Tập thể Báo Thế giới và Việt Nam chụp ảnh tại Khu di tích lịch sử địa điểm Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Đồi Giang, xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. (Ảnh: Báo TGVN) |
Đây là hoạt động ý nghĩa của Báo Thế giới và Việt Nam, nhằm ôn lại truyền thống ngoại giao cũng như báo chí cách mạng Việt Nam, tiếp tục khẳng định sứ mệnh giữ vững vị thế là một trong những cơ quan báo chí đối ngoại hàng đầu cả nước.
Điểm đến đầu tiên, ban lãnh đạo, cùng toàn thể cán bộ và nhân viên Báo Thế giới và Việt Nam đã tham quan Khu di tích Đồi Giang tại xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, nơi diễn ra Lễ nhận Quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đặt chân đến Khu di tích, các thành viên trong đoàn không khỏi ấn tượng và xúc động khi nghe lắng nghe thuyết minh viên trình bày về một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Sự kiện tiếp nhận Quốc thư là biểu tượng của sự khẳng định chủ quyền, mở ra cánh cửa để Việt Nam gia nhập cộng đồng quốc tế. Không gian yên bình giữa Đồi Giang như gợi nhắc về những nỗ lực to lớn của cả dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước.
Cán bộ, phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam lắng nghe đại diện lãnh đạo xã Tiên Hội, huyện Đại Từ chia sẻ về sự kiện lịch sử trọng đại. (Ảnh: Báo TGVN) |
Với sự chu đáo, cẩn trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Khu di tích, những tư liệu, hiện vật và câu chuyện lịch sử được tái hiện tại đây giúp thế hệ hôm nay thêm hiểu và trân trọng sự hy sinh, cống hiến của cha ông. Mỗi viên đá, mỗi lối đi trong Khu di tích đều như kể lại câu chuyện về những ngày đầu gian khó, nhưng đầy tự hào của nền Ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Những sự vật được phục dựng và tái hiện tại Khu di tích đã truyền tải thông điệp về ý chí kiên cường, tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo đất nước trong thời kỳ lịch sử. Đoàn đã cùng nhau suy ngẫm về những bài học lịch sử và rút ra nhiều giá trị quý báu trong việc tiếp nối sứ mệnh ngoại giao, làm cầu nối văn hóa, kinh tế và chính trị giữa Việt Nam với thế giới.
Cán bộ, phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Báo TGVN) |
Sau đó, đoàn di chuyển về Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nơi vốn là cái nôi đào tạo báo chí cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo thành lập năm 1949.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng không chỉ là nơi đào tạo kỹ năng báo chí, mà còn truyền lửa lý tưởng cách mạng và tinh thần chiến đấu cho những nhà báo Việt Nam đầu tiên. Đối với các thành viên trong đoàn, Khu di tích như một biểu tượng của ý chí tự lực tự cường và tinh thần đổi mới không ngừng nghỉ của nền báo chí cách mạng trong bối cảnh kháng chiến khốc liệt.
Những câu chuyện về thời kỳ sơ khai của ngôi trường khiến chúng ta cảm phục trước sự kiên cường và sáng tạo của những người làm báo thời đó. Trong hoàn cảnh thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn điều kiện học tập, họ vẫn nỗ lực vượt qua khó khăn để vừa học, vừa làm, vừa chiến đấu. Các thành viên trong đoàn nhận ra rằng, sự cống hiến của thế hệ nhà báo cách mạng không chỉ dừng lại ở việc truyền tải thông tin, mà còn ở sứ mệnh góp phần nuôi dưỡng niềm tin và tinh thần chiến thắng của cả dân tộc.
Chi bộ Báo Thế giới và Việt Nam tổ chức Lễ kết nạp Đảng cho đồng chí Nguyễn Thị Linh tại Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Báo TGVN) |
Nhân dịp này, Chi bộ Báo Thế giới và Việt Nam đã tổ chức Lễ kết nạp Đảng. Bí thư Chi bộ, Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn đã trao Quyết định của Ban Chấp hành Đảng ủy Bộ Ngoại giao về việc kết nạp Đảng cho đồng chí Nguyễn Thị Linh, phóng viên công tác tại Ban Kinh tế - Xã hội.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức Lễ kết nạp Đảng tại Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng có ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là nơi từng đào tạo những thế hệ nhà báo cách mạng đầu tiên, đặt nền móng cho nền báo chí Việt Nam. Ông bày tỏ hy vọng đồng chí Nguyễn Thị Linh sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn để tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của Báo Thế giới và Việt Nam cũng như nền báo chí cách mạng.
Trong lời tuyên thệ, bày tỏ sự xúc động và vinh dự khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Linh khẳng định sẽ luôn ghi nhớ và thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đảng viên, phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt các công việc được giao, góp phần giữ vững uy tín và vị thế của Báo Thế giới và Việt Nam.
Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Báo. (Ảnh: Báo TGVN) |
Trong dịp này, Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày ra số báo đầu tiên đã được tổ chức tại Khu di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, nhằm ôn lại quá trình hình thành và phát triển của tòa soạn, từ những ngày đầu đầy thử thách đến vị thế hiện tại là cơ quan ngôn luận uy tín của Bộ Ngoại giao.
Đến dự buổi lễ có ông Phan Hữu Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Trưởng ban quản lý Khu tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và 12 cựu chiến binh của xã Tân Thái, huyện Đại Từ.
Phát biểu khai mạc, Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn khẳng định, đây là dịp để toàn thể cán bộ, nhân viên của Báo trở lại với cội nguồn lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, nơi lưu giữ những giá trị cốt lõi và tinh thần tiên phong của thế hệ đi trước.
Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận Quốc thư đầu tiên sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác Hồ vừa là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, vừa là người sáng lập nền báo chí cách mạng. Do đó, chuyến thăm Về nguồn mang đậm dấu ấn và ý nghĩa sâu sắc với một cơ quan vừa là trung tâm báo chí, vừa là đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Lễ kỷ niệm là dịp để ghi nhận đóng góp của thế hệ trước, những người đã đặt nền móng, xây dựng Báo Thế giới và Việt Nam từ những bước khởi đầu gian khó, đồng thời tôn vinh những cá nhân xuất sắc và truyền cảm hứng cho thế hệ làm báo trẻ để tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và sáng tạo vào sự phát triển chung của cơ quan.
Báo Thế giới và Việt Nam giao lưu và trao quà tri ân cho 12 cựu chiến binh của xã Tân Thái, huyện Đại Từ. (Ảnh: Báo TG&VN) |
Cũng nhân dịp kỷ niệm đặc biệt này và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Báo Thế giới và Việt Nam đã thăm hỏi, tặng quà cho 12 cựu chiến binh tiêu biểu của xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, sự trân trọng và biết ơn đối với những người đã cống hiến tuổi trẻ, xương máu cho độc lập, tự do của dân tộc.
Hoạt động thăm hỏi và tặng quà cựu chiến binh đóng vai trò cầu nối giữa các thế hệ, giữa giá trị lịch sử và tinh thần báo chí cách mạng, giữa truyền thống dân tộc và sứ mệnh của báo chí đối ngoại. Đây cũng là lời nhắc nhở rằng, trong bất kỳ thời đại nào, lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm luôn là những giá trị trường tồn, góp phần xây dựng và giữ vững bản sắc dân tộc.
Lãnh đạo Báo Thế giới và Việt Nam trao quà lưu niệm cho ông Phan Hữu Minh, Nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Trưởng ban quản lý Khu tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: Xuân Sơn) |
Ông Phan Hữu Minh, Nguyên Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, Trưởng ban quản lý Khu tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nhấn mạnh, Khu di tích là điểm nhấn quan trọng trong hành trình lịch sử 100 năm báo chí cách mạng Việt Nam và trở thành điểm về nguồn thường xuyên của cộng đồng nhà báo.
Từ khi khánh thành, Khu di tích liên tục nhận được sự chào đón nồng nhiệt từ người dân nói chung và những người làm công tác báo chí nói riêng có nhu cầu tìm hiểu lịch sử nước nhà. Do đó, Ban quản lý Khu di tích sẽ luôn nỗ lực phục vụ tốt mục tiêu giữ gìn và phát huy giá trị di sản.
Lãnh đạo hai đơn vị ký kết MOU, mở ra giai đoạn hợp tác tốt đẹp mới với nhiệm vụ kết nối địa phương với thế giới. (Nguồn: TG&VN) |
Trong khuôn khổ chương trình, Báo Thế giới và Việt Nam và Báo Thái Nguyên đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền đối ngoại. Tham dự buổi làm việc có Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn và Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn cùng ban lãnh đạo, các biên tập viên, phóng viên của hai đơn vị.
Theo bản ghi nhớ hợp tác, hai cơ quan sẽ thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và hội nhập địa phương... Đồng thời, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để lan tỏa rộng rãi thông tin về các hoạt động của Bộ Ngoại giao, tỉnh Thái Nguyên, giúp hai cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Hai đồng chí Tổng Biên tập nhất trí rằng đây là khởi đầu vô cùng tốt đẹp cho cơ hội hợp tác trong tương lai. (Ảnh: Báo TG&VN) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Thế giới và Việt Nam Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, trên tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển, lấy địa phương và doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, Báo đã có nhiều hoạt động, đóng góp thực chất vào hợp tác giữa Bộ Ngoại giao với các địa phương, theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
“Sau thời gian trao đổi, chúng tôi rất vui mừng khi Báo Thế giới và Việt Nam và Báo Thái Nguyên đi đến ký kết Bản ghi nhớ hợp tác ngày hôm nay, đúng ngày Báo Thế giới và Việt Nam phát hành số báo đầu tiên 35 năm trước. Tôi cho rằng, đây là một khởi đầu vô cùng tốt đẹp, tạo cơ sở để hai cơ quan báo chí phối hợp, lan toả và làm sâu sắc hơn các mảng thông tin đối ngoại, thế giới và hội nhập địa phương”, ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Lãnh đạo và cán bộ, phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam và Báo Thái Nguyên tham dự Lễ ký kết MOU. (Ảnh: Báo TG&VN) |
Về phần mình, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong xu thế phát triển báo chí hiện đại và mở như hiện nay, việc kết nối hợp tác giữa các cơ quan báo chí là điều vô cùng quan trọng. Điều này càng trở nên cần thiết khi tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương có hoạt động hợp tác quốc tế mạnh mẽ, với khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nằm trong top đầu cả nước.
