📞

Vài suy ngẫm về Ngoại giao Việt Nam

08:33 | 29/08/2012
“May mắn được về công tác sớm ở Bộ Ngoại giao, trong bối cảnh đất nước liên tục phải trải qua những giai đoạn khó khăn, phức tạp nhất từ sau khi Cách mạng giành được chính quyền. Vì vậy, tôi rất vinh dự được chứng kiến, được tham gia vào quá trình xây dựng và phát triển của Ngành từ thời kỳ trứng nước. Thấy rõ Ngành ta hiện nay đã trưởng thành vượt bậc như thế nào, tôi càng thấy tự hào...”. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại New Zealand và Australia Nguyễn Bá Bảo đã chia sẻ như vậy nhân kỷ niệm 67 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao.
Ông Nguyễn Bá Bảo (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) sau khi trình quốc thư lên Toàn quyền Australia, ngày 16/3/1978, ở Thủ đô Canberra.

Tôi về Bộ Ngoại giao (BNG) từ tháng 3/1950. Vào thời kỳ đầu của Cuộc kháng chiến chống Pháp, khi đó BNG ta mới sơ tán lên Chiến khu Việt Bắc, ở An toàn khu Tân Trào. Sau trên 30 năm liên tục trong Ngành, khi ở trong nước, lúc ở cơ quan đại diện ở nước ngoài, rồi về hưu cuối năm 1982, sau nhiệm kỳ trên 4 năm làm Đại sứ tại Australia và New Zealand (1978-1982). Nhân dịp kỷ niệm 67 năm thành lập Ngành (1945-2012), tôi có một số suy ngẫm về ngành Ngoại giao ta suốt từ khi ra đời đến nay, từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH).

Từ những ngày đầu non trẻ

Ngót 100 năm mất nước, sống dưới sự thống trị của đế quốc Pháp, nhân dân ta làm gì có ngoại giao, dân tộc ta, đất nước ta không có một vị thế gì trên trường quốc tế. Ngành Ngoại giao ta ra đời cùng với việc ra đời của nước VNDCCH. Lớn lên và từng bước trưởng thành từ không đến có, ngay từ kỳ đầu non trẻ, ngành Ngoại giao đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc phối hợp với các mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay từ ngày 19/8/1945, Tổng Khởi nghĩa thắng lợi và ngày 2/9 liền đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời tuyên bố với toàn thế giới việc thành lập nước VNDCCH hoàn toàn được độc lập, tự do trong cả nước. Nhưng tình thế chính quyền cách mạng lúc này cực kỳ khó khăn, trong thế "nghìn cân treo sợi tóc". (...)

Trong hoàn cảnh gay go như vậy, chính quyền ta, lực lượng quân sự chưa có gì, lại trong thế bao vây của địch, chúng ta không còn con đường nào khác là giương cao ngọn cờ hòa bình, dùng ngoại giao để giải quyết dần từng mối. Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, nhất là Hồ Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo và đích thân tham gia, ta đã lần lượt thực hiện được những giải pháp ngoại giao rất kỳ diệu: Tống khứ hàng chục vạn quân Tưởng ra khỏi miền Bắc; ký Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946 với Pháp; Trong tháng 4, tháng 5/1946, ta và Pháp mở Hội nghị trù bị ở Đà Lạt; tham gia Hội nghị chính thức Việt - Pháp diễn ra ở Fontainebleau... Hiệp định Sơ bộ 6/3/1946, Hội nghị Đà Lạt, Hội nghị Fontainebleau và Tạm ước 14/6/1946, chuyến thăm Pháp của Đoàn đại biểu Quốc hội VN, cùng chuyến thăm nước Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một loạt hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của Chính phủ ta trong thời kỳ đầu sau Cách mạng Tháng 8/1945. Các sự kiện này nói lên thiện chí hòa bình của Chính phủ ta, trước sau như một, đồng thời thể hiện rõ nghệ thuật nhân nhượng có nguyên tắc của Ngoại giao Việt Nam, theo đúng Tư tưởng Hồ Chí Minh. Những giải pháp ngoại giao nói trên cũng phản ánh rõ quan điểm đúng đắn, thực tiễn của Ngoại giao VN, giành thắng lợi từng bước để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, xuất phát từ việc xem xét tương quan lực lượng từng thời kỳ giữa cách mạng nước ta với các thế lực ngoại xâm...

