📞
Hỏi - Đáp về vaccine Covid-19:

Vaccine Covid-19 AstraZeneca: Tiêm mũi 2 như thế nào? Có nên tiêm khi bị rối loạn về máu?

Trung Phan 12:44 | 30/09/2021
Người nguy cơ cao bị đột quỵ, người bị bệnh tự miễn dịch, rối loạn về đông máu có nên tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca? Nhà dịch tễ học người Australia Hassan Vally đã giải đáp những thắc mắc này.

Để thực hiện lộ trình từng bước chuyển từ loại bỏ Covid-19 sang chiến lược sống chung với dịch bệnh, nhiều địa phương ở Australia đang cố gắng đẩy nhanh việc tiêm vaccine Covid-19.

Bên cạnh vaccine Covid-19 của hãng Pfizer, Australia đang triển khai tiêm vaccine của AstraZeneca. (Nguồn: AFP)

Trong quá trình triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19, có không ít người dân Australia tỏ ra lo ngại về tính an toàn của vaccine AstraZeneca (một trong những vaccine đang được triển khai tiêm phổ biến tại nước này) do có một số tác dụng phụ hiếm gặp liên quan đến tình trạng đông máu.

Trước những lo lắng của người dân, phóng viên chuyên mảng Y khoa của ABC News Sophie Scott và nhà dịch tễ học của Đại học Latrobe (Australia) Hassan Vally đã giải đáp một số vấn đề liên quan đến vaccine AstraZeneca.

Cụ thể như sau:

Tôi có nguy cơ cao dễ bị đột quỵ nên hơi lo ngại về việc tiêm liều vaccine thứ hai. Tôi có nên tiếp tục tiêm liều vaccine AstraZeneca thứ hai không?

Tất cả các bằng chứng hiện có cho thấy, trường hợp bị rối loạn đông máu khi tiêm vaccine Covid-19 AstraZaneca cực kỳ hiếm gặp. Thường biến chứng này sẽ xuất hiện sau liều tiêm đầu tiên, vì vậy bạn không nên lo ngại để rồi bỏ lỡ thời gian tiêm liều thứ hai.

Đức đã phê duyệt cho tiêm kết hợp 2 loại vaccine. Vậy những người dưới 50 tuổi đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca có thể tiêm mũi 2 vaccine Pfizer được không?

Hiện mới chỉ có một số nghiên cứu tiêm kết hợp hai loại vaccine trên ở quy mô nhỏ nên chưa khẳng định được chắc chắn hiệu quả của cách kết hợp này.

Bên cạnh đó, tất cả các số liệu cho thấy, thường các trường hợp biến chứng sau tiêm vaccine AstraZeneca sẽ xuất hiện khi tiêm liều đầu tiên. Vậy nên không cần quá lo lắng cho liều tiêm thứ 2.

Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên một số quốc gia như Đức đã quyết định cho phép người dưới 60 tuổi đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca được tiêm mũi 2 là vaccine khác.

Việc kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau có thể là giải pháp tình thế, trong bối cảnh tình trạng thiếu nguồn cung vaccine đang ảnh hưởng tới tiến độ tiêm chủng ở nhiều nước.

Đến nay, vì chưa đủ dữ liệu khoa học cho việc quyết định tiêm kết hợp 2 loại vaccine, chúng ta cần chờ đợi thêm các báo cáo nghiên cứu so sánh giữa việc tiêm thường (tiêm cùng loại) và tiêm phối hợp để cân nhắc xem có nên tiêm kết hợp hai loại vaccine hay không.

Dầu vậy, với mức độ lây lan rất cao của chủng Delta mới, cách tốt nhất để chống lại những biến thể này là tiêm đủ 2 mũi vaccine càng sớm càng tốt.

Những người cao tuổi và mắc bệnh nền nên tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.

Tôi có nên tránh tiêm vaccine AstraZeneca nếu đã hoặc đang bị rối loạn về máu không?

Bạn nên đến khám và hỏi ý kiến bác sĩ đa khoa về các vấn đề liên quan đến việc vaccine có thể ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe.

Thêm vào đó, cần phải hiểu rằng, có rất ít trường hợp mắc chứng rối loạn đông máu khi tiêm vaccine AstraZeneca. Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về các biến chứng và các yếu tố nguy cơ. Tình trạng rối loạn đông máu liên quan đến vaccine AstraZeneca là một hội chứng có cơ chế khá khác biệt so với các rối loạn đông máu khác.

Do vậy, chúng ta không thể khẳng định sự xuất hiện của các loại rối loạn đông máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gọi là huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTP) hoặc giảm tiểu cầu miễn dịch prothombotic do vaccine (VIPIT) hay không.

Những người mắc bệnh tự miễn dịch có nên tiêm vaccine AstraZeneca?

Không có mối liên hệ nào được tìm thấy giữa người mắc bệnh tự miễn dịch với tình trạng rối loạn đông máu do tiêm vaccine. Do có rất nhiều bệnh tự miễn dịch khác nhau nên bạn cần được bác sĩ khám và tư vấn trước khi tiêm chủng.

Người có bệnh tự miễn dịch có nguy cơ nhiễm nặng khi bị mắc Covid-19. Bởi thế, những đối tượng này nên tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Nhiều thông tin cho rằng, thuốc tránh thai có nguy cơ đông máu cao hơn nhiều so với vaccine Covid-19, tại sao lại được phép kê đơn thuốc tránh thai trong khi có khuyến cáo không dùng vaccine AstraZeneca cho người dưới 50 tuổi?

Một số loại thuốc như thuốc tránh thai có thể gây ra cục máu đông. Nhưng quan điểm đánh giá mức độ rủi ro bằng cách so sánh giữa vaccine AstraZeneca với thuốc tránh thai là không hợp lý.

Bởi tỷ lệ bị đông máu do sử dụng thuốc tránh thai kết hợp ước tính là 1/1000 ca. Trong khi đó, nguy cơ bị rối loạn đông máu khi tiêm vaccine AstraZeneca là khoảng 4/1.000.000 trường hợp.

Tuy nhiên, trong số những người bị biến chứng đông máu, tỷ lệ tử vong do cục máu đông sau khi sử dụng viên uống tránh thai được ước tính là vào khoảng 3%, còn tỷ lệ tử vong ở những người có rối loạn đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine AstraZeneca là khoảng 25%.

Sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tử vong là do cơ chế gây ra đông máu ở thuốc tránh thai và vaccine là khác nhau. Do đó, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để được kê đơn thuốc phù hợp.

(theo ABC News)