Các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh lại lập trường ASEAN về Biển Đông và khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh. (Nguồn: Văn phòng Tổng thống Indonesia) |
Trong các khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo, Indonesia (từ ngày 9-11/5) và Hội nghị thượng đỉnh G7 (từ ngày 19-21/5) tại Hiroshima, Nhật Bản, vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải được đặc biệt nhấn mạnh, trong đó có khu vực Biển Đông. Điều này cho thấy hòa bình, ổn định ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với không chỉ khu vực mà cả quốc tế.
Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình
Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá tình hình quốc tế và khu vực diễn biến ngày càng phức tạp, tác động mạnh đến môi trường an ninh, phát triển, đặt ra cho ASEAN nhiều vấn đề phải xử lý.
Các nhà lãnh đạo ASEAN dành thời gian trao đổi về tình hình Biển Đông, trong đó tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 dưới sự chủ trì của Nhật Bản, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, có sự tham dự của các nước thành viên cùng 8 quốc gia khách mời và lãnh đạo các tổ chức đa phương lớn, gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay tập trung thảo luận ba chủ đề: hợp tác xử lý đa khủng hoảng; nỗ lực vì một hành tinh bền vững; hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới nhiều biến động, các nhà lãnh đạo nhất trí cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Do vậy, vấn đề Biển Đông cũng được nhấn mạnh trong các khuôn khổ thảo luận của G7. Các quốc gia nhấn mạnh bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, như việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Song song với đó, các lãnh đạo G7 nêu bật tầm quan trọng của luật pháp và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đây là hai điểm gắn liền với mục tiêu xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN) |
Hòa bình ở Biển Đông - Trách nhiệm của tất cả các nước
Nhấn mạnh trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 42, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, Thủ tướng nêu bật yêu cầu đặt ra với ASEAN là thích ứng năng động và tăng cường sức mạnh tự thân để khẳng định giá trị chiến lược. ASEAN cần củng cố đoàn kết và thống nhất, nêu cao tinh thần độc lập, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm, giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, tạo dựng và thúc đẩy văn hoá đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN, nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước.
Tinh thần và quan điểm đó cũng được Thủ tướng khẳng định trong khuôn khổ tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng mong muốn cộng đồng quốc tế và các đối tác tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong xây dựng khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác và tự cường. Theo đó, các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; đề nghị các bên kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Thêm vào đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, công bằng, công lý và lẽ phải.
"Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ", Thủ tướng nhấn mạnh.
COC có tiến triển
Một bộ quy tắc - COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 được nhấn mạnh trong cả khuôn khổ Cấp cao ASEAN và Thượng đỉnh G7. Điều này cho thấy việc sớm đạt được COC không chỉ là mong mỏi của ASEAN và Trung Quốc mà cả cộng đồng quốc tế.
Tiến trình đàm phán COC đã và đang được ASEAN và Trung Quốc tích cực thúc đẩy trong năm nay. Theo như Đại sứ Vũ Hồ, Quyền trưởng SOM ASEAN từng chia sẻ ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy tiến trình đàm phán COC trong 2023 là minh chứng cho quyết tâm của các bên xây dựng lòng tin, hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình và hợp tác.
Gần đây nhất, ngày 17/5, tại Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Ðông (SOM-DOC), trong đó thúc đẩy tích cực tiến trình COC.
Hội nghị SOM DOC ghi nhận tiến triển trong đàm phán bộ quy tắc COC và trao đổi các định hướng cho tiến trình đàm phán COC do Nhóm công tác về DOC (JWG DOC) thực hiện. Các nước cũng nhấn mạnh cần đạt được Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, góp phần xây dựng lòng tin, tin cậy, quản lý hiệu quả hơn các sự cố trên Biển Đông.
Tại hội nghị, Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh, Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, do đó việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này không chỉ là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN và Trung Quốc, mà còn thể hiện trách nhiệm của hai bên đối với cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh cần lấy các quy định của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 làm “kim chỉ nam” cho các hoạt động trên Biển Đông. Trong khi đẩy mạnh các nỗ lực đạt được Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ, các nước cần thực hiện nghiêm túc và đầy đủ mọi điều khoản của DOC. Nỗ lực này cũng sẽ góp phần tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.