Máy bay không người lái được sử dụng phổ biến trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: Atlantic Council) |
Trong một bài phân tích gần đây trên Atlantic Council, ông Tomas Milasauskas, Giám đốc điều hành của RSI Europe (nhà sản xuất hệ thống điều khiển từ xa dành cho lĩnh vực quốc phòng có trụ sở tại Lithuania) và ông Liudvikas Jaškūnas, Giám đốc truyền thông tại RSI châu Âu đã có bài phân tích về chỗ đứng của máy bay không người lái trong cục diện xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Báo Thế giới & Việt Nam lược dịch bài viết.
"Át chủ bài" trên tiền tuyến
Cuộc xung đột Nga-Ukraine được coi là cuộc xung đột máy bay không người lái quy mô lớn đầu tiên trên thế giới. Nhưng thực chất, “xung đột máy bay không người lái” có ý nghĩa gì trong thực tế và cuộc xung đột này đang được tiến hành như thế nào?
Phương tiện truyền thông đưa tin về cuộc chiến máy bay không người lái thường tập trung vào các mẫu cụ thể như máy bay không người lái Shahed được Nga sử dụng để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine hoặc máy bay không người lái Bayraktar đóng vai trò gây chú ý trong nỗ lực chống trả của Ukraine giai đoạn đầu của cuộc xung đột.
Tuy nhiên, đằng sau những thương hiệu này là một hệ sinh thái máy bay không người lái phức tạp hơn và đang mở rộng một cách nhanh chóng.
Cho đến nay, loại máy bay không người lái phổ biến nhất trên chiến trường Ukraine là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV). Loại này cũng khá phổ biến ở một số nơi khác.
Mặc dù có chi phí tương đối thấp so với các nền tảng trên không khác, máy bay không người lái FPV sở hữu một số ưu việt có thể thay đổi đáng kể hiểu biết về chiến tranh hiện đại. Với khả năng điều hướng, những chiếc máy bay không người lái này đã trở thành vũ khí được ưa chuộng để gắn chất nổ và thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích.
Ban đầu, FPV nổi lên từ lĩnh vực đua máy bay không người lái theo sở thích dân sự. Nó có động cơ và khung cứng cáp, được chế tạo để chịu sự khắc nghiệt của các cuộc đua tốc độ cao và nhiều vụ va chạm.
So với những “người anh em khác”, FPV loại máy bay trực thăng có động cơ mạnh hơn, khi được điều khiển bởi các phi công lành nghề, khả năng nhắm mục tiêu chính xác của nó là “độc nhất vô nhị”.
Không có gì lạ khi các phi công điều khiển FPV đi qua cửa sổ của một tòa nhà hoặc vào cửa sập của một chiếc xe bọc thép. Máy bay không người lái FPV cũng rất phù hợp để nhắm mục tiêu vào các thiết bị cụ thể như radar hay ăng-ten gắn bên ngoài xe bọc thép.
Phi công FPV ở Ukraine thường không hoạt động từ chiến hào tiền tuyến. Thay vào đó, họ làm nhiệm vụ trong các đội đặc biệt cách tiền tuyến khoảng 2 đến 5 km. Khoảng cách này giúp họ an toàn tương đối trước các nguy cơ bị tiêu diệt.
Bản chất của thiết bị điều khiển máy bay không người là có thêm một lớp bảo vệ. Vì mọi quy trình đều được điều khiển từ xa nên chỉ cần lưu tâm rằng ăng-ten truyền giữa máy bay không người lái và người điều khiển được kết nối thông suốt, các thiết bị còn lại và đội phi công có thể hoạt động từ tầng hầm an toàn.
Mặc dù các trung tâm điều hành máy bay không người lái được xem là những mục tiêu lớn trên chiến trường, nhưng trên thực tế, hầu hết sự chú ý đều tập trung vào việc ngăn chặn hoặc tiêu diệt chính máy bay không người lái.
Chính điều này vô hình chung đã đẩy nhanh việc sử dụng máy bay không người lái FPV, khiến cả Nga và Ukraine lún sâu vào cuộc xung đột tiêu hao trong bối cảnh cả hai bên đều đang thiếu nguồn lực trầm trọng.
