📞

'Vaccine' giúp doanh nghiệp Việt phục hồi và phát triển bền vững

TS. Nguyễn Quốc Việt 13:25 | 06/07/2022
Chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế, gắn với các mô hình chuyển đổi số là một trong những sách lược quan trọng giúp doanh nghiệp ứng phó với khó khăn trong những tháng cuối năm và xa hơn thế.

Phục hồi khả quan

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khu vực doanh nghiệp đã có sự phục hồi tương đối khả quan. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố gần đây cho thấy, doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp (lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn doanh nghiệp).

TS. Nguyễn Quốc Việt - Tác giả bài viết.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 882,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 514,8 nghìn lao động, tăng 13,6% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vượt mốc 70 nghìn doanh nghiệp và cũng là mức kỷ lục trong giai đoạn 2017-2021. Điều này cho thấy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đã dần trở lại sau hai năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Ngoài ra, kinh tế đối ngoại (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng năm 2022 đạt 371,14 tỷ USD, tăng 16,4%) vẫn cho thấy sự phục hồi ấn tượng. Đây cũng là 2 bệ đỡ chính giúp doanh nghiệp phục hồi trở lại vào cuối năm 2021.

Việc Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, Chính phủ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát... là điểm tựa cho sự phục hồi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong những tháng đầu năm.

Trong nửa còn lại của năm, cộng đồng doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển.

Thứ nhất, cùng với việc nối lại chuỗi cung ứng trong sản xuất và du lịch khởi sắc, nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ tăng cao. Đây sẽ là cú hích cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu dùng, ăn uống, du lịch, giải trí...

Thứ hai, trong điều kiện thu ngân sách nhà nước đạt khá cao trong 6 tháng đầu năm (đạt 66% dự toán) đem đến kỳ vọng việc triển khai các gói hỗ trợ kích thích, phục hồi kinh tế sẽ diễn ra nhanh hơn. Qua đó góp phần hỗ trợ cho hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ ba, quyết tâm của Chính phủ đẩy nhanh tiến độ gói hỗ trợ đầu tư công cho cơ sở hạ tầng cũng sẽ kích hoạt một số lĩnh vực kinh doanh liên quan hoạt động khởi sắc hơn.

Thứ tư, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), vì vậy, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các FTA cùng với những khung khổ hội nhập/liên kết kinh tế thế giới hiện có để tăng cường mở rộng các thị trường mới và thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị. Theo dự báo, khu vực kinh tế đối ngoại vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, nhất là đối với những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và giá trị gia tăng cao như nông nghiệp, thủy sản, đồ gỗ.

Thách thức không hề nhỏ

Dù được đón nhận nhiều điều kiện thuận lợi nhưng những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt trong 6 tháng cuối năm cũng không hề nhỏ. Trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là áp lực lạm phát và bất ổn đang gia tăng trên thị trường thế giới. Điều này gây ra những rủi ro, diễn biến khó lường ở hầu hết các thị trường chính trên thế giới cũng như đối với thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thuộc khu vực sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế lớn và các đối tác thương mại của Việt Nam.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc cũng khiến một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vốn dựa nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ quốc gia này gặp khó khăn.

Để đối phó với lạm phát tăng cao, nhiều quốc gia trên thế giới đã “mạnh tay” thắt chặt chính sách thắt chặt tiền tệ. Đơn cử như tại Mỹ, trong tháng 6/2022, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng có những hành động tương tự. Điều này gây ảnh hưởng đến tỷ giá trong nước, từ đó, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.

Không chỉ thế, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong nửa đầu tháng 6 đã cho thấy có sự suy giảm so với tháng 5. Và dù kim ngạch nhập khẩu vẫn tăng cao, khối lượng nhập khẩu hàng hoá qua các cảng biển của Việt Nam lại có sự suy giảm đáng kể, đây có thể là dấu hiệu tiêu cực cho tình hình tăng trưởng sản xuất trong nửa cuối năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn tín dụng trong nước. Khả năng tăng lãi suất huy động lẫn cho vay là vấn đề hiện hữu đến cuối năm nay do tình hình áp lực lạm phát và các chính sách kìm chế lạm phát của Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng.

Khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam là áp lực lạm phát và bất ổn đang gia tăng trên thị trường thế giới. (Nguồn: Vneconomy)

Làm gì để ứng phó với khó khăn?

Trong bối cảnh nhiều yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, cùng với rủi ro và bất ổn vĩ mô toàn cầu tăng cao trong nửa cuối năm, về phía doanh nghiệp, cần chủ động nắm bắt tốt hơn các tín hiệu của nền kinh tế cả trong và ngoài nước để có những dự báo về thị trường nội địa và xuất khẩu, từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh linh hoạt và phòng ngừa các rủi ro kinh doanh tốt hơn.

Các doanh nghiệp cũng cần củng cố lại văn hoá và nền tảng quản trị kinh doanh, thực hành liêm chính, quan tâm các chính sách nhằm hỗ trợ lao động và phát triển nhân lực. Từ đó, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các FTA thế hệ mới, gắn với các mô hình chuyển đổi số.

Đây vừa là sách lược ứng phó những khó khăn, thách thức trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới một nền kinh tế tự chủ hơn và hội nhập sâu rộng hơn.

Về phía Chính phủ, bên cạnh việc tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, việc đẩy nhanh hơn và quyết liệt hơn các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt các chương trình liên quan đến an sinh xã hội, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp sẽ là “liều vaccine” hiệu quả nhất cho nền kinh tế và doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh nhiều bất ổn và rủi ro hiện tại.

Phải tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào sự ổn định từ các thể chế, chính sách và cả trong khâu điều hành, thực thi chính sách. Cụ thể như: Các chính sách trong giai đoạn này rất nhạy cảm với doanh nghiệp, vì vậy, cần công khai, minh bạch và đưa ra thông tin sớm nhất có thể.

Một số vấn đề cần chính sách can thiệp như thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoặc bất động sản. Tuy nhiên, những chính sách này không nên làm đột ngột, gây hoang mang và tâm lý e ngại cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đặc biệt, không nên dùng các biện pháp hành chính, dựa trên ý chí chủ quan của cơ quan quản lý để can thiệp vào thị trường.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế nói chung và với doanh nghiệp nói riêng trong gói hỗ trợ “lớn nhất lịch sử” 340.000 tỷ đồng ưu tiên vấn đề khả thi để triển khai ngay lập tức. Ngược lại, vấn đề cần đánh giá kỹ về bối cảnh, khả năng ngân sách Nhà nước thì công bố sớm, không nên kéo dài quá trình chuẩn bị.