📞

Vén màn bí ẩn cuộc chạm trán với UFO của phi công Mỹ

10:50 | 23/12/2019
TGVN. Sự cố UFO USS Nimitz là cuộc chạm trán trực quan với UFO của các phi công máy bay chiến đấu Mỹ thuộc Tàu sân bay lớp Nimitz. Những thông tin bí mật về cuộc chạm trán này vừa qua đã được hé lộ một phần.
UFO được một phi công Mỹ ghi lại đang khiến dư luận chú ý về tính xác thực được xác nhận. (Nguồn: CCO)

Cuộc chạm trán được cho đã diễn ra trong một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương ngoài khơi bờ biển phía Nam California, Mỹ vào ngày 14/11/2004.

Viên phi công của Hải quân Mỹ, người đã quay lại cảnh cuộc chạm trán không xác định USS Nimitz, còn được gọi là UFO Tic Tac, từ camera hồng ngoại ở cánh trái của chiếc tiêm kích F/A-18 Super Hornet, cuối cùng đã phá vỡ sự im lặng khi quyết định trao đổi với báo chí về những bí mật giữ kín lâu nay.

Đoạn phim của phi công Chad Underwood cho thấy một vật thể hình thuôn kỳ lạ (được gọi là Tic Tac), bay vút qua bầu trời ngoài khơi bờ biển San Diego, giữa khoảng cách 45.000 - 7.300m trong không trung.

Trong cuộc phỏng vấn, cựu phi công đã ủng hộ các tuyên bố trước đó, cho thấy vật thể lạ không phải là của một dự án bí mật nào cả.

Chad Underwood cũng lưu ý rằng một nguồn nhiệt có thể nhìn thấy trong video nhưng dường như đã không đến từ một luồng khí thải.

Kể từ khi đoạn phim bị rò rỉ, cả chuyên gia UFO và những người khác trên USS Nimitz và USS Princeton gần đó đã đưa ra đề xuất để giải thích bản chất của việc nhìn thấy.

Nhiều người tin rằng vật thể này là một dự án bí mật đang được Hải quân Mỹ phát triển. Tuy nhiên, Underwood đã chỉ ra rằng không có cuộc thẩm tra nào sau cuộc chạm trán - một thói quen thông thường khi một thứ gì đó được phát hiện trên một bài tập huấn luyện.

“Điều đó khiến tôi nghĩ rằng đó không phải là một dự án của Chính phủ”, Chad Underwood nói.

Video của Chad Underwood hiện trở thành một trong những cuộc chạm trán UFO được nhắc đến nhiều nhất mọi thời đại, khi nó được phát hành trong một bài báo của New York Times năm 2017, và đặc biệt, Lầu Năm Góc đã xác nhận cảnh quay là xác thực.

(theo Dân trí/Sputnik)