📞

Vai trò công tác dân vận trong việc mở lớp học tiếng Việt tại Ekaterinburg, Nga

Đoàn Phan Thường 14:00 | 20/05/2020
TGVN. Có đi ra bên ngoài mới thấy được sự ham học của người Việt và tình cảm với quê hương. Bà con xa xứ dù bận tối ngày, nhưng vẫn luôn dạy con em mình về truyền thống, nếp ăn, nếp ở của người Việt và luôn mong con em mình được học tiếng Việt để không quên cội nguồn.
Cô giáo Nguyễn Tuyết Mai ân cần chỉ bảo các em học sinh tại lớp học tiếng Việt.

Nhen nhóm kế hoạch "xóa mù chữ Việt"

Khi mới đặt chân lên đất nước Nga vào tháng 2/2017, nhận nhiệm vụ tại thành phố Ekaterinburg, chúng tôi đã cảm nhận được cái rét tê cóng của mùa Đông tại vùng Ural với nhiệt độ ngoài trời lúc đó luôn vào khoảng -20 đến -25°C. Cảm giác xa nhà, sự thèm muốn được gặp người Việt để nói chuyện và chia sẻ thật là lớn trong chúng tôi.

May mắn thay, vào dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Hội đồng hương Hải Hưng có mời chúng tôi đến tham dự sự kiện do Hội tổ chức. Không khí của buổi lễ thật là ấm cúng với khoảng hơn 100 người, trong đó có một số em nhỏ.

Trong các cuộc nói chuyện, chúng tôi tranh thủ hỏi thăm tình hình bà con làm ăn và sinh sống tại địa bàn, hỏi thăm các mẹ trong việc chăm nom, dạy dỗ con cái.

Các chị chia sẻ, đa phần mọi người đến thành phố này đã nhiều năm nay (có chị đã sống ở đây trên 20 năm), các gia đình có con đến tuổi đi học đều cho đến trường Nga học văn hóa, nhưng hoàn toàn bằng tiếng Nga.

Trong khi đó, các bậc phụ huynh rất mong muốn con em mình phải biết tiếng Việt, nhưng không biết bằng cách nào. Có nhiều gia đình phải gửi con về học tiếng Việt ở Việt Nam vài năm sau đó mới đưa lại con sang Nga vì không muốn con mất đi tiếng mẹ đẻ của mình.

Chủ tịch Hội đồng hương Hải Hưng Nguyễn Văn Đường và Chủ tịch Hội người Việt tại Nga Lê Thành Độ cho rằng, bà con người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Ekaterinburg hiện nay có gần 800 người, các cháu đến lứa tuổi đi học cũng vài chục cháu.

Nhiều bà con mong muốn có một lớp tiếng Việt từ lâu, nhưng biết việc mở lớp là khó khăn, mất nhiều công sức và cũng không biết bắt đầu từ đâu, vì vậy, đến bây giờ mong muốn đó vẫn chỉ là mơ ước.

Nhiều ngày sau đó, chúng tôi vẫn ấn tượng với tình cảm ấm áp, chia sẻ của bà con cộng đồng khi xa quê hương và với mong mỏi bình dị nhưng đáng trân trọng để duy trì tiếng Việt cho con em của mình.

Chúng tôi bàn với nhau cần phải tìm cách và cùng bà con mở 1 lớp tiếng Việt trên vùng núi Ural để "xóa mù chữ Việt" cho con em của mình.

Lễ khai giảng lớp học tiếng Việt tại Ekaterinburg.

Chung tay mở lớp tiếng Việt

Sau một thời gian nghiên cứu, nắm vững đặc điểm cộng đồng nơi đây, chúng tôi tích cực gặp gỡ các anh chị, những gia đình có con em độ tuổi đến trường để tìm hiểu khó khăn của bà con. Đa phần gia đình người Việt đều làm ăn buôn bán ở chợ, bận việc tối ngày, nên việc đưa đón con em đi học là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến giờ đi chợ, nhất là vào mùa đông lạnh giá.

