📞

Vệ tinh phát hiện ra hiện tượng chưa từng có trên sao Hỏa

Phạm Hường 09:45 | 14/02/2021
TGVN. Sao Hỏa chúng ta nhìn thấy ngày nay là một nơi vô cùng hanh khô, đầy bụi và cằn cỗi.
Quang cảnh trên sao Hỏa do tàu đổ bộ Pathfinder chụp. (Nguồn: BGR)

Ở sao Hoả có một chút nước đóng băng ở gần hai cực và có thể tan chảy chút ít vào năm sao Hỏa, nhưng ngoài lượng nước đó ra thì gần như không có gì để nói được đây là một hành tinh có thể có sự sống trong suốt chiều dài lịch sử của nó.

Con người đã phóng lên không gian một số tàu vũ trụ làm vệ tinh quan sát sao Hỏa để vén bức màn bí ẩn che giấu những điều bí mật của hành tinh này.

Mới đây, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu dữ liệu của dự án theo dõi khí quyển sao Hỏa do Cơ quan Vũ trụ châu Âu liên kết thực hiện với Cơ quan Vũ trụ Nga, được tàu thám hiểm Schiaparelli gửi về.

Họ phát hiện ra một loại khí chưa từng thấy xung quanh sao Hỏa từ trước đến nay. Đây là khí hydrogen chloride, là khí halogen đầu tiên được tìm thấy trong khí quyển sao Hỏa và có vẻ liên quan đến những thay đổi theo mùa trên hành tinh này. Nhưng phát hiện này còn đặt ra cho các nhà nghiên cứu nhiều câu hỏi hơn nữa.

Thông thường người ta cho rằng, khí quyển của một hành tinh không phải là yếu tố quan trọng để nghiên cứu, nhất là trong trường hợp khí quyển mỏng như trên sao Hỏa. Nhưng cho dù khí quyển của sao Hỏa có thể không đủ để hỗ trợ cho sự sống trên bề mặt thì nó vẫn là một chỉ số cho biết những quá trình đang diễn ra trên bề mặt hành tinh này.

Điều thú vị khi phát hiện ra hydrogen chloride trong khí quyển sao Hỏa chính là nó cho thấy nước đã từng (hoặc vẫn đang là) một nhân tố đáng kể trong khí hậu học nơi đây.

"Cần có nước bay hơi để giải phóng chlorine và cũng cần có một yếu tố thành phần của nước là hydrogen để hình thành hydrogen chloride. Nước là yếu tố then chốt ở đây. Chúng tôi còn quan sát thấy một mối tương quan với bụi. Đó là khi các hoạt động của bụi tăng mạnh thì hydrogen chloride xuất hiện nhiều hơn, một quá trình liên quan đến tình hình ấm lên theo mùa ở bán cầu Nam", Tiến sĩ Kevin Olsen, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.

Nhưng chính xác thì điều đó có ý nghĩa gì thì hiện vẫn khó để khẳng định. Cho dù là bất cứ thứ gì sinh ra loại khí đó thì đều liên quan đến mùa Hè ở Nam bán cầu, còn ngoài ra rất khó để xác định cái gì đã sinh ra nó.

Các nhà nghiên cứu còn cho biết, các phép đo tỷ lệ giữa hydro nặng và hydrogen trong khí quyển sao Hỏa chứng tỏ trong lịch sử nơi đây đã mất đi cực kỳ nhiều nước. Điều này phù hợp với ý kiến cho rằng sao Hỏa đã từng có rất nhiều nước và rất có thể còn có cả nhiều hồ, sông và biển rộng lớn.

(theo Dân trí)