Ảnh minh họa. |
Vệ tinh Rosat đã rơi xuống khí quyển Trái đất vào lúc 1 giờ 50 phút GMT hôm 23.10 (8 giờ 50 phút giờ VN), và vị trí rơi được xác định là trên bầu trời của Vịnh Bengal, Nam Á.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ bao nhiêu mảnh vệ tinh "sống sót" sau đợt ma sát khủng khiếp với khí quyển và rớt xuống biển, theo AFP dẫn lời Trung tâm Vũ trụ Đức.
Hầu hết các bộ phận của vệ tinh 21 tuổi này được dự kiến đã bị đốt cháy trong bầu khí quyển, nhưng ước tính đến 30 mảnh nặng khoảng 1,87 tấn có thể bị chôn vùi dưới đáy biển.
Có thể nói vị trí rơi cuối cùng của rác vệ tinh Rosat đã khiến giới khoa học hú hồn, vì 2 thành phố với hàng triệu dân cư của Trung Quốc là Trùng Khánh và Thành Đô chỉ cách đường di chuyển của vệ tinh này vài phút về hướng đông bắc, theo chuyên gia Jonathan McDowell của Trung tâm về Vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian ở Cambridge, Massachusetts.
Vệ tinh khoa học nặng 2,69 tấn đã được phóng lên quỹ đạo Trái đất từ Mũi Canaveral, Florida, vào năm 1990 và về hưu và năm 1999 sau thời gian nghiên cứu hố đen và sao neutron.
Một xác vệ tinh khác của NASA đã rơi xuống khu vực phía nam của Ấn Độ Dương hồi tháng rồi. Không xảy ra thương vong trong lần rơi này, nhưng những mảnh vỡ xuất hiện khắp trên khu vực rộng 800km.
Kể từ năm 1991, các cơ quan hàng không vũ trụ thế giới đã áp dụng qui trình mới nhằm giảm thiểu tối đa rác vũ trụ. Theo đó, NASA cho biết cơ quan này không còn phóng lên những vệ tinh lớn mà sau đó sẽ rơi xuống Trái đất không kiểm soát trong vòng 25 năm tới.
Theo TNO