Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tự do quan điểm và biểu đạt David Kaye. (Nguồn: Reuters) |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), ông Kaye nhấn mạnh: “Tôi vô cùng quan ngại, đặc biệt là với việc chấp nhận luật an ninh quốc gia mới”.
Cũng theo Báo cáo viên đặc biệt của LHQ, sẽ cần phải theo dõi liệu nhà chức trách có lợi dụng quyền tự do quyết định trong việc giải thích luật mới để áp đặt những quy định hạn chế quyền tự do biểu đạt và quyền tụ họp hòa bình hay không.
Cùng ngày, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý xem xét việc hạn chế xuất khẩu những thiết bị có thể được sử dụng để đàn áp chính trị sang Hong Kong.
Ngoài ra, các thành viên EU sẽ rà soát lại các thỏa thuận về dẫn độ cũng như về thị thực với Hong Kong sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh nói trên, hành động bị chỉ trích là hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do của trung tâm tài chính châu Á này.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết, phiên bản cuối cùng của luật này "hà khắc hơn dự kiến", đồng thời các ngoại trưởng của khối đã nhóm họp tại Brussels và đồng ý làm việc về một phản ứng đồng bộ của châu Âu.
Ông Borrell chỉ rõ, thông điệp của EU trong bối cảnh này có hai mặt. Với người dân Hong Kong là sự hỗ trợ của EU về quyền tự chủ và tự do cơ bản của họ, EU sẽ tiếp tục sát cánh với người dân nơi đây. Với Trung Quốc, thông điệp được đưa ra là các hành động gần đây của Bắc Kinh đã làm thay đổi các quy tắc, điều này đặt ra vấn đề phải xem xét lại cách tiếp cận của EU và rõ ràng chúng sẽ có tác động đến mối quan hệ giữa hai bên.
Các nước EU sẽ xem xét hạn chế việc chuyển các hàng hóa có thể dùng để đàn áp chính trị, cũng như khả năng để người dân Hong Kong nhận được thị thực nhập cảnh vào khối này dễ dàng hơn.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto khẳng định, không nên áp dụng hiệp định dẫn độ mà quốc gia Bắc Âu này đã ký với Hong Kong bởi luật an ninh quốc gia mới của Bắc Kinh cho phép dẫn độ các nghi phạm từ đặc khu hành chính này sang Trung Quốc đại lục.