Mỹ cho rằng, không có lợi ích gì cho việc cản trở tiến trình cắt giảm kho vũ khí hạt nhân. (Nguồn: Deposit Photo) |
Mới đây, hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chúng ta phải tiếp tục đi tới ngày mà cuối cùng có thể loại bỏ vĩnh viễn vũ khí hạt nhân trên thế giới. Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga, Trung Quốc và Triều Tiên mà không cần điều kiện tiên quyết nào để giảm bớt mối đe dọa hạt nhân”.
Ông nhấn mạnh rằng, không có lợi ích gì cho các quốc gia này và thế giới nói chung trong việc “cản trở tiến trình cắt giảm kho vũ khí hạt nhân”.
Tuyên bố trên của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra liên quan việc trao giải Nobel Hòa bình năm nay. Giải Nobel Hòa bình năm 2024 được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản dành cho những người sống sót sau vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki.
Tuy nhiên Tổng thống Mỹ không đề cập tới việc chính quyền Mỹ tiếp tục tích cực chỉ đạo các nguồn đầu tư để tăng cường bộ ba vũ khí hạt nhân của họ.
Trong năm tài chính 2025 bắt đầu ở Mỹ vào ngày 1/10, ngân sách liên bang có kế hoạch chi hơn 49 tỷ USD để phát triển lực lượng răn đe chiến lược. Hơn nữa, theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, chi tiêu cho lực lượng hạt nhân của Mỹ trong giai đoạn năm 2023-2032 ước tính vào khoảng 756 tỷ USD.
Tuyên bố của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh ngày 25/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow đang cập nhật học thuyết hạt nhân, trong đó mở rộng danh sách các tình huống có thể cân nhắc sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm cả khi có thông tin đáng tin cậy về một cuộc tấn công xuyên biên giới quy mô lớn nhằm vào nước này bằng máy bay, tên lửa hoặc thiết bị bay không người lái.
Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ, Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung.
Hãng tin Reuters cho biết, trong bài trả lời phỏng vấn được công bố ngày 13/10, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, đồng minh thân thiết của Moscow, cho rằng, những “cái đầu nóng” ở phương Tây đã nhận thấy tín hiệu hạt nhân từ Moscow ngay cả trước khi người đứng đầu Điện Kremlin công bố những thay đổi.
Ông Lukashenko, người đã đồng ý với ông Putin về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus hồi năm ngoái, nhận định: “Học thuyết này đáng lẽ phải được cập nhật từ lâu rồi”.
Tuy nhiên, Tổng thống Belarus cũng cho rằng, các tên lửa phương Tây “hẳn đã tấn công chúng ta, đặc biệt là Nga” nhưng những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Moscow “có lẽ sẽ làm nhụt nhuệ khí của họ”.