Các anh chị trong Ban chấp hành hội đoàn đều cho biết khó khăn lớn nhất là tìm giáo viên. Có anh cho rằng, nên mời giáo viên từ trong nước sang, nhưng lại lo kinh phí cao, khả năng đóng góp của bà con không nhiều được trong tình hình làm ăn khó khăn tại Nga như hiện nay.

Việc tổ chức theo mô hình như thế nào các anh chị trong Ban chấp hành cũng lúng túng vì chưa có kinh nghiệm, rồi việc mở lớp có phải xin phép chính quyền sở tại không, giáo trình lấy ở đâu... Rất nhiều vấn đề đặt ra khi mở lớp học tiếng Việt.

Khi em xét các yếu tố để mở lớp học, chúng tôi nhận thấy quả là nhiều khó khăn, với lực lượng cơ quan chỉ có 3 cán bộ, phải đảm nhận nhiều việc, việc mở và quản lý lớp học là một trở ngại khó vượt qua.

Nhớ đến lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận: "vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm" và "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", chúng tôi tìm cách vận động cộng đồng cùng mở lớp.

Việc đầu tiên là tìm được giáo viên. Chúng tôi nhận định, cần phải tìm giáo viên trong cộng đồng, những em giỏi cả tiếng Nga và tiếng Việt vì con em mình thạo tiếng Nga hơn tiếng mẹ đẻ. Nếu được như vậy, việc duy trì lớp học sẽ ổn định lâu dài hơn.

Chúng tôi tìm đến em Thanh (được sinh ra ở Nga), người thạo tiếng Việt (viết chữ rất đẹp, hay giúp bà con cộng đồng trong công việc phiên dịch tiếng Nga). Do Thanh bận việc chăm em nhỏ lại vẫn đang đi học đại học, nên không bố trí được thời gian.

Chúng tôi lại bàn bạc nhiều ngày, và tính đến lực lượng sinh viên đang học tại các trường đại học trong vùng. Khi đặt vấn đề, các em sinh viên hăng hái nhận lời. Chúng tôi lên danh sách và dành nhiều ngày để phỏng vấn trực tiếp và lựa chọn các em đủ tiêu chuẩn. Và cuối cùng, chúng tôi đã lựa chọn được 4 em.

Công việc tiếp theo là xây dựng tổ chức lớp học. Chúng tôi bàn là phải có 1 tổ chức của cộng đồng đứng lên để quản lý điều hành lớp học, tốt hơn hết là do chính phụ huynh trực tiếp quản lý. Phía chúng tôi sẽ hỗ trợ, tư vấn trong công tác tổ chức...

Sau khi tìm hiểu và cân nhắc 2 người có con em mình tham gia lớp học là anh Lê Thanh Hải và chị Lê Thị Hoài, chúng tôi tiếp xúc để động viên và chia sẻ. Các anh chị đã vui vẻ nhận lời làm Trưởng và Phó Ban phụ huynh.

Anh Lê Thanh Hải, sống tại Nga hơn 30 năm, rất nhiệt tình với các hoạt động của lớp ngay từ khi mới thành lập. Anh cho biết: "Tôi nghĩ rằng mình là người Việt Nam thì con cái mình phải biết tiếng Việt, dù nhiều hay ít, để các con nhớ về quê hương, nguồn cội. Vả lại, để các con sau này có về thăm quê còn trò chuyện với ông bà, họ hàng chứ ".

Công việc mở lớp cũng thuận lợi hơn khi chúng tôi tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, điển hình như Chủ tịch Hội người Việt tại Nga Lê Thành Độ cho mượn 2 phòng học để tổ chức lớp học.

Cán bộ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Ekaterinburg đến chia vui trong ngày khai giảng.

