó, nếu sử dụng mạng Internet một cách nhân văn, nó trở thành một kênh giao tiếp giải trí lành mạnh, hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của con người, thúc đẩy xã hội phát triển.
Với đặc điểm là “căn phòng” không khóa cửa và biên giới cứng dần trở nên bị xóa nhòa, Internet dễ dàng trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực phản động lợi dụng - nuôi cấy những mầm “nấm độc”, gây phương hại cho an ninh quốc gia…
Để làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, nhà báo cần thận trọng trước tin đồn trên mạng xã hội. Gần đây, một số vấn đề gây bức xúc dư luận là một vài cá nhân đã tự ý “livestream” bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức, tạo hiệu ứng truyền thông không lành mạnh.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý, một số phóng viên, cộng tác viên của các tờ báo điện tử, trang tin điện tử lại “chính thống hóa” thông tin trên mạng thành bài báo của mình, gây rối loạn thông tin, tiếp tay cho tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội. Một số trang mạng đã không kiểm chứng thông tin “nối giáo cho giặc” đăng tràn lan những thông tin một chiều, ảnh hưởng xấu đến dư luận.
Do đó, để làm đúng bổn phận và trách nhiệm xã hội của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà báo cần phải phản ánh đúng sự thật, không phải là “công cụ” để lợi dụng làm những điều thị phi.
Thứ hai, chuyên nghiệp trong cách thức thu thập và xử lý thông tin. Môi trường truyền thông số đã tạo ra nhiều “thuận lợi” cho những nhà báo lười lao động. Trong bối cảnh hiện nay, một số nhà báo trẻ ít trực tiếp đi đến điểm cần khai thác nguồn tin mà chủ yếu tham khảo những thông tin có sẵn trên mạng rồi “xào xáo” trở thành tin bài của mình.
Nhà báo có thể tham khảo thêm tư liệu từ những bài viết trước đó về cùng sự việc để bổ sung tư liệu nếu thiếu, song điều bắt buộc phải ghi rõ nguồn tin. Mặt khác cũng cần phải đến tận nơi xảy vụ việc để lấy thông tin mới nắm được bản chất sự việc và những yêu cầu của dư luận tại nơi xảy ra sự kiện từ đó đưa thông tin phù hợp và chính xác.
Thứ ba, chủ động “nắn dòng” thông tin sai lệch. Tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của công dân và tin đồn, tin sai sự thật cũng là một loại hình ngôn luận. Có người cho rằng, mặc dù tung tin đồn thất thiệt là bất ổn, nhưng tự do ngôn luận bao hàm được tự do nói sai, pháp luật không nên hạn chế sự tự do này, khoan dung với tin đồn, tin sai sự thật là bảo vệ quyền phát ngôn, và xử lý người tung tin đồn là hạn chế quyền tự do ngôn luận! Hiển nhiên, quan điểm đó thiếu vắng những luận chứng chặt chẽ, và không có lợi cho sự phát triển của xã hội. Tự do ngôn luận chủ yếu là bảo vệ việc bày tỏ “ý kiến”, kể cả những ý kiến không đúng đắn cũng vẫn có thể được thúc đẩy và trở nên hoàn thiện hơn trong sự cạnh tranh tự do ngôn luận.
Tuy nhiên, những sự thật “giả tạo” hay tự tạo thông tin, nói xấu, xúc phạm danh dự cá nhân trên mạng xã hội sẽ khiến xã hội bất ổn, gây rối loạn môi trường mạng. Ví dụ, những thông tin về thương mại sai sự thật sẽ khiến nhà đầu tư đưa ra phán đoán sai lệch, gây thiệt hại về kinh tế. Hoặc nếu đưa ra báo động cháy nổ giả tại sân bay hoặc nơi công cộng sẽ gây ra tình trạng chen lấn, giẫm đạp lên nhau.
Những ví dụ ấy cho thấy, việc đăng tải những thông tin sai sự thật, tin giả, hay ngụy tạo tin giả sẽ gây ra mối nguy hại lớn. Mọi sự tự do đều có biên giới, tự do ngôn luận cũng cần nằm trong khuôn khổ. Bảo vệ quyền được phép “nói sai” không đồng nghĩa với việc dung túng cho hiện tượng cố tình tung tin đồn, thông tin sai sự thật.
Nói sai và tung tin đồn có sự khác biệt căn bản về tính chất. Tòa án tối cao liên bang Mỹ đưa ra một câu danh ngôn rằng: “Sẽ không bao giờ bảo vệ sự tự do cho kẻ tung tin xảy ra hỏa hoạn, dẫn đến sự hoảng loạn trong rạp chiếu phim”. Không có quốc gia nào trên thế giới có tự do ngôn luận bao hàm tự do tung tin đồn.
Một điều có thể thấy, sau khi dịch vụ UGC (User generated content - người sử dụng tạo ra nội dung) ra đời trên nền tảng Internet, công chúng được phép tự do bày tỏ quan điểm công khai và rộng rãi hơn. Những vụ việc liên quan đến tin sai sự thật và những ngôn luận sai trái đã gây hại cho xã hội cũng như quyền và lợi ích của cá nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Đặc biệt, nếu coi nhẹ sự thật, ngôn luận là “con dao hai lưỡi” và “tôn” nó lên trên các quyền lợi khác thì hoàn toàn không phải là sự lựa chọn phù hợp. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà báo cần phải “nắn dòng” thông tin sai lệch, không lợi dụng tự do ngôn luận làm những điều thị phi.
. Trong kỷ nguyên số, nhà báo - “người thư ký của thời đại” phải luôn tỉnh táo trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, không tiếp tay cho những thông tin độc hại. |
Thứ tư, thông tin cần có liều lượng nhất định. Sự thật là “sinh mệnh” của báo chí. Không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, do đó, người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin.
Thực tế cho thấy, vấn đề nhà báo sử dụng thông tin trên mạng “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Mỹ hay Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đều quản lý chặt chẽ Internet mục đích không làm phương hại tới lợi ích quốc gia. Luôn nhớ rằng, tự do nhưng phải nằm trong khuôn khổ và tôn trọng pháp luật. Các nhà báo cần chú ý, không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình, bởi uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.
Thứ năm, tỉnh táo trước thông tin thiếu thiện chí. Thời gian qua, một số cơ quan truyền thông nước ngoài lợi dụng Internet liên tục phát tán một số bài viết không tích cực về Việt Nam, thậm chí có “nhà đài” còn đăng tải một bài viết đầy khẩu khí, với những chiêu trò cũ rích, gây kích động, làm rối loạn môi trường truyền thông.
Do đó, hơn lúc nào hết, các nhà báo luôn phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết, có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội tích cực, động viên các tầng lớp nhân dân tin tưởng và thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trong kỷ nguyên số, nhà báo - “người thư ký của thời đại” phải luôn tỉnh táo trước những thông tin sai lệch trên mạng xã hội, không tiếp tay cho những thông tin độc hại, truyền tải những năng lượng tích cực, tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận cho xã hội.
(1) Thuật ngữ “thế giới phẳng” do Thomas Friedman – nhà báo người Mỹ đề xướng vào năm 2005.