📞

“Vành đai, Con đường” sau Đại hội 19

07:19 | 01/12/2017
Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vừa qua, sáng kiến về Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (BRI) tiếp tục là trọng tâm trong chính sách kinh tế chính trị và đối ngoại của Trung Quốc thời gian tới.

Là ý tưởng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào mùa Thu năm 2013, BRI là một sáng kiến kỳ vọng của Trung Quốc cùng lúc hướng đến nhiều mục tiêu. Sáng kiến này được đưa thành một chương riêng (chương 51) trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Trung Quốc 5 năm lần thứ 13. Cơ chế chính sách đã được triển khai theo mô hình từ trên xuống, với sự tham gia của tất cả các cấp hành chính. Nhằm huy động tài chính cho BRI, Trung Quốc đã cùng lúc hình thành bốn kênh quan trọng: (i) Các định chế chuyên biệt cung cấp tài chính cho BRI; (ii) Các ngân hàng chính sách; (iii) Các quỹ đầu tư tài chính và (iv) Các công ty đầu tư.

Ảnh minh họa. (Nguồn Financial Tribune)

Thành quả bước đầu

Sau bốn năm triển khai, BRI đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đến tháng 10/2017, Trung Quốc đã cùng gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ký biên bản ghi nhớ hợp tác hoặc thỏa thuận hợp tác về BRI. Về hoạt động vốn cho BRI, tính đến tháng 8/2017, Trung Quốc đã đạt được 109 thoả thuận với 68 quốc gia thuộc BRI với trị giá lên tới 33 tỷ USD, vượt qua con số 31 tỷ USD của năm 2016. Tổng số vốn đã cấp và đợi phê duyệt mà Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) triển khai trong năm 2016 là 1,82 tỷ USD.

Một trong những dự án đầu tiên được nhận vốn vay của Quỹ Con đường Tơ lụa (SRF) là dự án thủy điện Karot – được cấp tháng 2/2015, nằm trong sáng kiến Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) với số vốn vay khoảng hơn 1,65 tỷ USD. Ngoài ra, SRF cũng cung cấp khoảng 11 tỷ USD cho dự án khí hóa lỏng (LNG) Yamal giữa Trung Quốc và Nga, qua đó nắm 9,9% cổ phần của tập đoàn NOVATEK. Tại Hội nghị thượng đỉnh về Vành đai và Con đường vừa họp trong hai ngày 14 và 15/5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc tuyên bố sẽ huy động thêm 14,5 tỷ USD để đầu tư cho sáng kiến BRI.

Sau khi sáng kiến BRI được đưa ra năm 2013, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc vào các quốc gia thuộc phạm vi này đã tăng trưởng rõ nét. Theo số liệu chính thức do Cục quản lý ngoại tệ quốc gia Trung Quốc (SAFE) công bố, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc vào các quốc gia BRI năm 2015 đã đạt mức 14,8 tỷ USD, chiếm khoảng 12,6% tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc đã đầu tư hơn 250 tỷ USD vào nhiều dự án được thiết kế dựa theo BRI trong lĩnh vực đường sắt và năng lượng. Ngoài ra, năm 2016. Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào châu Phi với 36,1 tỷ USD (chiếm 39% tổng FDI của châu Phi), bỏ xa nước đứng sau là UAE với 11 tỷ USD (chiếm 12%) và Mỹ đứng thứ sáu, với 3,4 tỷ USD (chiếm 4%).

Tiếp tục đẩy mạnh

Tiếp nối thành công đó, tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc họp vào tháng 10/2017, “Sáng kiến Vành đai, Con đường” được bổ sung vào Điều lệ Đảng của Trung Quốc. Cụ thể, điều lệ Đảng (sửa đổi) cho rằng cần “thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại, tuân theo nguyên tắc cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng thụ hưởng, thúc đẩy xây dựng Vành đai - Con đường".

Trước đó, toàn bộ quá trình hoạch định chính sách và triển khai BRI từ năm 2013 – 2017, tuy đã diễn ra theo một hệ thống nhất quán, được thể chế hoá trong nội bộ Trung Quốc và thúc đẩy rầm rộ ở nước ngoài, nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả. Việc triển khai chính sách thiếu sự giải thích, chiến lược và khuôn khổ hành động rõ ràng. Vì thế, BRI cần được đưa vào Điều lệ Đảng để tạo nền tảng pháp lý và tính bắt buộc về mặt chính sách ở cấp cao nhất, chỉ đạo công tác của tất cả các cấp địa phương.

Thứ hai, bằng việc thể chế hoá BRI ở cấp chính trị cao nhất, Trung Quốc có điều kiện đánh giá lại BRI một cách toàn diện từ mục tiêu, trọng tâm, đối tác, cách triển khai.

