📞

Vận tải hành khách công cộng được hoạt động trở lại ở TP. Hồ Chí Minh

Tiến Lực 17:59 | 02/10/2021
Từ ngày 5/10, một số loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, xe khách, taxi, xe công nghệ ở TP. Hồ Chí Minh được hoạt động theo quy định giới hạn, riêng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, xe máy chưa được hoạt động.
Các phương tiện vận tải hành khách không chở quá 50% sức chở cho phép của phương tiện. Trong ảnh: Xe khách Phương Trang đưa miễn phí các công dân Bà Rịa-Vũng Tàu từ TP. Hồ Chí Minh trở về.

Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã ban hành hướng dẫn tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố và một số trường hợp cần thiết giữa thành phố với các tỉnh, thành phố kể từ ngày 1/10 cho đến khi có hướng dẫn mới.

Một số loại hình vận tải hành khách công cộng như xe buýt, xe khách, taxi, xe công nghệ được hoạt động theo quy định giới hạn. Riêng dịch vụ kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe mô tô, xe máy chưa được phép hoạt động.

Cụ thể, về hoạt động vận tải hành khách, từ ngày 5/10, thành phố sẽ tổ chức một số tuyến xe buýt với tần suất và thời gian hoạt động tuỳ theo tình hình, nhu cầu thực tế từng khu vực, theo quyết định công bố của Sở Giao thông Vận tải.

Vận tải hành khách bằng xe taxi, mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 20% số xe quản lý, theo số liệu phù hiệu đã đăng ký với Sở Giao thông Vận tải.

Vận chuyển hành khách bằng xe du lịch, mỗi đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký số lượng phương tiện hoạt động tối đa không vượt quá 30% số xe quản lý, theo số liệu biển hiệu đã đăng ký.

Vận tải hành khách bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách được phép đăng ký hoạt động tối đa không vượt quá 10% số xe quản lý.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải cho phép các phương tiện không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách hoạt động phục vụ các chương trình du lịch được Sở Du lịch, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức; theo kế hoạch vận chuyển của ngành y tế; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Các phương tiện đăng ký hoạt động sẽ được Sở Giao thông Vận tải cấp phép thông qua giấy nhận diện (có mã QR). Trong quá trình hoạt động, căn cứ vào nhu cầu đi lại và tình hình kiểm soát dịch Covid-19, Sở Giao thông Vận tải tiếp tục điều chỉnh số lượng phương tiện hoạt động phù hợp.

Trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường thủy, ngoài bến phà Bình Khánh, Cát Lái tiếp tục hoạt động, Sở Giao thông Vận tải cho một số bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận chuyển hành khách được phép hoạt động. Tần suất khai thác tối đa không quá 50% và không chở quá 50% sức chở cho phép của phương tiện.

Về hoạt động vận tải hàng hóa, xe tải chở hàng hóa hoạt động tuân thủ theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố năm 2018, quy định về hạn chế và cấp phép xe ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố.

Các xe khi lưu thông trong khung giờ cấm xe tải, phải có giấy phép do Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cấp. Trong khi đó, vận tải hàng hóa bằng đường thủy, bến phà Bình Khánh, bến phà Cát Lái hoạt động bình thường.

Đối với tổ chức giao thông giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông đến và lưu thông ngang qua TP. Hồ Chí Minh phải có giấy nhận diện (có mã QR) được cấp tại địa chỉ vantai.drvn.gov.vn hoặc địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn (hoặc ứng dụng VNEID).

Phương tiện có lộ trình quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh không được dừng, đỗ phương tiện trong suốt quá trình lưu thông trên địa bàn Thành phố (trừ trường hợp bất khả kháng).

Xe ô tô chở hàng, ô tô tải hoạt động trong khu vực nội đô thành phố tuân thủ theo Quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố quy định về hạn chế và cấp phép xe ô tô chở hàng, ô tô tải lưu thông trong khu vực nội đô thành phố.

Các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại trạm kiểm soát liên ngành tại huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Người từ các tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ) và phải có giấy chuyển viện (của các bệnh viện) từ các tỉnh, thành phố đến bệnh viện tại Thành phố, giấy hẹn tái khám hoặc thông tin xác nhận đăng ký của các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh.

Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không; xe ô tô cá nhân.

Người dân TP. Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành phố khác trở về thành phố phải đảm bảo các điều kiện: có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh; có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực.

Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải hành khách liên tỉnh; xe ô tô cá nhân; được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, người dân đi từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác trong một số trường hợp cấp bách, đảm bảo các điều kiện là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính; được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Người từ các tỉnh, thành phố khác đến TP. Hồ Chí Minh trong một số trường hợp cấp bách phải được Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép, xác nhận; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực.

Ngoài ra, việc vận chuyển người lao động tại các tỉnh, thành phố về TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo Công văn của Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh ngày 30/9 về phối hợp tổ chức vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành phố làm việc tại TP. Hồ Chí Minh trong tình hình mới; vận chuyển người dân có nguyện vọng về quê theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố về phối hợp tổ chức hỗ trợ đưa người dân có nguyện vọng về quê trong thời gian thành phố thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg; lưu thông đến, đi từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Về yêu cầu chung, người tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế TP. Hồ Chí Minh hoặc Sổ sức khỏe điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động); trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ít nhất 1 mũi và 14 ngày sau tiêm khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Đối với hoạt động vận tải phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi TP. Hồ Chí Minh, chỉ được lưu thông liên tỉnh trong một số trường hợp cụ thể trên.

Sở Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ trì tổ chức lực lượng triển khai tại các chốt, trạm kiểm soát dịch Covid-19, đảm bảo an toàn giao thông, không gây ùn ứ giao thông, không gây cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa. Các đơn vị tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch của các đơn vị vận tải, người trên phương tiện, đặc biệt tại các điểm tập kết phương tiện vận chuyển hàng hoá.

(theo Vietnamplus)