Làng đá Thạch Khuyên ở xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. (Nguồn: Realtimes) |
Làng đá Thạch Khuyên thuộc xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã nổi tiếng từ lâu với những công trình bằng đá tồn tại trong nhiều thế kỷ. Thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền và người dân trên địa bàn xã Xuất Lễ đã có nhiều biện pháp để bảo tồn, giữ nếp làng đá để công trình này mãi trường tồn theo thời gian và giữ được nét đẹp độc đáo, cổ kính.
Thôn Thạch Khuyên hiện có 115 hộ dân với 532 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng. Đến làng đá, chúng tôi được nhìn tận mắt những bức tường đá với phần móng rộng 3m, các viên đá với đủ kích cỡ xếp chồng lên nhau mà không sử dụng bất cứ vật liệu kết dính nào. Đá ở đây được lát rải làm đường, làm tường rào, kè bờ ao, chèn bờ ruộng…
Vẻ đẹp vừa hoang sơ cổ kính, vừa thú vị lạ mắt của làng đá cổ. |
Có những viên đá to, nặng cả vài trăm kilogam, nhiều viên đã phủ kín rêu phong, thể hiện được sự cổ kính và cũng là minh chứng cho sự trường tồn suốt hơn 300 năm của làng đá. Được biết, tổng chiều tường đá bao quanh thôn Thạch Khuyên là hơn 1.000m.
Trong làng hiện còn 5 mái nhà trình tường, một lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng. Đây là những ngôi nhà làm bằng tường đất dày, kiên cố, lợp ngói âm dương, cao 1 - 2 tầng. Phía trong nhà có bố trí hệ thống chốt và then cửa chắc chắn; tầng áp mái có trổ các lỗ châu mai để phòng thủ.
Vừa chỉ tay vào những viên đá xếp thành hàng trước sân nhà mình, ông Tàng Văn Hảo, 65 tuổi chia sẻ: Từ khi sinh ra tôi đã được nghe cha ông kể lại các câu chuyện về những bức tường đá. Thạch có nghĩa là đá, khuyên có nghĩa là vòng tròn, một bức tường đá vòng tròn quanh làng, để bảo vệ tính mạng và tài sản của dân làng. Các cụ kể lại rằng, làng đá được người dân xây dựng từ đầu thế kỷ XIX để bảo vệ dân làng khỏi cướp bóc, thổ phỉ. Trước đây, những bức tường đá quây quanh làng cao khoảng 4-5m, được xây thành 2 lớp vững chãi. Ngôi làng với những công trình được xây bằng đá đã trở thành niềm tự hào của người dân chúng tôi mỗi khi có ai hỏi về nét đặc sắc của quê hương mình.
Ông Hảo bên hàng rào bằng đá của ngôi nhà ông. (Nguồn: Báo Lạng Sơn) |
Cũng như ông Hảo, hơn 500 người dân thôn Thạch Khuyên đều tự hào về làng đá nơi đây. Những viên đá này đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của ngôi làng từ trước đến nay. Với những ý nghĩa trên, địa điểm Thạch Khuyên trong Khu du kích Ba Sơn đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UBND ngày 2/10/2002 của UBND tỉnh. Di tích làng Thạch Khuyên đã được kiểm kê di tích lịch sử trong khu di tích lịch sử Du kích Ba Sơn theo Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 10/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt và công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo thời gian, làng đá không còn được tròn vẹn như xưa bởi tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh, những con đường bằng đá được thay bằng con đường bê tông trải dài, những bức tường cao 4 - 5m thuở xưa giờ chỉ cao chừng 1-2m… Dẫu vậy, cấp uỷ, chính quyền huyện Cao Lộc, xã Xuất Lễ và người dân nơi đây vẫn luôn ý thức được làng đá có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, vì vậy, thời gian qua, đã có những giải pháp để bảo tồn làng đá.
Đá được xếp chồng lên để tạo nên bờ rào chắc chắn. (Nguồn: Realtimes) |
Ông Tô Văn Tuân, Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ cho biết: những năm qua, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền người dân bảo tồn, tôn tạo hàng rào đá trước nguy cơ bị bào mòn và vận động người dân chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên nhổ cỏ, nhặt rác ở làng đá… Qua đó, góp phần gìn giữ nét đẹp công trình bằng đá mà cha ông đã xây dựng nên.
Cùng với đó, để làng đá ngày càng được nhiều người biết đến hơn, các cấp, ngành ở huyện cũng quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị của làng đá. Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Với mong muốn gìn giữ và lan toả nét đẹp của làng đá Thạch Khuyên đến với đông đảo quần chúng nhân dân, đầu năm 2023, chúng tôi đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát, nghiên cứu khai thác tiềm năng du lịch nơi đây. Đồng thời, phối hợp với UBND xã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây, trong tương lai sẽ hình thành làng du lịch cộng đồng để bảo tồn giá trị của làng đá cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế của người dân.
Ngôi làng này còn nhiều nhà trình tường truyền thống của người Tày, người Nùng. (Nguồn: Tạp chí Nông thôn mới) |
Với giá trị, tiềm năng phát triển du lịch của làng đá Thạch Khuyên, thời gian tới, các cấp, ngành của huyện, xã cần tiếp tục quan tâm, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, bảo tồn vẻ đẹp nguyên sơ của di tích. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, giữ nếp làng Đá Thạch Khuyên. Để làng đá thực sự trở thành điểm du lịch văn hóa thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.
| Thông điệp kinh tế từ ngoại giao vaccine Thành công của công tác ngoại giao vaccine chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ... |
| Khám phá ẩm thực Cao Bằng: Hương sắc miền non nước Một số món ăn như: lạp sườn, lợn sữa quay, xôi ngũ sắc, thịt trâu treo gác bếp... được thực khách yêu mến khi đến ... |
| TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đón 40 triệu lượt khách trong năm 2023 Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đón khách quốc tế là 5 triệu lượt; khách nội địa là 35 triệu lượt; tổng thu ... |
| Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch biển 2023 tại TP. Tam Kỳ - Điểm hẹn mùa Hè Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch biển năm 2023 với chủ đề ‘Tam Kỳ - Điểm hẹn mùa Hè’ hứa hẹn mang ... |
| Quận Lê Chân: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế của TP. Hải Phòng vào năm 2025 Là quận nằm ở trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Hải Phòng, Lê Chân đang vươn mình bứt phá trở thành đô ... |