Ông Furuta Motoo - Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam; Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật. |
Kể từ Việt Nam-Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao tính tới nay là tròn 50 năm. Tuy nhiên, có một khoảng thời gian, mối quan hệ giữa hai bên gần như “giậm chân tại chỗ” cho đến cuối năm 1992 khi Nhật Bản mở lại viện trợ phát triển cho Việt Nam. Chính vì vậy, có thể nói sự phát triển toàn diện giữa hai bên chỉ thực sự diễn ra trong 30 năm trở lại đây.
Sở dĩ có được sự phát triển như vậy là nhờ những nỗ lực to lớn của các bên liên quan ở cả hai nước. Tôi muốn bày tỏ sự trân trọng tới những người đã dốc sức vì sự phát triển này. Phải chăng, trong khoảng thời gian này, bằng việc các bên liên quan ở hai nước nhận thức được rằng còn nhiều điều chưa hiểu rõ về nhau, để rồi khiêm tốn học hỏi lẫn nhau đã giúp mối quan hệ có thể phát triển nhanh chóng đến như vậy?
Tôi cho rằng tương lai của mối quan hệ Nhật - Việt phụ thuộc vào việc hai nước thực sự xây dựng được mối quan hệ “Đối tác bình đẳng”. Sự quan tâm của người Nhật đối với Việt Nam đang ở mức độ cao và đa dạng trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhận thức chỉ coi Việt Nam là nguồn cung cấp lao động giá rẻ cho Nhật Bản. Có thể xóa bỏ được nhận thức này hay không có lẽ là thách thức đối với Nhật Bản trong việc xây dựng được mối quan hệ “Đối tác bình đẳng” với Việt Nam.
Tôi hiện là hiệu trưởng của trường Đại học Việt Nhật. Một trong những sứ mệnh quan trọng của trường là đào tạo nguồn nhân lực có thể đảm đương mối quan hệ “Đối tác bình đẳng” giữa hai quốc gia. Ở trường, có ngành Nhật Bản học dành cho bậc cử nhân.
Nhằm giúp sinh viên Việt Nam hiểu sâu hơn về Nhật Bản, trong chương trình giảng dạy, chúng tôi chú trọng nội dung học về Nhật Bản trên cơ sở so sánh với Việt Nam và suy nghĩ về ý nghĩa bài học kinh nghiệm của Nhật Bản từ góc độ toàn cầu. Tôi nghĩ rằng cũng có thể nói điều tương tự về thế hệ sẽ gánh vác mối quan hệ Nhật - Việt trong tương lai ở phía Nhật Bản. Việc hiểu biết về Việt Nam trên cơ sở so sánh với Nhật Bản, đào tạo nguồn nhân lực có thể suy nghĩ về kinh nghiệm của Việt Nam từ góc độ toàn cầu, cùng với việc cố gắng làm cho hợp tác song phương có ý nghĩa tích cực trên trường quốc tế có thể nói là triển vọng cho mối quan hệ hai nước trong nửa thế kỷ tới.
Lễ tốt nghiệp và trao bằng Thạc sĩ khóa 2016 - 2018 tại trường Đại học Việt Nhật. |
Việt Nam đang phát triển nhanh chóng hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển trên thế giới vào năm 2045. Có rất nhiều điều mà mối quan hệ tốt đẹp với một quốc gia phát triển mạnh mẽ như Việt Nam mang lại cho Nhật Bản. Tôi cho rằng về phía Nhật Bản, vấn đề quan trọng nhất của mối quan hệ giữa hai nước trong tương lai là việc nhận thức được giá trị của Việt Nam đối với Nhật Bản. Tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam mà người dân hai nước đều thực sự cảm nhận được sự tốt đẹp.
* Bài viết được đăng tải trong "Đặc san 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản: Vươn tầm cao mới" của Báo Thế giới & Việt Nam, phát hành tháng 10/2023