Niềm vui nhỏ ở xứ người

Tháng 6/2018, lớp tiếng Việt đầu tiên tại thành phố Ekaterinburg đã chính thức khai giảng. Lớp học tạo ra bầu không khí mới mẻ và vui tươi cho bà con cũng như cho các em học sinh tại đây. Ngày khai giảng có sự góp mặt của các anh em trong cơ quan, đại diện các hội đoàn, phụ huynh học sinh và các em học sinh.

Khóa học được tổ chức làm 2 lớp, thu hút gần 30 em học sinh đủ lứa tuổi, lớp 1 cho lứa 6-8 tuổi, lớp 2 dành cho lứa 9-12 tuổi. Đặc biệt, có học sinh lớn tuổi người Nga, là vợ của 1 công dân Việt Nam cũng tham gia lớp học. Chương trình học theo giáo trình của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cung cấp.

Lớp học rất sinh động, ngoài giờ học tiếng Việt, các em được tham gia các hoạt động tập thể, như học các trò chơi dân gian, ca múa nhạc.

PHàng tháng, các em còn được Ban phụ huynh cùng các cô cho đi xem phim, đi chơi công viên, dã ngoại, qua đó tạo cơ hội thực hành tiếng Việt cho các em.

Lê Thị Ngọc Bích, sinh viên Đại học Urphu, tham gia giảng dạy tại lớp học đã xúc động viết những dòng tâm sự, "buổi học đầu tiên của diễn ra với rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau làm cô vẫn còn nhớ như in cho tới tận bây giờ. Các con bước vào lớp nhìn cô với ánh mắt tròn xoe và lẳng lặng đi về phía chỗ ngồi của mình. Cô thoáng một chút bối rối khi hỏi gì các con cũng không chịu nói, thậm chí có bạn còn khóc nấc lên đòi về với mẹ vì có lẽ các con còn lạ lẫm với mọi thứ xung quanh.

Rồi dăm ba phút sau đó, khi nỗi sợ sệt kia được xua đi bằng những cái ôm và lời dỗ dành ngọt ngào của các cô thì các con bỗng trở nên vui tươi hẳn lên. Cô cũng vui sướng biết bao khi các con rất ngoan, chăm chú lắng nghe từng lời cô nói. Mặc dù cô biết có rất nhiều bạn không hiểu hết được những gì cô đang nói nhưng qua những ánh mắt thích thú của các con nhìn cô khi cô kể truyện cổ tích Việt Nam cho các con nghe, rồi các con tự xung phong kể lại cho cả lớp khiến cô xúc động vô cùng. Vậy là buổi học đầu tiên của chúng mình diễn ra rộn ràng vui vẻ như thế ..."

Mùa đông 2018, khi cái giá rét vùng Ural xuống đến -25°C, sinh hoạt của người dân tập trung vào phía trong các tòa nhà. Do bận vụ mùa làm ăn, nhiều phụ huynh ngại đưa con đến lớp học, lớp học thưa dần, có lúc chỉ còn 5-6 em, lớp học có nguy cơ bị dừng lại.

Khi đó, trong tâm trạng buồn, Lê Thị Ngọc Bích chia sẻ, "cô không biết là các con dành thời gian để học những môn khác hay là các con đang chán học tiếng Việt, chán dần cách dạy của các cô. Cô rất buồn, thực sự rất buồn mỗi khi lên lớp chỉ lác đác vài bạn đi học. Nhưng đâu đó trong cô vẫn đong đầy một niềm vui nho nhỏ là các bạn còn lại đã tiến bộ lên thấy rõ. Bây giờ các con có thể tự đánh vần, tự đọc những câu hội thoại dài và biết nhiều từ ngữ Việt Nam hơn..."

Trước tình hình trên, chúng tôi lại tìm cách tháo gỡ, gặp mặt các Hội đoàn, Ban phụ huynh để tìm phương án duy trì lớp.

