Với vị trí địa chính trị và kinh tế quan trọng ở miền Bắc, là vùng đất phên dậu phía Đông Bắc của Tổ quốc, Vân Đồn là một trong những huyện đảo không chỉ nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước mà còn thu hút sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước. Chính vì vậy, việc quy hoạch phát triển chung Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Nhận “nhiệm vụ mới”
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 232/QĐ-TTg về Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Đường cao tốc Quảng Ninh - Vân Đồn. (Nguồn: Cổng điện tử Quảng Ninh) |
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch khoảng 2.171,33km2 , bao gồm diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn, trong đó diện tích đất khoảng 581,83km2, diện tích vùng biển khoảng 1.589,5km2. Dự báo sơ bộ quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 140.000 - 200.000 người; đến năm 2040 khoảng 300.000 - 500.000 người trong đó phát triển khách du lịch đến năm 2030 khoảng 2,5 triệu lượt khách; đến năm 2040 khoảng 6,0 - 9,5 triệu lượt khách.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trên cơ sở rà soát, kế thừa các yếu tố hợp lý của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1296/QĐ-TTg ngày 19/8/2009, đánh giá các định hướng chiến lược của quốc gia và tỉnh Quảng Ninh đối với khu vực Vân Đồn. Từ đó, để khai thác, phát triển tối ưu các quỹ đất, tiềm năng phát triển từng khu vực; đề xuất các khu chức năng, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật hợp lý cho KKT.
Cụ thể, phân tích, đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất..., đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch của KKT Vân Đồn và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển khu kinh tế. Đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng. Đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và KKT Vân Đồn.
Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang... trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật KKT để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Quyết định cũng chỉ ra, cần đánh giá tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn, xem xét thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỉ lệ dân số, lao động (5 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị - nông thôn), các hiện tượng dịch cư, vấn đề do đô thị hóa.
Định hướng quy hoạch bố trí các khu vực phục vụ sản xuất, nghiên cứu sáng tạo, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục tại khu vực phía Tây và Bắc đảo Cái Bầu để đáp ứng nhu cầu sử dụng chung của Khu kinh tế và các khu vực lân cận. Bố trí các chức năng dịch vụ hỗ trợ du lịch, tài chính và dịch vụ văn hóa sáng tạo tại khu vực phía Đông đảo Cái Bầu để hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch.
Phân tích vai trò, vị thế Khu kinh tế Vân Đồn trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế, mối liên hệ với Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái về dịch vụ, du lịch; mối quan hệ với Hải Phòng, Hà Nội về dịch vụ, hạ tầng và nguồn nhân lực; mối quan hệ với các trọng điểm phát triển khác của vùng và quốc gia để xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác phát triển và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của KKT Vân Đồn.
Thêm động lực phát triển
Với mục tiêu nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, Vân Đồn sớm sẽ nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, phấn đấu là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ, thành phố hiện đại, thông minh, hài hòa giữa cuộc sống hiện đại và thiên nhiên, nơi có cuộc sống xanh.
Cảng Cái Rồng - Vân Đồn. (Báo Quảng Ninh) |
Có thể xem sự phát triển của Quảng Ninh hiện nay đang bước đầu được “Luật hóa”. Điểm qua một vài lĩnh vực cơ sở hạ tầng hay du lịch có thể thấy rõ việc hiện thực này.
Hiện Vân Đồn đang ưu tiên phát triển các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dành chủ yếu quỹ đất cho phát triển dịch vụ chứ không phải cho kinh doanh đô thị. Vân Đồn đã xác định vị thế là nằm trong mối liên kết với các địa phương lân cận của tỉnh Quảng Ninh nhằm tạo sự phát triển tương hỗ bền vững, hiệu quả. Các dự án, nhà đầu tư xác định thu hút vào Vân Đồn là nhà đầu tư có năng lực, đảm bảo tầm vươn quốc tế.
Cái khó nhân đối với Vân Đồn đó là vốn. Thế như hiện nay, Vân Đồn đã và đang giải quyết bài toán khó này rất tốt. Đó là kêu gọi được vốn đầu tư được huy động từ nguồn tư nhân và ngân sách quốc gia cũng như vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ đất đai. Trong đó, tại khu vực tư nhân, Sun Group đã xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn và đã khai trương vào ngày 30/12/2018, đánh dấu sự kiện sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động. Tiếp đó các nhà đầu tư tên tuổi các cũng đã có những dự án thực hiện tại Quảng Ninh như FLC, CEO, MBland và Crytal Bay...
Vân Đồn đã đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đây là cở sở để trong giai đoạn ngoài 2050 xây dựng tuyến đường sắt cao tốc kết nối Khu kinh tế Vân Đồn với các khu vực trong cả nước và quốc tế.
Riêng về phát triển du lịch, Vân Đồn định hướng phát triển du lịch sinh thái và văn hóa cao cấp. Hiện cơ sở hạ tầng giao thông đã dần được cải thiện, điều kiện đi lại thuận lợi hơn, lượng khách đến Vân Đồn ngày càng tăng.
Nếu như trước đây, khách du lịch đến Vân Đồn thường chỉ tập trung ở những điểm du lịch thuộc quần đảo Cái Bầu thì nay du khách đã có xu hướng tìm đến các xã trên tuyến đảo, như: Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng...
Trong tương lai, Vân Đồn sẽ nghiên cứu xây dựng một sân bay trực thăng (taxi trực thăng) ở cụm đảo Cái Bầu, Quan Lạn và Thắng Lợi. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng loại hình thủy phi cơ phục vụ vận chuyển du lịch và hàng hóa, phù hợp với địa hình của Khu kinh tế Vân Đồn.