📞

Về nguồn và chuyện bảo tồn sơn ta

Minh Hòa 15:29 | 15/04/2023
Có tìm hiểu về lịch sử sơn ta mới thấy hết giá trị và sự độc đáo của chất liệu này. Cũng vì thế mà có những người đang ngày đêm cống hiến sức mình để bảo tồn giá trị và chất liệu truyền thống ấy của dân tộc.
Bức tranh sơn mài lớn Linh thiêng Đền Hùng, kích thước 2m x 4,5m, được công đức ở Đền Hùng.

Những ngày này, tiết trời nồm ẩm của miền Bắc chẳng hề ảnh hưởng chút nào đến không khí khẩn trương chuẩn bị cho Triển lãm tranh sơn mài Về nguồn, được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng thường niên.

Tôn vinh chất liệu đặc sắc

Tại phố Tô Ngọc Vân (Hà Nội), trong một phòng trưng bày rộng chừng hơn 100m2, các họa sĩ tất bật tập hợp hơn 30 bức tranh sơn mài để lên kế hoạch tổng thể từ vận chuyển đến mi tranh (bày và sắp đặt tranh) tại Bảo tàng Hùng Vương.

Trông thấy tôi, anh Phạm Duy Khoa (Giám đốc dự án Sơn ta Việt – chủ trì Triển lãm lần này) hồ hởi tiến tới bắt tay và giới thiệu với mọi người. Anh chia sẻ: “Công tác chuẩn bị gần như đạt 90% khối lượng công việc. Hôm nay chúng tôi chuẩn bị demo mi tranh sẵn rồi đánh dấu vị trí cho các tác phẩm sẽ treo tại Bảo tàng Hùng Vương. Tôi rất tự hào khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng và thực hiện dự án vì đã mang đến những tác phẩm sử dụng nhựa của cây sơn ta quý, vốn trồng trên vùng đất Tổ Phú Thọ nhân dịp đặc biệt này. Nhất là khi dự án đã có được sự tham gia của chín họa sĩ tên tuổi yêu thích chất liệu sơn ta trong giới mỹ thuật Việt Nam như nhà báo đã thấy ở đây”.

Dẫn tôi tham quan từng tác phẩm đang được xếp ngay ngắn trong phòng, Giám đốc dự án Phạm Duy Khoa chia sẻ: “Các họa sĩ tham dự triển lãm tranh sơn mài lần này đều sử dụng chất liệu sơn ta, với tôn chỉ bảo tồn và phát triển chất liệu sơn truyền thống trên các tác phẩm hội họa sơn mài.

Triển lãm trưng bày 32 tác phẩm tranh sơn mài với các chủ đề lễ hội, mang phong cách sáng tác đa dạng như trừu tượng, ấn tượng, biểu hiện… với các kỹ thuật tạo hình độc đáo sử dụng son, vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ ốc… tạo nên sự độc đáo và quý giá về chất liệu”.

Tác phẩm Hầu văn của họa sĩ Phạm Hà Duy Khánh.

Cùng hướng về nguồn

Gặp họa sĩ Nguyễn Trường Linh (Chủ nhiệm CLB Sơn ta) đang cẩn thận dỡ lớp bọc cho bức tranh khổ lớn Linh thiêng Đền Hùng mà anh làm chủ đề tài. Bức tranh có khổ 2mx4,5m, vừa được anh sáng tác năm nay sẽ được công đức cho Bảo tàng Hùng Vương.

Tôi thực sự choáng ngợp trước tác phẩm mô tả toàn cảnh Đền Hùng, theo phong cách trang trí ước lệ, phối cảnh “thấu thị tẩu mã”. Bắt đầu là Cửa vào Trung tâm lễ hội, rồi đến Bảo tàng Hùng Vương, Cổng chính lên Đền, Đền Giếng, Đền Hạ, Chùa Thiên quang và Nhà Bia, Đền Trung, Lăng Hùng Vương và Đền Thượng. Bên phải bức tranh là hình ảnh Cổng lên Đền Mẫu Âu Cơ và Đền Mẫu, còn bên trái là hình ảnh Cổng lên Đền thờ Lạc Long Quân và Đền Lạc Long Quân. Bức tranh có hình chữ nhật dài theo phong cách Panorama - phương pháp vẽ tranh hoành tráng hiện đại, tạo các góc nhìn rộng, công chúng sẽ thấy toàn cảnh lễ hội sống động. Bức tranh gồm ba tông màu chủ đạo là đỏ son, vàng và nâu để tạo điểm nhấn và gây ấn tượng ngay khi khách tham quan bước chân vào Bảo tàng Hùng Vương.

Chia sẻ về tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Trường Linh cho biết: “Tôi đã nhiều lần khảo sát thực địa, tra cứu các tài liệu để xây dựng phác thảo, tạo cho bức tranh có không gian rộng, hoành tráng và sử dụng ngôn ngữ tạo hình hiện đại để tranh có thể lưu giữ đến nhiều thế hệ mai sau. Tôi dùng sơn ta cùng các chất liệu quý như: vàng dát – vàng quỳ 9999, bạc quỳ, đỏ son tự nhiên các độ trai, tươi, nhì, thắm – được tạo ra từ chu sa, và nhiều chất liệu màu tự nhiên quý khác”.