Thứ ba, ông Tập Cận Bình có thể sử dụng BRI để thay cho chính sách “thao quang dưỡng hối”, biến nó thành nền tảng mới cho đối ngoại Trung Quốc thời gian tới. Trong Báo cáo chính trị Đại hội 19, ông Tập Cận Bình cam kết mở cửa và tương tác nhiều hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Thách thức cho BRI

Sau Đại hội 19, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực cho vùng Trung Đông và Trung Á tháng 10/2017, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá tích cực về tác động của sáng kiến BRI, cụ thể là xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, công nghiệp, các công trình tiện dụng, tới quá trình hội nhập kinh tế và tài chính của khu vực Đông Nam Á và Trung Á.

Sáng kiến BRI cũng hỗ trợ rất nhiều cho các ngành công nghiệp truyền thống của Trung Quốc. Tổ chức BHP Billiton (Australia) nghiên cứu về 400 dự án trọng điểm của BRI và nhận thấy các dự án này cần khoảng 1.300 tỷ USD và tiêu tốn 15 triệu tấn thép trong 10 năm tới, qua đó tăng nhu cầu sử dụng thép từ 1% lên tới 4%. Tuy nhiên, BRI cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên, việc BRI được đưa vào Điều lệ Đảng có thể tạo ra “nguồn vốn chính trị”, nhưng cũng tạo ra “gánh nặng chính sách” cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp và ngân hàng, nhiều dự án BRI sẽ được thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ, thay vì quan tâm thực sự đến hiệu quả và chi phí kinh tế.

Thứ hai, năng lực tài chính của các quốc gia vay vốn là có hạn. Sau Đại hội 19, Trung Quốc kêu gọi các bên cùng hợp tác và Trung Quốc sẽ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thay vì cung cấp toàn phần cho các dự án BRI. Nhưng ngay cả khi đó, khả năng trả nợ của các quốc gia với các khoản lãi suất 5-6%/năm cũng là một thách thức. Nghiên cứu gần đây của Bloomberg cho thấy 60% các quốc gia trong danh sách 68 quốc gia BRI có mức rủi ro tín dụng cao và rất cao. Chẳng hạn, 27 quốc gia được xếp vào các nước không nên đầu tư, 14 quốc gia thậm chí còn không thể xếp hạng về rủi ro tín dụng.

Thách thức thứ ba đến từ các vấn đề môi trường liên quan đến dự án có vốn Trung Quốc. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu An ninh khu vực (CRSS) thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) năm 2016 cũng thừa nhận rằng “rất nhiều dự án BRI có thể gây ra hàng loạt vấn đề an ninh môi trường”. 

Những sự kiện chính trong hợp tác BRI của Trung Quốc từ tháng 9 - 10/2017

- Ngày 1/9/2017, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Brazil Michel Temer, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất hai bên tìm cách tích cực hợp tác trong sáng kiến BRI và đề xuất các chính sách kết nối của Brazil.

- Ngày 1/9/2017, Trung Quốc và Thuỵ Sĩ thúc đẩy Hiệp định công nhận hải quan lẫn nhau (AEO), tạo điều kiện để thiết lập "Làn xanh" cho Vành đai, Con đường.

- Ngày 4/9/2017, trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, hai bên đã nhất trí triển khai các hợp tác mang tính thiết thực trong khung khổ BRI, kết hợp BRI với Diễn đàn Hợp tác Trung – Phi và “Chương trình hành động 2063” của châu Phi.

- Cùng ngày 4/9, trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Mexico Pena Nieto, ông Tập Cận Bình mời Mexico tham gia sáng kiến BRI, để trở thành đầu mút kéo dài quan trọng của BRI ở Trung Mỹ.

- Ngày 5/9, Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) tuyên bố sẽ cung cấp khoản cho vay trị giá 210 triệu USD cho Ai Cập nhằm phát triển năng lượng Mặt trời và năng lượng tái tạo.

- Ngày 6/9, Cục Đường sắt Thái Lan ký với Trung Quốc hai dự án hợp tác đường sắt cao tốc trị giá 5,2 tỷ Bath (tương đương 160 triệu USD).

- Ngày 17/9, trong chuyến thăm làm việc với Phó Thủ tướng Panama, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Panama là điểm kéo dài “tự nhiên” của Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI. Do đó, hai nước cần tăng cường thúc đẩy hợp tác.

- Một tháng sau, trong Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc, sáng kiến BRI được đưa vào Điều lệ Đảng, trở thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của Trung Quốc.

- 10 ngày sau, các hãng hàng không dân dụng Trung Quốc xây dựng kế hoạch bay mùa Đông và Xuân, theo đó mở thêm 95 đường bay đến các quốc gia dọc theo tuyến BRI.

Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc – VEPR (VCES)