TIN LIÊN QUAN | |
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - góc nhìn từ tranh cổ động | |
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt qua nét vẽ yêu thương của các "họa sĩ nhí" |
Bức tranh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của họa sĩ Lê Huy Chấp. (Ảnh: A.B) |
Say mê nhất đề tài về Bác
Thành công ở nhiều thể loại tranh, nhưng họa sĩ Đỗ Mạnh Cường vẫn lựa chọn tranh cổ động vì bố cục đơn giản, khái quát thể hiện rõ chất đồ họa, màu sắc. Và đề tài ông say mê nhất là vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dành tình cảm đặc biệt cho Bác Hồ, họa sĩ đã đọc rất nhiều sách và những câu chuyện kể về Người để khơi nguồn sáng tạo giúp cho ông có thể hình dung và thể hiện chân thực nhất qua những nét vẽ cụ thể.
“Người vẽ phải bắt được cái hồn của Bác, một người rất đôn hậu và thương dân sâu sắc. Mỗi lần vẽ, tôi phải xem rất nhiều ảnh chụp thật của Bác từ cái gậy Bác mang, đến áo sơ mi đã nhàu cũ... Tôi còn nhớ mãi bài báo nói về lòng thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh do người tạp vụ của Người kể lại. Đó là vào dịp Tết năm 1954, Bác đã nhờ người tạp vụ tìm người nghèo nhất ở Hà Nội để đến thăm - một người phụ nữ đơn thân với ba đứa con nhỏ. Khi nhìn thấy Bác chị đã òa khóc”, họa sĩ Đỗ Mạnh Cường kể.
Đỗ Mạnh Cường đã thể hiện được sâu sắc nét vẽ ấy qua các bức tranh như “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại”, “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”. Đặc biệt, trong bức tranh cổ động “Theo con đường Bác Hồ đã chọn” do Ban Tư tưởng Văn hóa – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công ty Mỹ thuật Trung ương xuất bản nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng vào năm 1990, ông đã thể hiện được hình ảnh Bác cùng với tất cả hoạt động của đất nước sau ngày hoàn toàn giải phóng. Bức tranh quý này vừa được ông tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh lưu giữ và bảo quản lâu dài nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Bác 19/5.
Nhớ mãi lần gặp Bác
Với họa sĩ Lê Huy Chấp, thời còn đi học phổ thông ông đã say mê vẽ chân dung Bác Hồ . Một trong những bức vẽ Bác đẹp nhất của ông ngày ấy đã được thầy hiệu trưởng treo trang trọng trong phòng làm việc của mình. Sau này, được gặp Bác hai lần, họa sĩ cảm thấy đây là may mắn lớn lao cho ông. Trong ký ức của người họa sĩ đã 90 tuổi, Bác là người có tác phong nhanh nhẹn, tháo vát, truyền những cảm xúc mạnh mẽ và tốt đẹp cho người đối diện. Năm 1969, sau khi Bác mất, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông đã chính thức chuyên về đề tài vẽ tranh Bác Hồ.
Một trong bức tranh mà họa sĩ vô cùng yêu thích là tác phẩm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bản gốc mang tên “1890-1970” nhân sinh nhật lần thứ 80 của Người. Trong tranh, ông vẽ Bác tươi vui với nụ cười hiền hậu. Bức tranh sau này đã được tham dự triển lãm ở La Habana (Cuba) và Chủ tịch Fidel Castro đã yêu cầu ấn hành tác phẩm để giới thiệu về hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp đất nước Cuba. Năm 1975, ông quyết định đổi tên tranh thành “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nhằm thể hiện tư tưởng chính của Người.
Lê Huy Chấp còn nhiều bức tranh khác như “Bác Hồ ở Paris”, “Bác Hồ câu cá”, “Ngục trung nhật ký”... Là người con quê hương Bác, ông tự hào khi được nhớ đến với danh là “Những họa sĩ vẽ chân dung Bác Hồ” cùng cố họa sĩ Diệp Minh Châu, họa sĩ Dương Bích Liên, họa sĩ Đỗ Nam...
Họa sĩ Trần Từ Thành và bức tranh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: An Bình) |
Kỷ vật vô giá
Bức tranh với hình ảnh “Bác Hồ với thiếu nhi” được treo trang trọng trên nóc Nhà thông tin thành phố (số 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) gần 40 năm nay. Trong bức tranh, Người cười hiền hậu ôm em bé được bố cục ở chính giữa, bên phải là hình chữ S của bản đồ Việt Nam thống nhất. Nền trắng của tranh là hình chim bồ câu ngậm cành ô liu, mắt chim bồ câu là Thủ đô Hà Nội, màu cờ Tổ quốc. Tuy nhiên, rất nhiều người không hề biết đến tác giả của bức tranh nổi tiếng ấy là họa sĩ Trần Từ Thành.
Họa sĩ kể, năm 1975 khi đất nước thống nhất, ấp ủ về một tình cảm lớn cho ngày hội thống nhất non song đã thôi thúc ông thực hiện tác phẩm trong một thời gian ngắn. Cũng năm 1976, để chào mừng Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung, Xưởng tranh cổ động trung ương đã cho in hàng vạn bản phát hành trên cả nước và đề nghị ông đưa câu “Độc lập - Thống nhất - Hòa bình - Hạnh phúc” vào tranh.
Bức tranh nổi tiếng này sau còn được treo tại Bảo tàng Lenin ở Moscow (Nga), La Habana (Cuba)... bằng phiên bản các chất liệu, kích cỡ khác nhau. “Đã có nhiều nhà sưu tầm trong nước và quốc tế đến dạm mua bản gốc của bức tranh nhưng tôi đều từ chối bởi với tôi đây là kỷ vật riêng vô giá của đời mình. Bức tranh đã trở thành biểu tượng của khát khao và ước mơ hòa bình, cũng như lời nhắc nhở về tình yêu thương và giữ gìn hòa bình cho nhiều thế hệ. Thế nhưng được tặng tranh cho Bảo tàng Hồ Chí Minh là niềm vinh dự của chính tôi”, họa sĩ Trần Từ Thành chia sẻ.
Tranh vẽ HLV Park Hang-seo được đấu giá 246 triệu đồng Vừa qua, bức tranh “Người thầy của tôi” vẽ chân dung HLV Park Hang-seo đã được đấu giá thành công với mức 246 triệu đồng ... |
Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội thăm lớp vẽ thiếu nhi Sáng 25/11, Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (ASEAN Women’s Circle of Ha Noi - AWCH) đã đến thăm lớp học vẽ Sắc Cảm ... |
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang: Quê hương chính là chất liệu Mơ ước lớn của họa sĩ Nguyễn Đại Giang là được trở về nơi mình đã sinh ra và giới thiệu những tác phẩm mới ... |