Là người bận rộn nhất trong thời điểm dự án Về nguồn sắp khai mạc, chị Lisa Nguyễn, Giám đốc truyền thông của Công ty cổ phần Sơn ta Việt chia sẻ với tôi: “Dự án được chúng tôi triển khai với tinh thần hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao các Vua Hùng và tỉnh Phú Thọ - là nơi nguồn gốc của cây sơn ta. Sơn ta Việt cùng các họa sĩ mong muốn được tri ân, lan tỏa tinh thần đoàn kết của cả dân tộc nói chung và những người hoạt động trong lĩnh vực sơn ta nói riêng. Trong đó có toàn thể bà con trồng cây sơn, các làng nghề, nghệ nhân, các thế hệ họa sĩ và doanh nghiệp để duy trì, bảo tồn phát triển ngành sơn ta, tranh sơn mài truyền thống”.

Ngay kế bên bức Linh thiêng Đền Hùng, họa sĩ Trà My đang chăm chút cho ba tác phẩm tranh sơn mài của mình. Chỉ vào bức Mơ về non nước, chị cho biết, đó là bức mà chị tâm huyết hơn cả. “Được tham gia triển lãm tranh trong dịp giỗ Tổ và trên chính vùng đất mà Vua Hùng lựa chọn để đóng đô, là cảm hứng tôi sáng tác bức tranh này. Non nước hùng vĩ và lịch sử hào hùng của dân tộc với tôi là niềm tự hào, là lòng biết ơn”.

Tác phẩm Thời xưa của họa sĩ Tô Ngọc Trang.

Lưu giữ giá trị truyền thống

Cách đây vài thập kỷ, những “đứa trẻ của thời bao cấp” như tôi còn hay được nghe láng máng về chất liệu sơn ta. Khi ấy, bố tôi thường giúp khu phố viết vẽ băng rôn, biểu ngữ, tranh cổ động… bằng chất liệu sơn ta. Bố dặn “không nghịch sơn kẻo nó ăn hỏng hết mặt”. Câu thành ngữ “Sơn ăn tùy mặt...” chắc có lẽ cũng từ đây mà ra. Thời gian trôi bẵng đi, cuộc sống và công việc khiến tôi quên hẳn hai chữ “sơn ta” trong từ điển, cho đến khi có dịp cọ xát nhiều với nghệ thuật sơn mài nói riêng và hội họa nói chung. Tôi thấy vui khi nhận ra chất liệu sơn ta từng gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu nay đã trở lại, đồng hành với những con người vô cùng nâng niu những giá trị truyền thống.

Với sự say mê nghệ thuật hội họa sơn mài và các sản phẩm sơn ta, anh Phạm Duy Khoa đã dồn rất nhiều công sức, tâm huyết và tài chính đầu tư cho dự án đầu tiên này. Cái duyên gắn bó của Khoa với sơn ta và rồi có hẳn một trang trại trồng cây sơn ở xã Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) lại đến từ một người Nhật Bản yêu nghệ thuật tranh sơn mài. Cô gái ấy đến Việt Nam học làm tranh sơn mài và rất thích thú khi biết về nguồn gốc sơn ta.

Phạm Duy Khoa nghĩ, người nước ngoài mà còn yêu sơn ta đến vậy thì mình là người Việt Nam càng phải làm cái gì đó “hơn thế nữa”. Đó chính là tiền đề để anh triển khai trồng cây sơn trên diện tích 3ha và hiện đã đi vào khai thác. Để có được thành quả hôm nay là những ngày vô cùng vất vả để thử nghiệm và hướng dẫn bà con tại đây biết cách trồng, chăm sóc và cách khai thác theo đúng tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất.

Hiện tại, Công ty Sơn ta Việt đã đồng hành cùng những nghệ nhân có nhiều năm kinh nghiệm để cho ra lò những mẻ sơn vẽ chất lượng nhất, những tấm vóc hoàn hảo nhất để chuyển tới tay các họa sĩ.

Thực sự xúc động trước sự đam mê và tâm huyết của tập thể Sơn ta Việt và các anh chị em họa sĩ dành cho sơn ta, tôi nhớ đến những chia sẻ của họa sĩ Trương Trọng Quyền: “Cái độc đáo của sơn ta là dùng càng lâu thì càng lên màu của thời gian. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, sơn ta đã giúp làm tôn thêm vẻ đẹp lộng lẫy và quyền quý cho những vật dụng vương giả trong giới quý tộc như hộp, tráp, cơi trầu; sơn son, thếp vàng trên những câu đối, hoành phi hay những pho tượng quý giá. Thực sự nếu thử loại bỏ đi lớp sơn ta, có lẽ những trải nghiệm về mặt thẩm mỹ của sơn mài Việt sẽ khó mà đạt được”.

Nhìn ngắm sự tất bật nhưng hạnh phúc, sự vất vả, nỗ lực nhưng rất đỗi tự hào ánh lên trên ánh mắt, nụ cười của những họa sĩ, tôi càng tin rằng, những giá trị truyền thống của đất nước sẽ từ những tinh thần như thế mà được giữ gìn, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác.