Tổng thống Nga Putin ký một sắc lệnh nhân đạo cho dân cư các khu vực ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: Raven Tribune) |
Hãng thông tấn TASS cho biết, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh nhân đạo, chỉ thị cho chính phủ Nga dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Nga và các khu vực thuộc vùng Donetsk và Luhansk, vốn đang do các lực lượng ly khai kiểm soát.
Nhiều nước châu Âu đồng loạt ra cảnh báo về các hành động có thể xảy ra ở Ukraine, cho rằng không loại trừ khả năng Nga "tấn công Ukraine" mặc dù Moscow liên tục bác bỏ các cáo buộc gây hấn.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cho rằng, trong khi quốc tế đang tập trung vào cuộc khủng hoảng di cư ở Belarus, hay việc Nga thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở Belarus, "không loại trừ khả năng đó".
Theo ông Landsbergis, nhận định được đưa ra dựa trên phân tích các sự kiện và việc Nga điều động binh sĩ, chứ không phải bất kỳ thông tin tình báo nào.
Cũng trong ngày 15/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger hối thúc Nga cần "kiềm chế" ở khu vực biên giới với Ukraine, giữa lúc căng thẳng gia tăng tại phương Tây liên quan tới động thái bố trí quân của Nga trong khu vực này.
Phát biểu với báo giới, ông Burger nêu rõ: "Để không làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng, điều quan trọng là Nga cần thực thi sự kiềm chế liên quan tới các hoạt động và động thái quân sự (của nước này) dọc biên giới với Ukraine".
Đại diện Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, nước này đang theo dõi các hoạt động quân sự của Moscow "với thái độ quan ngại".
Trước đó cùng ngày, trong tuyên bố chung, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và người đồng cấp Đức Heiko Maas đã cảnh báo "Nga không gây tổn hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" và "lấy làm tiếc" về việc Moscow từ chối nhóm họp theo định dạng Normandy (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraine).
Tuyên bố chung nhấn mạnh, mọi động thái mới nhằm gây tổn hại tới sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng, đồng thời kêu gọi Nga thực thi thỏa thuận Minsk.
Về phía Anh, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson nhấn mạnh, nước này luôn kiên định trong việc ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Quan chức trên nói: "Chúng tôi nhận thấy tình hình đáng quan ngại ở khu vực biên giới. Chúng tôi vẫn luôn kiên định trong việc ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sẽ tiếp tục hỗ trợ họ trước sự thù địch của Nga".
Cùng ngày, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho rằng, quân đội Nga đã bố trí một lượng binh lính "lớn và bất thường" ở khu vực biên giới với Ukraine trong những tuần gần đây.
Phát biểu họp báo với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba tại thủ đô Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nhấn mạnh, việc Nga bố trí quân đội gần biên giới với Ukraine là hành động nguy hiểm bởi nó rút ngắn khoảng thời gian cảnh báo "từ khi đưa ra quyết định cho tới khi thực sự có hành động nhằm vào Kiev".
Lãnh đạo NATO khẳng định, sự hiện diện của lực lượng này ở phía Đông, bao gồm khu vực Biển Đen và Baltic, là vì mục đích phòng thủ.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg cho biết, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã thảo luận về khả năng đưa ra một gói các biện pháp nhằm trừng phạt Moscow hoặc tăng cường hỗ trợ an ninh cho Kiev nếu Nga có động thái quân sự chống lại Ukraine.
Nỗ lực trên nhằm ngăn chặn Tổng thống Putin có các hành động nhằm vào Ukraine bằng cách công khai rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ phối hợp đáp trả.
| Tin thế giới 15/11: Nga muốn nhập cuộc vụ EU-Belarus; Mỹ tính quà gặp mặt Trung Quốc; 600 quân Anh sẵn sàng nếu Nga nhắm vào Ukraine Khủng hoảng di cư ở châu Âu, căng thẳng EU-Belarus, Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc, vấn đề Ukraine, Biển Đen, bầu cử Philippines và ... |
| NATO thừa nhận bất đồng về kết nạp Ukraine, Pháp-Mỹ lại lo Nga Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết, các thành viên của khối chưa nhất trí về ... |