![]() |
Các ngành công nghiệp văn hóa đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ. (Nguồn: VGP) |
Cơ hội cho ngành công nghiệp văn hóa
Trong thời đại số, khi ranh giới vật lý dần mờ nhạt, văn hóa không còn bị giới hạn bởi không gian địa lý, mà trở thành một nguồn sức mạnh mềm lan tỏa mạnh mẽ qua âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, sản phẩm thủ công, thiết kế sáng tạo, thậm chí chỉ qua một dòng trạng thái mạng xã hội hay biểu tượng thương hiệu.
Trong bối cảnh đó, các ngành công nghiệp văn hóa và nội dung số nổi lên như những "cây cầu" hiện đại, vừa kết nối các dân tộc, vừa giúp mỗi quốc gia khẳng định bản sắc và giá trị riêng trên bản đồ thế giới.
Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế", đã chỉ rõ: “Về văn hóa, hội nhập nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu". Đây là định hướng mang tính đột phá, bởi nó không chỉ đặt văn hóa vào trung tâm của chiến lược hội nhập, mà còn xác lập rõ vai trò kinh tế hóa văn hóa, biến những giá trị truyền thống thành tài sản thực tế, lan tỏa bằng công nghệ và sáng tạo.
Thực tiễn thế giới đã chứng minh, không có ngành nào vừa mang tính bản sắc sâu sắc, vừa có khả năng tạo ra giá trị kinh tế lớn như công nghiệp văn hóa. Hàn Quốc là điển hình sống động: từ những bộ phim như Hậu duệ mặt trời, Trò chơi con mực, đến những nhóm nhạc như BTS, BlackPink, họ đã không chỉ "làm mưa làm gió" trên các bảng xếp hạng toàn cầu mà còn góp phần tăng trưởng GDP, thúc đẩy du lịch, xuất khẩu mỹ phẩm, thời trang, thực phẩm, giáo dục… Hàn Quốc đã xây dựng thành công hệ sinh thái văn hóa công nghệ cao, nơi mỗi yếu tố văn hóa đều được kết nối, phát triển và thương mại hóa bài bản.
Nhật Bản, với sức sáng tạo tinh tế và chiều sâu văn hóa lâu đời, không nằm ngoài làn sóng ấy. Các thương hiệu như Studio Ghibli, Nintendo, Hello Kitty, UNIQLO… không chỉ đơn thuần là sản phẩm, mà là những biểu tượng văn hóa toàn cầu.
Trong khi đó, Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ với những nền tảng số như Douyin (TikTok), Tencent Video, các bộ phim cổ trang, các lễ hội văn hóa kỹ thuật số, và hàng loạt ứng dụng tích hợp công nghệ AI vào sáng tạo nội dung. Họ biến văn hóa truyền thống thành trải nghiệm hiện đại, từ đó tạo nên những sản phẩm vừa thân thuộc vừa mới mẻ, hấp dẫn không chỉ người Trung Quốc mà cả khán giả quốc tế.
"Bài viết Vươn mình trong hội nhập quốc tế của Tổng Bí thư Tô Lâm thắp sáng tầm nhìn về một Việt Nam không tiếp nhận thụ động, mà kiến tạo, đồng hành và truyền cảm hứng trong cộng đồng quốc tế". |
Việt Nam, với kho tàng di sản phong phú, dân số trẻ năng động và nền tảng công nghệ ngày càng phát triển, đang sở hữu cơ hội vàng để xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa mang tầm khu vực và quốc tế.
Những loại hình nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương hay các làn điệu dân ca như quan họ, ca trù, hò Huế, nếu được kết hợp với công nghệ kể chuyện hiện đại, ứng dụng số, nền tảng trực tuyến và trí tuệ nhân tạo, hoàn toàn có thể "tái sinh" mạnh mẽ, tiếp cận khán giả toàn cầu qua những hình thức mới hấp dẫn và hiệu quả hơn.
![]() |
Phát triển công nghiệp văn hóa tạo cơ hội cho làng nghề Hà Nội phát triển. (Ảnh: N. Hoa) |
Cùng với đó, chúng ta cần đầu tư bài bản vào những lĩnh vực giàu tiềm năng như phim ảnh, thiết kế thời trang, trò chơi điện tử, hoạt hình, âm nhạc, mỹ thuật số, kiến trúc, nghệ thuật thị giác. Không phải làm cho có, mà làm với tư duy chiến lược, tư duy thương hiệu, tư duy toàn cầu. Cần có các quỹ đầu tư sáng tạo, các khu công nghiệp văn hóa, các trung tâm đổi mới sáng tạo kết hợp giữa nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ và các bạn trẻ tài năng để những ý tưởng bay lên, chạm tới thế giới.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ mang lại nguồn thu kinh tế, mà còn tạo sự đan xen lợi ích văn hóa – kinh tế – ngoại giao, giúp hình ảnh quốc gia trở nên thân thiện, hấp dẫn và được nhớ đến nhiều hơn. Một bộ phim hay có thể mở ra cánh cửa du lịch cho hàng triệu du khách. Một bài hát nổi tiếng có thể đưa tên tuổi Việt Nam lan xa hơn mọi hội nghị. Một thương hiệu thời trang truyền cảm hứng có thể khiến người ta yêu thích văn hóa Việt không cần lý do.