Đặc điểm quan trọng khiến máy bay không người lái FPV trở thành vũ khí “át chủ bài” của Nga cũng như Ukraine là giá thành tương đối thấp, chưa tới 500 USD cho một chiếc FPV đôi. Giá thành thấp cùng với hiệu suất và tính linh hoạt về mặt chiến thuật khiến FPV trở nên ngày càng phổ biến trên tiền tuyến của cuộc xung đột.
Đối với Ukraine, quốc gia không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được nguồn cung cấp vũ khí có thể dự đoán được từ các đối tác phương Tây, khả năng chi trả cho máy bay không người lái FPV đã giúp quân đội của họ tiếp tục chiến đấu, mặc dù bị Moscow áp đảo về hỏa lực.
Mạnh đến mấy vẫn có "gót chân Achilles"
Về mặt công nghệ, máy bay không người lái FPV hiện đang ở giai đoạn đầu phát triển. Hầu hết các thành phần vẫn có nguồn gốc từ thị trường dân dụng, trong khi nhiều mẫu chỉ cung cấp dải tần số tương đối hạn chế.
Điều này rất quan trọng vì việc gây nhiễu được coi là “gót chân Achilles” của máy bay không người lái FPV. Nhiều người hoài nghi cho rằng, không lâu nữa, thiết bị gây nhiễu sẽ được sử dụng ở khắp mọi nơi, khiến việc điều khiển vô tuyến trở nên vô dụng. Thiết bị gây nhiễu có những hạn chế về phần cứng riêng và khó khắc phục.
Việc tạo ra nhiễu tín hiệu phụ thuộc vào việc gửi tín hiệu mạnh hơn tín hiệu mà nó muốn gây nhiễu. Nói cách khác, khả năng gây nhiễu hiệu quả đòi hỏi nguồn điện đáng kể và phần cứng cồng kềnh.
Đây là lý do tại sao hầu hết các đơn vị bộ binh chỉ có thể hoạt động với các thiết bị gây nhiễu nhỏ tạo ra “bong bóng” bảo vệ trong thời gian ngắn.
Các hệ thống gây nhiễu mạnh hơn có thể được sử dụng trên các phương tiện bọc thép, sự phổ biến của “lồng đối phó” xe tăng và sự xuất hiện gần đây của “xe tăng rùa” cho thấy rằng “áo giáp vật lý” vẫn là biện pháp bảo vệ phù hợp trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái FPV.
Công nghệ gây nhiễu hiện nay được xem là hữu hiệu nhất trong việc đối phó với FPV, tuy nhiên, vũ khí này đã chứng tỏ được khả năng phục hồi và tìm cách thích ứng hiệu quả với các biện pháp gây nhiễu.
Những đổi mới liên tục trong các lĩnh vực như tần số tùy chỉnh, nhảy tần và các kiểu bay tự động hứa hẹn sẽ nâng cao hơn nữa năng lực của FPV.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã khiến máy bay không người lái FPV trở nên nổi bật như một phần của quân đội hiện đại. Điều này có thể được nhìn nhận qua cách quân đội Ukraine và Nga đều kết hợp công nghệ này vào các cơ cấu quân sự hiện có.
Vào đầu năm 2024, Ukraine đã thành lập một nhánh mới của lực lượng vũ trang nước này dành riêng cho máy bay không người lái.
Có một số lý do để tin rằng vai trò của máy bay không người lái FPV sẽ giảm dần trong những năm tới. Vậy nhưng, khi công nghệ tiến bộ và chiến thuật quân sự phát triển, máy bay không người lái FPV cũng rất có thể sẽ trở nên nổi bật hơn trong các cuộc xung đột trong tương lai.
Hiện nay, các nhà hoạch định quân sự và quốc phòng trên khắp thế giới đang tìm cách tích hợp máy bay không người lái vào học thuyết quốc phòng của mình, dựa trên trường hợp cụ thể là xung đột Nga-Ukraine.