Một phụ nữ Kenya đang được tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca do Anh tặng hôm thứ Bảy, ngày 14/8. (Nguồn: AP) |
Khó chồng khó
Tại một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 ở thủ đô Kampala của Uganda, những người đang chờ đợi những mũi tiêm AstraZeneca khan hiếm bắt đầu to tiếng, có cả “động chân động tay”. Một số người cáo buộc có tình trạng chen lấn và người đến sau được tiêm trước.
Ngay sau đó, các nhân viên y tế đã phải can thiệp, nói rằng những người bị cáo buộc chen hàng thực ra đã đợi từ hôm trước. Không khí căng thẳng bao trùm trung tâm tiêm chủng.
Nhiều người dân Uganda tìm kiếm liều vaccine đầu tiên đang phải cạnh tranh kịch liệt với hàng trăm nghìn người đã chờ hàng tháng trời để được tiêm liều thứ hai. Nhưng cả nước hiện chỉ có 285.000 mũi do Na Uy tặng.
Sự nguy hiểm của biến thể Delta khiến các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề, khiến châu lục này đang bất lợi hơn nhiều quốc gia khác về số lượng vaccine Covid-19 càng trở nên thiếu hụt nguồn cung.
“Đánh nhau” để có được liều tiêm vaccine Covid-19 thứ nhất và thứ hai trên lục địa được tiêm chủng ít nhất trên thế giới này trái ngược hẳn với các nước giàu hiện đang bắt đầu cho phép tiêm liều thứ ba.
Tiến sĩ Alfred Driwale, quan chức thuộc chương trình tiêm chủng của Uganda, nói rằng số lượng liều nhỏ giọt sẽ không giúp khắc phục được tình hình.
Hiện có 5 triệu người dân Uganda đủ điều kiện tiêm chủng - từ binh lính đến nhân viên y tế - đều phải tranh giành nhau để được chích ngừa do tiêu chí đưa ra là ai đến trước được tiêm trước.
Driwale nói: “Chúng tôi không thể đưa ra chính sách tiêm chủng khi không có nguồn cung chắc chắn”.
Thất vọng về chủ nghĩa dân tộc vaccine
Các quan chức y tế trên khắp 54 quốc gia của châu Phi đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về những gì họ coi là chủ nghĩa dân tộc vaccine khi các quốc gia giàu có dường như tích trữ nhiều vaccine trong khi các quốc gia nghèo tụt hậu xa hơn.
Hồi tháng 6, trong bối cảnh thiếu hụt vaccine trầm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các chiến dịch tiêm chủng ở châu Phi đã "sắp dừng lại" do không có vaccine.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi, chưa đến 2% trong số 1,3 tỷ người của lục địa này được tiêm chủng đầy đủ và hiện các nước châu Phi chỉ nhận được hơn 100 triệu liều vaccine.
Ông John Nkengasong, Giám đốc CDC châu Phi cho biết, nỗ lực tiêm chủng cho 60% dân số châu Phi vào cuối năm 2022 khó khả thi khi việc tìm nguồn cung vaccine không dễ dàng, đặc biệt là vaccine AstraZeneca. Ông Nkengasong cho biết, khó có thể mua được các lô hàng lớn của AstraZeneca cho đến khi tình hình sản xuất vaccine ở Ấn Độ được cải thiện.
Ông nói thêm: “Loại vaccine tốt nhất để sử dụng làm liều thứ hai là bất kỳ loại vaccine nào có sẵn”, ví dụ tiêm liều AstraZeneca đầu tiên và sau đó là vaccine Johnson & Johnson một mũi, hiện đã bắt đầu chuyển đến một số nước châu Phi sau khi lục địa này đặt mua 400 triệu liều.
Uganda gần đây đã nhận được 300.000 liều Sinovac của Trung Quốc mà các nhà chức trách khẳng định không thể sử dụng kết hợp với AstraZeneca.
Tiến sĩ Jean-Jacques Muyembe, người đứng đầu cơ quan điều phối phản ứng đại dịch của chính phủ Congo cho biết, nước này đang chờ đợi một lô hàng vaccine Covid-19 trong tuần này để tiêm cho những người hiện đã tiêm mũi một.
Khoảng 81.910 người Congo đã được tiêm vaccine AstraZeneca kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 4 và hơn 4.000 người đã được tiêm mũi thứ hai.
