Vải thiều Việt Nam tại một siêu thị ở Pháp. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Sau 3 ngày lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris, lô vải thiều Thanh Hà, Việt Nam gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) lần đầu nhập khẩu vào Pháp đã được tiêu thụ nhanh chóng.
Vì thế, doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu nhiều hơn so với dự kiến trước đó để đáp ứng nhu cầu thị trường và sẽ nhập lô thứ 2 ngay trong tuần này. Như vậy, trong 7 ngày đã có hai lô hàng gần 1 tấn vải thiều Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không.
Khảo sát từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho thấy, nhiều khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Á Châu sau khi được nếm thử trái vải Thanh Hà đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng của loại quả này.
Đặc biệt, một số khách hàng người Việt bày tỏ sự xúc động vì từ lâu mới được thấy trái vải thiều Việt Nam được bán chính thức trên kệ tại siêu thị ở Thủ đô Paris. Mặc dù có giá chung của thị trường là 18 euro/hộp 1 kg nhưng nhiều khách hàng đã mua tới 5 kg cho cả gia đình thưởng thức, làm quà cho bạn bè người Pháp và khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ hàng nông sản Việt Nam.
Một số khách hàng người nước ngoài rất quan tâm tới tem truy xuất nguồn gốc và hài lòng khi tiếp cận được thông tin đầy đủ về trái vải, từ quy trình trồng cho tới lịch sử thu hoạch, đóng gói, chứng chỉ kiểm tra chất lượng... thông qua việc quét mã trên điện thoại cá nhân.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, từ nhiều năm nay, Pháp luôn đề cao việc nắm rõ nguồn gốc của thực phẩm nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao cam kết, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối đối với người tiêu dùng.
Nhiều mặt hàng thực phẩm, trong số đó có các sản phẩm thịt đã quy định bắt buộc về truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn nhưng đối với nông sản nhập khẩu vào Pháp thì chưa có quy định bắt buộc.
Như vậy, trái vải của Việt Nam đã đi trước, đón đầu xu thế tiêu dùng mới, xu thế tiêu dùng có trách nhiệm. Điều này đồng thời phản ánh hình ảnh về chính sách quản lý xuất khẩu có chiến lược, trách nhiệm, đặt người tiêu dùng làm trọng tâm của Chính phủ Việt Nam.
Trước đó, ngày 12/6, lô hàng gần 1 tấn vải thiều được nhập khẩu vào sân bay quốc tế Charles de Gaulle (Pháp) là lô hàng đầu tiên vào thị trường châu Âu có mang theo tem truy xuất nguồn gốc do Cục Xúc tiến thương mại xây dựng. Đây là những lô vải đầu tiên được nhập khẩu số lượng lớn, đứng riêng 1 đơn hàng không đi chung với các trái cây ngoại lai khác bởi hệ thống siêu thị Á Châu có uy tín tại Paris sau hơn 5 năm bị gián đoạn.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) nhận định, điều này có ý nghĩa “khai thông thị trường” đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định được chất lượng hàng Việt Nam mà còn khẳng định nhu cầu của người tiêu dùng tại Pháp đối với những sản phẩm chất lượng của Việt Nam.
Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ trái vải Việt Nam tại Pháp, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ tổ chức gian hàng quảng bá trái vải Việt Nam tại Lễ hội ẩm thực Việt Nam 2021 vào ngày 19/6 tới đây tại quảng trường Monge, trung tâm Thủ đô Paris.
Đây là sự kiện được tổ chức với mục tiêu quảng bá ẩm thực, văn hóa và hình ảnh Việt Nam tới đông đảo người dân địa phương. Sự kiện dự kiến sẽ thu hút đông đảo người dân địa phương khi được tổ chức trong bối cảnh chính phủ Pháp bắt đầu cho phép mở lại các sự kiện ngoài trời. Tại sự kiện này, nhiều người tiêu dùng Pháp sẽ lần đầu tiên được khám phá hương vị thơm ngon của trái vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Hiện tại, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Pháp đang tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm các đầu mối nhập khẩu mới của Pháp, tuyển lựa và hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực xuất khẩu vào EU để kết nối nhiều hơn nữa các đơn hàng xuất khẩu nông sản nói chung và trái vải nói riêng của Việt Nam vào Pháp, khai thác tối đa các lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang lại đối với nhóm ngành nông sản của Việt Nam.