TIN LIÊN QUAN | |
Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ luận bàn thúc đẩy thương mại và đầu tư | |
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ |
Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ thương mại và đầu tư Hoa Kỳ - Việt Nam. Nhân sự kiện này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội (AmCham), Phòng thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức Hội nghị về tương lai quan hệ đầu tư và thương mại giữa hai nước với tên gọi “Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019: Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư”.
Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng 250 đại diện Chính phủ và lãnh đạo ngành của hai quốc gia.
Đại biểu tham dự Hội nghị “Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ 2019: Kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư”. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Những bước tiến quan trọng
25 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cải thiện quan hệ, từ kẻ thù trở thành bạn và hơn thế, trở thành đối tác toàn diện theo khuôn khổ đã được xác lập từ năm 2013. Những cột mốc quan trọng này đã làm thay đổi mối quan hệ song phương và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế mạnh mẽ tại Việt Nam.
Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục trở thành nền tảng và động lực trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Các dự án đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, góp phần nâng cao tay nghề, tăng thu nhập và mang lại thịnh vượng cho người dân Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam là thị trường sở hữu hơn 90 triệu dân, nguồn lao động trẻ, nền chính trị - xã hội tương đối ổn định cùng những nỗ lực đổi mới, cải cách của Chính phủ. Với vai trò, vị thế ngày càng cao trong khu vực và quốc tế, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%; tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt hơn 482 tỷ USD. Hiện có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 340 tỷ USD, trong đó Hoa Kỳ có 900 dự án còn hiệu lực với tổng giá trị hơn 9 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 130 lần kể từ năm 1994 đến nay, với 450 triệu USD năm 1994 và khoảng 60 tỷ USD năm 2018. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh, tăng gần 40% trong năm 2018.
Thêm vào đó, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, chủ động vào thể chế đa phương thể hiện qua việc hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), tham gia và phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong chuyến đi đến Hà Nội của Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 2/2019, đã có nhiều thoả thuận hợp tác đầu tư trị giá tới 25 tỷ USD.
Tất cả kết quả trên đã góp phần thúc đẩy thương mại song phương vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Hướng đi tiềm năng cho thương mại và đầu tư
Phát triển bền vững, đổi mới và hội nhập đang là những “từ khoá” quan trọng nhất trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam đang hướng tới cơ cấu đầu tư và thương mại chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn và bền vững hơn. Và Hoa Kỳ là một trong những đối tác giúp Việt Nam trên hành trình thực hiện mục tiêu này.
Tại hội nghị, USCC đã “mách nước” cho Việt Nam bằng một loạt khuyến nghị để tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Điển hình, USCC đưa ra sáng kiến để tăng cường sự tham gia thương mại dưới sự bảo trợ của Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư (TIFA). Sử dụng khuôn khổ TIFA thể chế hiện có mà cả hai bên đã thấy hiệu quả, sẽ tạo điều kiện giải quyết ngay lập tức các vấn đề song phương quan trọng, xây dựng niềm tin và mở đường cho các cuộc đàm phán FTA trong tương lai.
Theo đó, cả hai quốc gia đóng vai trò trung tâm ở các quốc gia tương ứng trong việc xây dựng và điều phối chính sách giữa các bộ, ngành có liên quan đến vấn đề thương mại, đầu tư. Tận dụng kiến trúc TIFA, cả hai bên sẽ xác định một tập hợp các sáng kiến mới riêng biệt trong các lĩnh vực được ưu tiên lẫn nhau, hai quốc gia có thể thỏa thuận với các cam kết cụ thể.
USCC cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, hai nước cần tập trung vào kế hoạch chi tiết về các vấn đề bao gồm thương mại kỹ thuật số, quyền sở hữu trí tuệ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật, cơ sở hạ tầng năng lượng. Đối với Việt Nam, cần phải thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa kinh tế, đổi mới và hoạt động kinh tế có giá trị tăng cao hơn và quản lý tốt hơn.
Có thể thấy rõ, các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đang bắt tay nhau để thực hiện những dự án tiềm năng mới. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiếp tục là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. “Trong mối quan hệ hợp tác, Việt Nam ghi nhận vai trò dẫn dắt của những tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ. Hy vọng, với sự hợp tác ngày càng được chú trọng này, Việt Nam không chỉ có các công xưởng mà sẽ có cả những “Thung lũng Silicon châu Á”, góp phần định hình tương lai nền kinh tế Việt Nam”.
| Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ luận bàn thúc đẩy thương mại và đầu tư Ngày 10/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại ... |
| Khắc phục hậu quả chiến tranh: Điểm sáng trong hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng đi một chặng đường dài và quan trọng trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sự ... |
| Việt Nam tăng cường quảng bá các địa phương tại Hoa Kỳ Thiết thực triển khai kết quả chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 5/2017, Cục Ngoại vụ ... |