Hội nghị có sự tham dự của khoảng 150 đại biểu (Ảnh: T.T) |
Ngày 4/4, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức hội nghị nhằm cung cấp thông tin, tham vấn với các chuyên gia và các bên liên quan để xây dựng kế hoạch, chiến lược ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại 13 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 150 đại biểu đến từ các tổ chức phi chính phủ (NGO), cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan hợp tác phát triển các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài.
Tại đây, ông Phan Anh Sơn - Trưởng Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM) cho biết, đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Việt Nam đang ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế, an ninh lương thực và nguồn nước của gần 1,8 triệu người, trong đó có 455.000 trẻ em. Trước tình hình hàng nghìn ha lúa và hoa màu đã bị mất trắng, nhiều hộ gia đình chịu cảnh thiếu nước sạch cũng như đối mặt với các nguy cơ về sức khỏe, dinh dưỡng và an toàn vệ sinh.
Trong nỗ lực ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, thời gian vừa qua PACCOM đã phối hợp với Nhóm Công tác về quản lý thảm họa (DMWG) và một số tổ chức quốc tế đã thực hiện đánh giá nhanh nhu cầu thực địa tại 6 tỉnh bị ảnh hưởng. Đánh giá này cho thấy, nhu cầu cần hỗ trợ của các cộng đồng bị ảnh hưởng là rất lớn, nhất là về nước sạch, an toàn vệ sinh, cải thiện sinh kế cũng như chăm sóc y tế và dinh dưỡng, không chỉ trước mắt mà còn trong dài hạn.
Hội nghị đã cung cấp các kết quả đánh giá là nguồn thông tin quan trọng về tình hình thiệt hại, nhu cầu, những giải pháp của chính quyền và các khuyến nghị để các NGO, các đối tác và cơ quan phát triển, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp xem xét hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ cách thức triển khai các hoạt động để đảm bảo các nguồn hỗ trợ được sử dụng một cách hiệu quả nhất.
Kết thúc Hội nghị, 7 NGO và doanh nghiệp đã có những cam kết hỗ trợ ban đầu cho các cộng đồng chịu ảnh hưởng trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn vừa qua với tổng trị giá 1,1 triệu USD (tương đương 24 tỷ đồng) cho các chương trình cung cấp nước sạch, lương thực và dinh dưỡng. Về hỗ trợ dài hạn, 22 NGO, thông qua Thỏa thuận khung ký với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam đã cam kết triển khai 30 chương trình, dự án trong 3 năm 2016 – 2019 tại 13 tỉnh bị thiệt hại với tổng ngân sách là 12,3 triệu USD (tương đương khoảng 274 tỷ đồng.