“Chúng tôi hy vọng đây sẽ là khởi đầu tốt đẹp cho sự phối hợp giữa hai cơ quan báo chí, cũng như giữa Bộ Ngoại giao và tỉnh Thái nguyên. Thời gian tới, với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo Báo Thế giới và Việt Nam, cùng các anh chị em đồng nghiệp, công tác tuyên truyền đối ngoại của hai cơ quan báo chí sẽ ngày càng phát triển, phục vụ tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị đặt ra trong bối cảnh mới”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Lãnh đạo và cán bộ, phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam và Báo Thái Nguyên trong Lễ ký kết MOU. (Ảnh: Báo TG&VN) |
Trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam, ông Đào Ngọc Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên khẳng định, Ban biên tập Báo Thái Nguyên rất hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động ký kết MOU. Mục tiêu của MOU phù hợp với chiến lược phát triển của Báo Thái Nguyên trong những năm tiếp theo. Việc hợp tác giữa hai cơ quan báo chí sẽ tạo nên kênh thông tin quan trọng, bởi tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương có số lượng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư và sản xuất kinh doanh hàng đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Đào Ngọc Anh kỳ vọng, việc hai bên ký kết MOU sẽ giúp lan tỏa hơn nữa thông tin, tuyên truyền các tiềm năng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên, góp phần thu hút vốn đầu tư, đồng thời hướng về lợi ích của người dân và doanh nghiệp, quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.
Trà Tân Cương là sản phẩm làm lên thương hiệu trà Thái Nguyên với hương vị thơm ngon, đậm đà. (Ảnh: Báo TG&VN) |
Kết thúc hành trình, đoàn lên đường thăm Cơ sở sản xuất chè Thái Sinh, một đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp chè đặc sản vùng Tân Cương - Thái Nguyên. Trải qua hơn 100 năm gắn bó với cây chè (từ năm 1920), Cơ sở sản xuất chè Thái Sinh luôn hướng tới mục tiêu phục vụ khách hàng với loại trà Tân Cương tinh túy nhất, không những đủ “thanh, sắc, vị, thần” mà còn an toàn, có lợi cho sức khỏe.
Tại đây, đoàn được giới thiệu về quy trình sản xuất chè truyền thống kết hợp với các phương pháp hiện đại để giữ gìn chất lượng sản phẩm. Đoàn cũng được thưởng thức những ly chè Tân Cương thơm ngon, đậm đà, với hương vị đặc trưng mà chỉ vùng đất này mới có.
Đây không chỉ là cơ hội để đoàn khám phá một trong những sản phẩm nổi bật của Thái Nguyên, mà còn là dịp để thấu hiểu và ghi nhận những nỗ lực bền bỉ trong việc duy trì và phát triển ngành chè, một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa và kinh tế vùng đất Tân Cương. Những trải nghiệm này chắc chắn sẽ là nguồn cảm hứng cho đội ngũ Báo Thế giới và Việt Nam tiếp tục công tác tuyên truyền, lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của các vùng miền trên cả nước.
Đoàn được tham quan trực tiếp đồi chè và nghe giới thiệu về quy trình sản xuất chè truyền thống kết hợp với các phương pháp hiện đại để giữ gìn chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Báo TG&VN) |
Thông qua các hoạt động ý nghĩa tại Khu di tích Đồi Giang, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và HTX Tâm Trà Thái Sinh, toàn thể cán bộ, nhân viên cơ quan có cơ hội ôn lại truyền thống hào hùng của ngành ngoại giao và báo chí cách mạng, khơi dậy tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.
Hành trình còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong mở rộng mạng lưới hợp tác giữa Báo Thế giới và Việt Nam với Báo Thái Nguyên, mở ra nhiều cơ hội phối hợp, lan tỏa thông tin đối ngoại, thúc đẩy hội nhập địa phương và quốc tế. Đây chính là minh chứng cho tinh thần đổi mới và trách nhiệm của nền báo chí hiện đại.
Kết thúc chuyến đi, mỗi thành viên trong đoàn mang theo niềm tự hào và nguồn cảm hứng lớn lao để tiếp tục nỗ lực trên hành trình làm báo, không ngừng phấn đấu vì sự phát triển của Báo Thế giới và Việt Nam nói riêng và ngành báo chí cách mạng Việt Nam nói chung.