Cuộc tập trận hạt nhân thường niên của NATO có sự tham gia của các tiêm kích F-35A. (Nguồn: Không quân Mỹ) |
Theo hãng tin Reuters, ngày 10/10, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte tuyên bố, liên minh quân sự này bắt đầu tiến hành cuộc tập trận hạt nhân thường niên vào ngày 14/10 và kéo dài khoảng hai tuần.
Phát biểu tại London, Anh, sau các cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Keir Starmer và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Rutte nhấn mạnh: "Trong một thế giới bất ổn, việc kiểm tra và củng cố khả năng phòng thủ có vai trò rất quan trọng, để đối thủ biết rằng NATO luôn sẵn sàng và có thể đáp trả mọi mối đe dọa".
Theo các quan chức NATO, các máy bay tiêm kích F-35A và cường kích B-52 sẽ nằm trong số khoảng 60 máy bay từ 13 quốc gia tham gia cuộc tập trận Steadfast Noon, do Bỉ và Hà Lan đăng cai tổ chức. Cuộc tập trận không sử dụng vũ khí thật.
Tuy nhiên, khoảng 2.000 quân nhân tham gia diễn tập ở "khu vực Biển Bắc" sẽ mô phỏng các nhiệm vụ, trong đó có máy bay chiến đấu mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin liên tục đưa ra phát ngôn liên quan vũ khí hạt nhân, song các quan chức NATO nêu rõ, cuộc tập trận không nhằm đáp trả bất kỳ tuyên bố gần đây nào của Moscow mà là sự kiện thường niên trong hơn một thập niên qua.
Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh trao cho Bộ Quốc phòng quyền hạn nhiều hơn về việc tổ chức và giám sát các cơ sở liên quan hạt nhân.
Cụ thể, sắc lệnh nêu rõ: “Bộ Quốc phòng Nga thực hiện các quyền hạn sau: tổ chức và thực hiện giám sát cấp liên bang trong lĩnh vực an toàn công nghiệp tại các cơ sở được sử dụng để phát triển, sản xuất, thử nghiệm, vận hành và xử lý vũ khí hạt nhân và nhà máy điện hạt nhân phục vụ mục đích quân sự”.
Cũng trong ngày 10/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, cuộc họp của đại diện 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân theo định dạng “N5” sẽ được tổ chức trong tương lai gần bên lề cuộc họp của Ủy ban 1 ở New York.
N5 là hiệp hội không chính thức các nước sở hữu vũ khí hạt nhân (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp). Năm 2023-2024, Nga đóng vai trò điều phối thể thức này, sau đó cương vị được chuyển cho Trung Quốc.
Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh: “Chúng tôi chúc Trung Quốc thành công vào thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, họ có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi và chúng tôi hy vọng 3 nước phương Tây tham gia theo hình thức này sẽ hành xử mang tính xây dựng hơn”.