Sau này, bắt buộc phải tiến hành liên tiếp hai cuộc kháng chiến lâu dài bảo vệ Tổ quốc chống Pháp và Mỹ. Quan điểm thực tiễn nói trên của Đảng càng thể hiện rõ nét hơn ở Hội nghị Geneva năm 1954 và Hội nghị Paris năm 1973.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên vô cùng quan trọng của ngoại giao là làm sao phá được thế bao vây cô lập của cuộc kháng chiến, đồng thời khai thông được hoạt động tuyên truyền quốc tế, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta và đồng tình giúp ủng hộ ta, chống chiến tranh xâm lược của địch.

Phát huy ảnh hưởng tích cực của Cách mạng Tháng Tám 1945 thắng lợi, ta đã bằng con đường ngoại giao tranh thủ được sớm sự ủng hộ nhiệt tình của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar), Indonesia. Vì vậy ngay từ năm 1948, ta đã mở cơ quan đại diện tại Bangkok và Rangoon (Thủ đô cũ của Myanmar) làm cơ sở liên hệ tiếp xúc với đại diện chính phủ các nước, nhất là mở được Phòng Thông tin ở đây để mở rộng tuyên truyền quốc tế, bằng phát hành bản tin Việt Nam Thông tấn xã sang rất nhiều nước ở các châu lục, và gửi về nước kịp thời tin tức thế giới và các nước cho lãnh đạo đất nước ta khai thác sử dụng. (...)

Giai đoạn mới

Từ 1955 đến 1975, tình hình nước ta chuyển vào giai đoạn hoàn toàn mới. Cách mạng nước ta phải song song thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh chi viện cho miền Nam, cùng nhân dân miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ đến toàn thắng.

Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn to lớn, nhưng tình hình mới cũng cho ta nhiều thuận lợi mới rất cơ bản. Phát huy những kinh nghiệm dồi dào sẵn có trong quá trình kháng chiến chống Pháp, ngoại giao lại tiếp tục phối hợp khăng khít với quân sự để làm tròn sứ mệnh của mình trong giai đoạn mới. Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, mặt trận ngoại giao được triển khai với nhiều thuận lợi mới rất lớn mà trước đây chưa có: địa bàn hoạt động không chỉ giới hạn trong khu vực Đông Nam Á, mà được mở rộng ra rất nhiều nước trên thế giới, kể cả một số nước lớn. Với ảnh hưởng rộng lớn của chiến thắng của ta ở Điện Biên Phủ và thắng lợi ngoại giao của ta ở Hội nghị quốc tế Geneva, phong trào ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong kháng chiến chống Mỹ. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, mặt trận ngoại giao của ta lại có những bước phát triển mới rất sáng tạo và hiếm có. Trong lịch sử ngoại giao thế giới, chưa có nước nào như ở VN thời kỳ chống Mỹ có song song hai BNG với hai hệ thống cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, của nước VNDCCH và của mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với nhau cùng hoạt động đối ngoại. Kết quả rõ ràng là càng ngày càng nhiều chính phủ các nước tuyên bố ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, nhiều nước viện trợ cho ta, đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc. Nhưng hiếm có hơn nữa, là chưa có nước nào như ở Việt Nam, trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc có một mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn đoàn kết ủng hộ VN kháng chiến chống Mỹ. Quá trình kháng chiến chống Mỹ, Ngoại giao VN lại vươn lên một tầng cao mới, nhất là với Hội nghị Paris 1968 giữa ta và Mỹ, dẫn tới ký kết Hiệp định Paris 1973 chấm dứt sự can thiệp của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Sau nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược VN, liên tục bị thất bại quân sự trên khắp các chiến trường miền Nam Việt Nam, tình hình nội bộ nước Mỹ phát triển rối ren cộng với phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ ngày một lên cao, Mỹ buộc phải từng bước xuống thang chiến tranh và tìm một giải pháp chính trị để rút ra khỏi cảnh sa lầy trong chiến tranh VN. Để tranh thủ được dư luận ở Mỹ và nhân dân thế giới, chính phủ ta cũng ngỏ ý sẵn sàng tiếp xúc với phía Mỹ với điều kiện chúng phải chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Thực hiện sách lược vừa đánh, vừa đàm, tháng 5/1968, Chính phủ ta đã cử đoàn đại biểu do Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy dẫn đầu đến Paris họp với Đoàn đại biểu Mỹ do Đại sứ Hariman làm Trưởng Đoàn. Tuy sớm đi vào thương lượng, nhưng do thái độ ngoan cố, nước lớn của phía Mỹ, chưa bao giờ có một cuộc Hội nghị như Hội nghị Paris với Mỹ kéo dài suốt 5 năm trời mới đi đến kết thúc vào đầu năm 1973. Lại một lần nữa, với Hiệp định Paris về VN, ngoại giao VN lại đại thắng trên bàn đàm phán, buộc Mỹ phải đơn phương rút hết quân đội tại miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp để Việt Nam tự giải quyết vấn đề của mình.

