Kêu gọi, nhưng phải rõ ràng
Nếu đem so sánh, thì sẽ thật khập khiễng giữa điều kiện làm việc, mức lương, mức sống giữa trong và ngoài nước. Nhưng nhiều trí thức kiều bào vẫn quyết định "bỏ lại sau lưng" để về với những dự án mới ở Việt Nam.
Bác sĩ Daniel T. Dung đang ấp ủ thành lập một viện về thần kinh tại Việt Nam "vừa nghiên cứu vừa chữa bệnh" sau khi ông đã rất thành công ở Mỹ trên lĩnh vực y khoa. "Nếu có thể làm được, tôi sẽ mời những bác sĩ giỏi nhất về làm việc tại đây, kết hợp với đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ và nghiên cứu. Tôi biết, hiện ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều viện vừa kết hợp nghiên cứu với chữa bệnh". Vị bác sĩ đã từng đi thuyết trình ở nhiều nước tiên tiến hàng đầu về y khoa trên thế giới khẳng định, ông sẽ xây dựng quy mô viện "vượt xa Singapore" trong lĩnh vực này. Có điều, đó vẫn là một ý tưởng đang được ấp ủ của ông sau nhiều lần đi về Việt Nam.
Chính sách của Đảng và nhà nước là kêu gọi trí thức kiều bào về đóng góp xây dựng quê hương. Nhưng theo chị Nguyễn Mỹ Hạnh, thì "không nên kêu gọi một cách chung chung, mà cần phải đưa ra những lĩnh vực đang cần. Chính phủ trong từng giai đoạn, thời điểm, nếu cần có những trí thức đóng góp vào lĩnh vực gì, hãy nêu ra thật cụ thể, từ những dự án nhỏ cho đến những chương trình lớn với những tiêu chí rất cụ thể, để người ở nước ngoài dễ hình dung và lượng sức mình". Chị Hạnh và chồng là anh Lê Duy Nhẫn, trong nhiều năm qua đã đi đi về về Đức - Việt Nam với những dự án về xóa đói giảm nghèo, và xây hàng ngàn ngôi nhà cho người nghèo trong nước.
Chị Hạnh cho rằng, trong công cuộc phát triển đất nước như hiện nay, các trí thức trong nước đã có nhiều đóng góp rất to lớn. "Khi ở nước ngoài trở về, tiếp xúc với họ chúng tôi rất cảm phục. Trong một điều kiện còn nhiều khó khăn, phải nói là thua kém nhiều so với điều kiện làm việc của trí thức ở nước ngoài, nhưng họ đã làm được rất nhiều việc, và có nhiều sáng kiến để ứng dụng trong công việc. Nhưng cũng do điều kiện còn nghèo, nhiều trí thức trong nước chưa phát huy được hết khả năng, nhất là về tầm nhìn xa rộng. Trí thức Việt kiều ở nước ngoài chính là những người khắc phục được điểm yếu này. Được tiếp xúc trong môi trường quốc tế, họ lại am hiểu về Việt Nam, và nếu có một tấm lòng nữa, thì việc mời gọi trí thức về xây dựng quê hương đất nước không khó.
Chiêu đãi hiền tài…
Đây là một vấn đề luôn được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc gặp gỡ với trí thức kiều bào. Không thể bằng mức lương, vì điều kiện kinh tế trong nước dù có tốt lên, nhưng chúng ta vẫn là một nước đang phát triển.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Anh (LB Nga) trong một lần trò chuyện về đề tài này cho rằng: "Chúng ta có thể học tập các nước láng giềng trong việc thu hút trí thức kiều bào về xây dựng đất nước. Có thể nói Trung Quốc là một điển hình trong việc kêu gọi Hoa kiều. Trong hơn chục năm qua, có hàng ngàn trí thức hàng đầu của Trung Quốc ở nước ngoài đã đóng góp cho quê hương bằng cách này hay cách khác. Trung Quốc đã kêu gọi qua rất nhiều kênh khác nhau, và có những đãi ngộ, trân trọng xứng đáng với chất xám của trí thức. Còn ở Việt Nam, tôi thấy chúng ta đã đưa ra đường lối rất cụ thể trong Nghị quyết 36, nhưng khi triển khai thì cho thấy còn nhiều chỗ chưa đúng với tinh thần của Nghị quyết này. Vì thế, đến nay đội ngũ trí thức về nước làm việc chưa phải là nhiều. Trong một số lĩnh vực tôi biết, chúng ta có những chuyên gia người Việt hàng đầu trên thế giới, nhưng trong nước lại dành cho chuyên gia nước ngoài, mà không tận dụng chính người của mình. Đó là một sự lãng phí, lãng phí cơ hội".
Thực tế, làm việc tại nước ngoài, các chuyên gia cũng có những ràng buộc, và cam kết với tổ chức họ. Cộng với công việc bận mải, thu hút của họ rất nhiều thời gian, sức lực. Nếu chỉ kêu gọi từ xa là hãy về hợp tác với quê hương, "vậy nên, tôi rằng, không phải lúc nào họ cũng có thể sẵn sàng. Vậy nên, cần nhìn ra xem, các nước họ đã làm gì, và chúng ta nên làm gì để thu hút được đội ngũ này, công khai, hay công không khai tùy vào từng lúc, từng hoàn cảnh", ông Bá Anh nói.
Với trí thực, có lẽ, những đãi ngộ về vật chất, điều kiện làm việc là cần thiết, nhưng chưa đủ (vì những điều đó ở môi trường làm việc nước ngoài, họ cũng được ưu đãi chẳng kém, nếu không muốn nói là hơn), mà cần một cơ chế chính sách như thế nào đó cho thật thông thoáng tới tận các bộ, ngành... vì đó mới là những cơ quan trực tiếp xúc với trí thức kiều bào.
Trong thực tế, có những trí thức thiếu kiên nhẫn đã bỏ cuộc vì lối làm việc không "thuận". Trí thức là vậy, họ luôn có thừa sự kiên nhẫn với các công trình khoa học, nhưng khi vướng cơ chế, họ dễ nản lòng. Vì ý tưởng của họ luôn có nhiều cơ hội để được chờ đón ở chỗ này, hay chỗ khác, họ sẽ đặt câu hỏi có nên phải mất thời gian ở một nơi họ không được hoan nghênh đúng mức không?
Vậy nên, mời được người tài không dễ, mà chiều người được tài lại càng khó hơn… Bài toán vẫn cũ, nhưng cách giải cần phải linh hoạt thì mới đem lại thành công.
Đông Minh