📞

Vaccine Sputnik-V - Cầu nối cải thiện quan hệ liên Triều?

Duy Phương 09:36 | 19/02/2021
TGVN. Việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Nga ở Hàn Quốc để cung cấp cho Triều Tiên được cho là một biện pháp khả thi có thể giúp bình thường hóa quan hệ liên Triều.
Hàn Quốc có khả năng triển khai ngoại giao vaccine thông qua việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 Sputnik-V của Nga ở Hàn Quốc để cung cấp cho Triều Tiên. (Nguồn: Shutterstock)

Tờ The Korea Times số ra ngày 17/2 dẫn bình luận của giới nghiên cứu về Triều Tiên cho rằng đề xuất của Thống đốc tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) Choi Moon-soon về việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19của Nga ở Hàn Quốc để cung cấp cho Triều Tiên là một biện pháp khả thi giúp bình thường hóa quan hệ liên Triều.

Tuy nhiên, Seoul cũng cần đưa ra một chiến lược sáng tạo và táo bạo để thực hiện thành công chiến lược "ngoại giao vaccine" này. Thực tế cho thấy Triều Tiên đã và đang tìm cách giảm ảnh hưởng với Hàn Quốc thông qua các hoạt động hỗ trợ nhân đạo và hợp tác kinh tế, bằng chứng là Bình Nhưỡng đã nhiều lần từ chối đề nghị của Seoul về thúc đẩy hợp tác kinh tế và sức khỏe cộng đồng giữa hai miền Triều Tiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Chiến lược khả thi

Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Sputnik (Nga) mới đây, ông Choi Moon-soon nói: "Nếu Hàn Quốc gửi vaccine được sản xuất tại Hàn Quốc bằng công nghệ của Nga và Moscow đóng vai trò là bên trung gian trong quá trình này thì hoàn toàn có thể giúp cải thiện quan hệ liên Triều".

Tháng 11/2020, Công ty công nghệ sinh học GL Rapha của Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) để sản xuất hơn 150 triệu liều vaccine Sputnik-V mỗi năm.

Sputnik-V là loại vaccine ngừa Covid-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới. Nhà máy của GL Rapha hiện được đặt tại thành phố Chuncheon, thủ phủ của tỉnh Gangwon (Hàn Quốc). Sau khi loại vaccine này được Tạp chí y khoa The Lancet uy tín của Anh công nhận, nhiều quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, đang cạnh tranh quyết liệt để có được Sputnik-V. Theo đánh giá của The Lancet, vaccine Sputnik-V an toàn và hiệu quả cao.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã trở nên lạnh nhạt kể từ tháng 2/2019, thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận.

Hong Min, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU) nói: "Vaccine Sputnik-V là sản phẩm của Nga. Nếu Moscow can dự vào vấn đề cung cấp còn Seoul đưa ra lời đề nghị thì ý tưởng này có tính khả thi rất cao. Điều này cụ thể hơn nhiều so với lời kêu gọi của chính phủ Hàn Quốc về hợp tác liên Triều trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng".

Giáo sư Yang Moo-jin của trường Đại học nghiên cứu về Triều Tiên (Hàn Quốc) cũng có cùng quan điểm khi cho rằng đề xuất này rất có ý nghĩa. Ông nói: "Xét trong bối cảnh Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh đến nhu cầu hợp tác của các nước Đông Bắc Á về chăm sóc sức khỏe cộng đồng và Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đưa ra đề nghị cung cấp vaccine ngừa Covid-19 cho Triều Tiên, đề xuất của Thống đốc Choi Moon-soon là hoàn toàn phù hợp với những lời đề nghị đó... Nếu điều khoản đáp ứng các quy định quốc tế liên quan thì có thể còn có lợi cho Hàn Quốc".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4/2018. (Nguồn: Reuters)

Điểm mấu chốt nằm ở Triều Tiên

Mặc dù Triều Tiên tuyên bố rằng đất nước của họ không có trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, song trên thực tế Bình Nhưỡng được cho là đã nộp đơn đăng ký để nhận vaccine ngừa Covid-19 từ Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI) trợ giúp các nước có thu nhập thấp hơn được tiêm chủng.

Theo COVAX, dự kiến tới cuối tháng 2/2021, gần hai triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca sẽ được chuyển đến Triều Tiên. Đây là một phần hỗ trợ Triều Tiên trong khuôn khổ chương trình Cơ chế tiếp cận toàn cầu của COVAX (sáng kiến nhằm giúp 92 nước thu nhập thấp và trung bình nhận được vaccine ngừa Covid-19).

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hiện vẫn còn phải xem liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có chấp thuận đề xuất trên hay không. Nhà nghiên cứu Hong Min nói: "Điểm mấu chốt là liệu Triều Tiên có chấp nhận vaccine ngừa Covid-19 do Hàn Quốc tài trợ hay không".

Trong bối cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên đang muốn thoát ra khỏi khuôn mẫu trao đổi và hợp tác liên Triều hiện có, Triều Tiên không muốn trở thành bên nhận với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Hàn Quốc.

Nhà nghiên cứu Hong Min nhấn mạnh rằng với việc nhà lãnh đạo tối cao kiên định lập trường thì sẽ rất khó cho các quan chức dưới quyền dám khuyên ông ấy chấp nhận lời đề nghị này. Tại Đại hội VIII đảng Lao động Triều Tiên vừa diễn ra, ông Kim Jong-un nói rõ rằng quan hệ liên Triều chỉ có thể được cải thiện nếu Hàn Quốc ngừng các "hành động thù địch" đối với Triều Tiên như tập trận chung thường niên với Mỹ và nhập khẩu khí tài quân sự.

Giáo sư Yang Moo-jin nói: "Ngay cả khi ông Kim Jong-un đánh giá cao lời đề nghị do Nga làm trung gian, ông ấy vẫn có thể từ chối với lý do các hành động thù địch sẽ làm rối tung mọi thứ. Về khía cạnh này, các thành viên trong chính phủ Hàn Quốc cần phải tập trung phối hợp cùng nhau để kế hoạch cung cấp vaccine đạt kết quả như mong đợi".

(theo The Korea Times, Sputnik)