Là kết quả của cuộc đấu tranh kiên trì và khôn khéo của ta, phối hợp cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, Hiệp định Paris đã làm cho ta thực hiện được bước đầu là “đánh cho Mỹ cút” để dẫn tới “đánh cho ngụy nhào với đại thắng Mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại trên cả nước, hết bóng quân xâm lược, đất nước hoàn toàn độc lập tự do, lịch sử VN chuyển sang một giai đoạn mới, thật sự huy hoàng. Trưởng thành nhanh chóng và vượt bậc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thắng lợi, Ngoại giao Việt Nam bước vào thời kỳ mới lại có nhiệm vụ mới nặng nề và quan trọng không kém trước, nhưng cũng có nhiều thuận lợi mới để phát triển.

Ngoại giao toàn diện

Đất nước vốn nghèo lại liên tục bị tàn phá trong chiến tranh, nhiệm vụ đầu tiên của cả nước bây giờ là xây dựng lại đất nước, phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục ra sức bảo vệ lãnh thổ, Ngoại giao VN có phần trách nhiệm rất lớn trong nhiệm vụ này. Các Đại hội toàn quốc của Đảng sau chiến tranh đã liên tục đưa ra những quyết mối về đường lối đối ngoại, tạo mọi điều kiện thuận lợi ngoại giao phát triển. Nhất là với đường lối đổi mới toàn diện của đất nước, trong đó có đường lối đối ngoại, đổi mới toàn diện để phù hợp với tình hình chuyển biến trên thế giới và để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi rộng lớn của đất nước. Sau khi tuyên bố với thế giới “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, Ngoại giao VN triển khai đường lối đối ngoại đổi mới “đa phương hóa, đa dạng hóa” quan hệ quốc tế. Đây thực sự là một sự thay đổi vô cùng sáng suốt của Đảng và Chính phủ ta, tạo điều kiện nâng tầm vị thế nước ta trên thế giới.

Để thực hiện trách nhiệm cao cả của mình, ngoại giao của ta sau chiến tranh đã liên tục từng bước: tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa; cải thiện quan hệ láng giềng với các nước Đông Nam Á, các nước ASEAN, trước hết là với hai nước sát nách là Lào và Campuchia; phát triển quan hệ hợp tác với các nước dân tộc chủ nghĩa, không liên kết, ở Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh; dần dần mở rộng quan hệ với các nước Bắc Âu, các nước phương Tây, kể cả Mỹ, gia nhập Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế và khu vực. Để phát huy vai trò và vị thế của ta ở Đông Nam Á, ta gia nhập và làm thành viên tích cực của tổ chức ASEAN. Để tranh thủ sự ủng hộ và viện trợ rộng rãi của quốc tế, ta mở rộng quan hệ ngoại giao đa phương, tăng cường quan hệ và hoạt động với Liên Hợp Quốc, chủ động hội nhập kinh tế, gia nhập các Tổ chức kinh tế quốc tế.

Hơn 60 năm ấy...

Vốn được biết Bộ Ngoại giao nhỏ bé của ta từ hồi ở Chiến khu Việt Bắc, lại được chứng kiến sự phát triển liên tục của Ngoại giao Việt Nam qua kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đến thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, tôi vô cùng sung sướng và tự hào về ngành Ngoại giao của ta, của thành tích to lớn của mặt trận đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ, để góp phần bảo vệ đất nước và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh với vị thế ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

Cũng nhân kỷ niệm 67 năm thành lập Bộ Ngoại giao, điểm lại quá trình phát triển của Ngành, tôi càng thấm thía với sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng và Bác Hồ đối với mặt trận đối ngoại là nguyên nhân chủ yếu của thắng lợi ngoại giao đã giành được trên nửa thế kỷ qua. Cũng nhân dịp này, tôi tưởng nhớ đối với sự đóng góp to lớn của các vị Bộ trưởng Ngoại giao trước đây trong việc thi hành chính sách đối ngoại qua các thời kỳ, trong việc xây dựng Ngành từ khởi nghĩa đến sau này. Tôi cũng rất vui mừng và tự hào về sự trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc của đội ngũ cán bộ ngoại giao và nhất là tin tưởng vào đội ngũ cán bộ ngoại giao trẻ hiện nay, thấm nhuần tư tưởng và tác phong ngoại giao Hồ Chí Minh, đã góp phần không nhỏ vào thành tích ngoại giao mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nguyễn Bá Bảo