thực phẩm bẩn, Quản lý thị trường, rau sạch, Tết Nguyên đán, |
Sẽ tiến hành thanh, kiểm tra các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm ở 12 tỉnh, thành phố trọng điểm trước Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa) |
Điều này phản ánh rõ nét sự hoang mang của người tiêu dùng về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi một loạt vụ thực phẩm bẩn như vận chuyển thịt thối, chế biến mỡ bẩn… liên tục được phanh phui thời gian gần đây. Một đại biểu Quốc hội từng thốt lên: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế".
Nhiều “đất sống”
Gà thải loại nhúng hóa chất để biến thành gà đồi, thịt heo thối được "phù phép" thành thịt bò tươi rói, lòng lợn, chân gà thối qua tẩm ướp được "hô biến" thành đặc sản nhà hàng, nước mắm từ hóa chất công nghiệp, rau bẩn "đội lốt" rau sạch vào siêu thị... Vấn nạn thực phẩm bẩn và nỗi lo về an toàn thực phẩm đang nóng hơn bao giờ hết. Đáng lo ngại, nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sẽ là cơ hội ngàn vàng để thực phẩm bẩn tiếp tục lên ngôi.
Theo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian qua, tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình trạng sản xuất, kinh doanh đầu độc người tiêu dùng bằng các chất cấm, chất bảo quản… không có trong danh mục ngày càng nghiêm trọng, với mức độ vi phạm tinh vi và táo tợn.
Ngoài ra, do sức mua thấp, hàng hóa không tiêu thụ được, hàng hóa hết hạn sử dụng tồn kho nhiều dẫn tới tình trạng các cơ sở, doanh nghiệp sửa hạn sử dụng có dấu hiệu tăng.
Lợi dụng tâm lý ưa đồ rẻ của người dân, các đối tượng đã vận chuyển các mặt hàng ế thừa, quá hạn sử dụng, mầm dịch từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ làm cho tình hình an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, tâm lý người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 10/2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Đáng chú ý, tuy số vụ ngộ độc trong cả nước đã giảm trên cả ba chỉ số: số vụ, số mắc và số tử vong, nhưng mức độ vụ ngộ độc lại nghiêm trọng hơn.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho hay, có nhiều nguyên nhân khiến hiện tượng thực phẩm bẩn vẫn có "đất sống" trên thị trường. Do lợi nhuận mà một số cơ sở bất chấp quy định của pháp luật, bất chấp đạo đức kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm. Công tác quản lý, thanh tra kiểm tra của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo, chưa triệt để.
Bên cạnh đó, bản thân chính người tiêu dùng, dù biết sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất lớn nhưng vì điều kiện kinh tế, thiếu hiểu biết vẫn mua và sử dụng.
Quyết liệt vào cuộc
Tại cuộc họp tổng kết mới đây về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định, thời gian tới, ngoài việc tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyên truyền cho người dân có thêm kiến thức về an toàn thực phẩm, Cục sẽ tổ chức cho các địa phương gần nhau có thể kiểm tra chéo để học tập cách quản lý về phòng, chống, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm. Đồng thời, Cục sẽ nâng cấp, tăng cường các phòng kiểm nghiệm để hỗ trợ công tác xác minh chất lượng thực phẩm; nâng cao năng lực của các chi cục để có thể đảm bảo công tác thanh, kiểm tra, tiếp nhận và xử lý thông tin về an toàn thực phẩm tại các địa phương.
Trước mắt, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, sẽ có sáu đoàn thanh tra liên ngành được thành lập, tiến hành thanh, kiểm tra các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm ở 12 tỉnh, thành phố trọng điểm với mục tiêu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2015.
Trọng tâm thanh, kiểm tra là các mặt hàng tiêu dùng nhiều vào dịp Tết như rượu, bia, nước giải khát, thịt, các loại bánh truyền thống…
"Cơ sở nào không đảm bảo thì rút giấy phép, kiên quyết không để các cơ sở đó cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, những cơ sở vi phạm sẽ đưa lên thông tin đại chúng để người dân được biết ", Phó Cục trưởng Nguyễn Hùng Long khẳng định.