Chờ vào may-rủi
Sự khan hiếm của AstraZeneca đang gây ra lo lắng ở các quốc gia sử dụng loại vaccine này rộng rãi. Một số người đã quá hạn tiêm trong nhiều tuần và lo lắng khả năng cách quãng có thể làm giảm tác dụng miễn dịch của vaccine.
Ifeoluwa Oluseyi, một giáo viên ở thủ đô Abuja của Nigeria cho biết: “Chúng tôi được biết, (biến thể Delta) rất nguy hiểm và chúng tôi đều sợ hãi. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã tiêm vaccine AstraZeneca mũi đầu tiên nhưng chúng tôi không thể tiêm mũi thứ hai”.
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 210 triệu người, đầu tháng này đã nhận được 4 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ tài trợ. Dự kiến hơn 29 triệu liều vaccine Johnson & Johnson do chính phủ Nigeria mua thông qua Liên minh châu Phi cũng sẽ sớm "hạ cánh".
Một lô hàng vaccine Covid-19 đã được chuyển đến Addis Ababa, Ethiopia theo chương trình COVAX. (Nguồn: Reuters) |
Oso Kowe, bác sĩ người Nigeria, một trong số nhiều người vẫn chưa được tiêm chủng đầy đủ, cho biết, cô đang cố gắng hết sức để có được mũi tiêm thứ hai nhưng chưa thành. “Hy vọng là tôi sẽ không bị nhiễm virus”, Kowe nói.
Tiến sĩ Misaki Wayengera, người đứng đầu Ủy ban kỹ thuật tư vấn về ứng phó với đại dịch của Uganda, cho biết, khó có thể dự đoán những người tiêm mũi tiêm thứ nhất sẽ phải chờ mũi thứ hai đến bao giờ.
Racheal Nambuya, một giáo viên người Uganda, chờ đến lượt tiêm tại một trung tâm tiêm chủng đông đúc, cho biết cô sẽ không rời đi cho đến khi có được mũi tiêm mũi thứ hai. Cô được tiêm mũi thứ nhất vào ngày 2/6.
Nambuya nói: “Câu hỏi của tôi là, liệu liều thuốc đầu tiên đó có còn tác dụng không? Nó có bị lãng phí không? Có nhiều câu hỏi được đặt ra và không ai cho tôi câu trả lời. Tôi đang cố gắng hết sức để có được mũi thứ hai và như bạn có thể thấy, tôi không phải là người duy nhất".
Lo lắng vaccine thật-giả lẫn lộn
Đã có báo cáo về các giấy chứng nhận tiêm chủng giả được cấp cho những người tiêm ngừa bên ngoài các trung tâm được chỉ định.
Một một số thậm chí phải trả tiền hối lộ để được tiêm - làm tăng thêm sự nghi ngờ của dân chúng về tình trạng sẵn có của vaccine.
Với những thách thức về hậu cần, công tác bảo quản, khả năng đưa vaccine phổ cập ở các vùng ngoài đô thị ở các nước châu Phi càng trở nên khó khăn hơn.
Ở một số điểm tiêm chủng được phân bổ khoảng 100 liều mỗi ngày, cuộc đấu tranh để có vaccine có thể phải sử dụng đến “sức mạnh thể chất”. Robinah Wataba, sau khi đã nhận mũi tiêm thứ hai, cho biết: “Một số người gần như đã đánh nhau ở đây vào sáng nay. Thực sự rất vô tổ chức”.
Cô cảm thấy nản lòng khi đến điểm tiêm ở Tòa thị chính của Kampala và chứng kiến đám đông hỗn độn.
“Ai cũng muốn được tiêm liều thứ hai. Tôi từng tự hỏi xác suất để tôi nằm trong số những người may mắn là bao nhiêu? Tiếc cho những ai chưa được tiêm mũi hai vì từ bây giờ nó sẽ còn khó khăn hơn”.
| Thủ tướng: Nhìn tổng thể, công tác chống dịch Covid-19 chưa đạt mục tiêu đề ra Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong điều kiện vaccine, thuốc điều trị bệnh Covid-19 chưa có, chưa đủ thì phải tập trung các ... |
| Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra 9 kinh nghiệm chống dịch Covid-19 Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên nhân khách quan khiến dịch Covid-19 đợt này vẫn lây lan rộng và kéo dài ... |