Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia, ông Rinardi khẳng định các đối tượng buôn người phải bị trừng trị theo pháp luật với hình thức nghiêm khắc nhất. (Nguồn: Antara) |
Theo người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia (BP2MI), ông Rinardi, các trưởng thôn và các quan chức địa phương cần có trách nhiệm bảo vệ người dân trước những nguy cơ bị lừa đảo đưa sang nước khác làm việc.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 15/6 ở thủ đô Jakarta, ông Rinardi nhấn mạnh, Luật số 18 năm 2017 về Bảo vệ người lao động nhập cư Indonesia quy định rằng chính quyền địa phương ở cấp làng xã chịu trách nhiệm bảo vệ người lao động nhập cư.
Điều này có nghĩa là chính quyền ở các thôn làng nên tham gia công tác hướng dẫn và thông báo cho người dân về những con đường tìm việc làm hợp pháp ở nước ngoài.
“Chúng tôi kêu gọi những cư dân Indonesia mong muốn làm việc ở nước ngoài tuân thủ các thủ tục làm việc theo luật và chỉ lựa chọn những cách thức hợp pháp, theo quy định của Luật số 18 năm 2017”, ông Rinardi nói.
Các tổ chức tội phạm buôn người thường dụ dỗ nạn nhân bằng những lời chào mời việc nhẹ lương cao còn các nạn nhân thường rời khỏi đất nước một cách bất hợp pháp, không có thị thực hoặc giấy phép lao động do cơ quan chức năng cấp phép.
Ông Rinardi cho hay, các đối tượng lừa đảo "thậm chí còn đưa thêm tiền cho gia đình khi thành viên của họ đi làm việc ở nước ngoài. Số tiền này nằm trong khoảng 5 triệu-15 triệu Rupiah (335–1.005 USD) và vì áp lực kinh tế, gia đình sẽ không từ chối".
Các nạn nhân của nạn buôn người thường được thuê làm những công việc nặng nhọc trong gia đình, trang trại hoặc nhà máy ở nước ngoài mà không có hợp đồng lao động xác định hoặc lịch trình cố định và được "trao đổi" từ chủ này sang chủ khác.
Do đó, vị quan chức BP2MI bày tỏ "hy vọng rằng các tổ chức liên quan đến mạng lưới buôn người ảnh hưởng đến những người lao động nhập cư Indonesia sẽ phải đối mặt với công lý và nhận những bản án nặng nề".