Anh Lê Thanh Hải, Trưởng ban phụ huynh là người rất tích cực, cùng với các em giáo viên đi vận động phụ huynh để cho con em đến lớp. Chúng tôi bàn với anh, nếu cần thì sẽ tổ chức xe đưa đón các em đến lớp để hỗ trợ cho phụ huynh, không ảnh hưởng đến công việc của họ, chi phí anh em trong cơ quan sẽ đóng góp một phần.

Rồi điều mong muốn chung của chúng tôi và cộng đồng đã đến, lớp học lại đông dần lên và duy trì đều đặn. Các hoạt động của lớp diễn ra thường xuyên, Ban phụ huynh cùng các em giáo viên tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Và chúng tôi, với niềm vui nho nhỏ, giống như những tình cảm được chia sẻ của giáo viên Lê Thị Ngọc Bích với học sinh: "Cô có một niềm tin mãnh liệt ở các con. Nếu các con cứ ngoan ngoãn, chăm chỉ đi học đều đặn hơn nữa thì cô tin vào một ngày không xa các con sẽ có thể tự đọc trôi chảy tiếng Việt, tự tin hát những bài hát Việt Nam cho ông bà bố mẹ nghe, và thậm chí có thể viết cho các cô những dòng thư nho nhỏ như chính cô đang viết, gửi gắm những lời tâm sự của cô đến các con bây giờ..."

Ngẫm về công tác dân vận

Quả thực, có đi ra bên ngoài chúng tôi mới thấy sự ham học của người Việt, tình cảm với quê hương. Bà con xa xứ chăm chỉ làm ăn, dù bận tối ngày, những vẫn luôn dạy con em mình về truyền thống, nếp ăn, nếp ở của người Việt, mong con em mình được học tiếng Việt để không quên cội nguồn.

Đó là việc thuận đầu tiên để làm cơ sở cho các lớp học tiếng Việt có thể phát triển ở nước ngoài. Tuy nhiên, có nhiều cái khó đã cản trở cho việc mở cũng như phát triển các lớp tiếng Việt.

Thứ nhất, về vai trò của các hội đoàn. Ở đâu có bà con người Việt, muốn mở lớp học tiếng Việt thì hội đoàn tại địa phương đó cần đứng ra bảo trợ cho lớp học.

Hội đoàn phải đoàn kết, quan tâm đến việc giảng dạy và học tiếng Việt cho con em cộng đồng và biến công việc đó thành trách nhiệm với bà con, con em mình. Kinh nghiệm cho thấy, ở những nơi có rất đông người Việt Nam mà hội đoàn không đoàn kết, hoặc hội đoàn lại phân tán thì cũng khó được mở được lớp tiếng Việt dù nhu cầu của cộng đồng và con em bà con luôn lớn.

Vậy việc vận động các Hội đoàn cùng chung tay, chia sẻ trong việc mở cũng như duy trì lớp tiếng Việt rất quan trọng.

Thứ hai, việc quản lý lớp học phải do chính cộng đồng phụ trách. Cái khó ở đây là hội đoàn bảo trợ cho lớp học mà không trực tiếp quản lý lớp học, xem ra làm giảm vai trò của các hội đoàn.

Việc quản lý lớp học đòi hỏi chi tiết và thường xuyên, trong khi đa phần các chủ tịch, hay ban chấp hành hội đoàn thường là các chủ doanh nghiệp rất bận việc.

Do vậy, việc quản lý lớp phải do phụ huynh có con em mình tham gia lớp học để trực tiếp quản lý. Vậy cần vận động và tìm ra những nhân tố tích cực đó để đứng ra chịu trách nhiệm.

Thứ ba, là vai trò của cơ quan và cán bộ làm công tác cộng đồng. Ở những địa bàn chưa có lớp tiếng Việt thì vai trò của cơ quan đại diện trong việc mở lớp là yếu tố quan trọng.

Việc tham gia trực tiếp, cũng như đào tạo hướng dẫn cộng đồng làm quen với công tác tổ chức là nhân tố thúc đẩy phát triển lớp lúc ban đầu.

(TLSQ Việt Nam tại Ekaterinburg, Nga)