"Chìa khóa vàng" mở cánh cửa hội nhập
Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta cần một hành lang pháp lý và chính sách rõ ràng, khuyến khích sáng tạo, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nuôi dưỡng tài năng và kết nối thị trường. Cần thiết lập cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, kết nối họ với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, phải đào tạo một thế hệ mới các nhà quản trị văn hóa, nghệ sĩ – nhà sáng tạo, kỹ sư công nghệ để đủ sức cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới". Không có lĩnh vực nào mang tính “tiên phong” rõ rệt như công nghiệp văn hóa, nơi những quốc gia nhỏ về diện tích, khiêm tốn về tài nguyên, vẫn có thể trở thành cường quốc bằng chính trí tuệ, bản sắc và sáng tạo của mình.
Công nghiệp văn hóa và nội dung số không chỉ là sự nối dài của truyền thống bằng công nghệ, mà là cách để biến di sản thành tương lai, biến quá khứ thành động lực đổi mới, biến văn hóa thành sức mạnh cạnh tranh quốc gia. Đó là con đường để Việt Nam không chỉ “vươn mình” trong hội nhập, mà còn vươn lên với một bản sắc rạng rỡ, một tâm hồn sâu sắc, một khát vọng trường tồn cùng thời đại.
Cuối cùng, trong bức tranh toàn cảnh của thời đại, nơi mà các quốc gia không còn tồn tại trong những “ốc đảo biệt lập” mà gắn bó chặt chẽ trong một thế giới phẳng, thì văn hóa chính là “chìa khóa vàng” để mở cánh cửa hội nhập không chỉ để thế giới hiểu ta, mà để chính ta hiểu rõ mình hơn trong tương quan toàn cầu. Hội nhập quốc tế không chỉ là tham gia vào các hiệp định kinh tế, không chỉ là mở rộng thị trường hay thu hút đầu tư, mà sâu xa hơn, là để mỗi dân tộc có cơ hội giao lưu, đối thoại, khẳng định giá trị, cùng đóng góp vào một thế giới phong phú, nhân văn hơn.
Bài viết “Vươn mình trong hội nhập quốc tế” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã thực sự thắp sáng một tầm nhìn mới tầm nhìn về một Việt Nam không chỉ là người tiếp nhận thụ động, mà là người kiến tạo, người đồng hành và người truyền cảm hứng trong cộng đồng quốc tế. Trong tầm nhìn ấy, văn hóa giữ vai trò then chốt, vừa là căn cốt dân tộc, vừa là năng lực mềm giúp quốc gia lan tỏa bản sắc, nâng tầm vị thế và kiến thiết một thế hệ mới thế hệ của những công dân toàn cầu mang trong mình trái tim Việt Nam.
Văn hóa, nếu biết phát huy đúng cách, có thể trở thành cầu nối không biên giới, mang những giá trị Việt Nam đến với nhân loại. Muốn thế, chúng ta cần đặt văn hóa đúng vị trí trong chiến lược phát triển, cần đầu tư thỏa đáng cho sáng tạo, bảo tồn và đổi mới, cần nuôi dưỡng một thế hệ nghệ sĩ, trí thức, doanh nhân văn hóa - những người có thể vừa giữ hồn dân tộc, vừa hòa mình cùng thế giới trong tư thế tự tin, bình đẳng.
Giữ gìn bản sắc trong giao lưu không có nghĩa là khép mình, mà là bước ra thế giới với lòng tự tôn văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa không phải để thương mại hóa di sản, mà để "thổi hồn mới" vào di sản, giúp chúng sống động, lan tỏa và bền vững hơn. Hợp tác quốc tế về văn hóa không làm "pha loãng" bản sắc, mà là quá trình chia sẻ và thấu hiểu lẫn nhau, cùng tạo ra những giá trị mới sâu sắc, đẹp đẽ và trường tồn.
Chúng ta đang đứng trước một thời cơ lớn — thời cơ của một dân tộc đã đủ trưởng thành để sánh vai cùng thế giới. Nhưng đây cũng là giai đoạn đầy thách thức, khi ranh giới giữa hội nhập và hòa tan trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Chính lúc này, văn hóa cần được khơi dậy như nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất — ngọn lửa giữ ấm hồn dân tộc và cũng là ngọn đèn soi sáng hành trình vươn ra biển lớn.
| Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025: Định hình một Việt Nam xanh hơn LTS. Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, thời ... |
| 'Kim chỉ nam' cho thanh niên thời đại mới Trong thời đại 4.0, công nghệ số và AI mở ra nhiều cơ hội phát triển kỹ năng cho thanh niên. Tuy nhiên, bên cạnh ... |
| Thanh niên cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thế hệ trẻ cần không ngừng bứt phá, thể hiện ý chí quyết tâm, tiên phong trong công cuộc ... |
| 'Thanh niên phải có lý tưởng, sống đẹp, tử tế với mình, với người và môi trường' Thanh niên nên được trao niềm tin, khát vọng về sự nỗ lực của bản thân để vươn lên, từ đó kiến tạo được giá ... |
| Để không lỗi thời, giáo viên phải giống như 'kiến trúc sư' trong kỷ nguyên AI Chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam, PGS. TS. Phạm Chiến Thắng(*) cho rằng, giáo viên trong kỷ nguyên AI cần trở thành ... |