Ngày 23/10, viện cớ chính quyền Tổng thống Maduro ngăn chặn một cuộc trưng cầu ý dân về việc bãi nhiệm Tổng thống, Quốc hội Venezuela hiện do phe đối lập chiếm đa số tuyên bố Chính phủ đã tiến hành một cuộc “đảo chính”.
Nguy cơ bùng phát bạo lực
Phe đối lập cho rằng, việc Hội đồng Bầu cử quốc gia Venezuela (CNE) quyết định đình chỉ tiến trình thu thập chữ ký, vốn nhằm để tổ chức trưng cầu ý dân, là sai lầm. Bên cạnh đó, với ưu thế đa số ở Quốc hội, các nhà lập pháp đối lập đã thông qua một nghị quyết tuyên bố về “sự thất bại của trật tự Hiến pháp” và “một cuộc đảo chính do Chính quyền Nicolas Maduro tiến hành”.
Trong phiên họp bất thường về cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị đang tàn phá quốc gia giàu dầu mỏ ở Mỹ Latinh này, các nhà lập pháp đối lập đã kêu gọi người dân Venezuela “chủ động bảo vệ” Hiến pháp, đồng thời tuyên bố sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai “những cơ chế hữu hiệu” để khôi phục hệ thống dân chủ tại quốc gia này. Phe đối lập còn tuyên bố sẽ trả đũa bằng việc tổ chức các cuộc biểu tình trên diện rộng và kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép với nhà cầm quyền.
Người dân Venezuela xếp hàng mua các nhu yếu phẩm bên ngoài một siêu thị ở thủ đô Caracas. (Nguồn: Censoo) |
Nguồn cơn của đợt khủng hoảng mới là do CNE cương quyết đình chỉ việc tổ chức trưng cầu ý dân về bãi nhiệm Tổng thống. Quyết định được đưa ra sau khi tòa án hình sự tại 5 bang ra phán quyết cho rằng, lực lượng đối lập đã gian lận trong việc khởi động tiến trình thu thập chữ ký để tiến hành trưng cầu ý dân. Việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân nhằm phế truất Tổng thống - quyền được quy định theo Hiến pháp Venezuela - là một trong những chiến lược trọng tâm của phe đối lập nhằm lật đổ ông Maduro.
Phe đối lập đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm thu thập chữ ký của 4 triệu cử tri ủng hộ việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến bắt đầu từ ngày 26/10. Tuy nhiên, sau khi chính quyền có động thái cản trở các hoạt động này, giới lãnh đạo đối lập đã vô cùng tức giận và tuyên bố sẽ phát động một cuộc biểu tình trên cả nước ngay trong ngày 26/10. Giới phân tích chính trị đã nhanh chóng cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực tại quốc gia 30 triệu dân này.
Cần xử lý khôn khéo
Giá dầu trên thị trường thế giới lao dốc là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Venezuela suy thoái thời gian qua. Trong khi đó, thiếu thốn lương thực đã làm bùng phát hàng loạt cuộc biểu tình và khiến tình trạng cướp bóc gia tăng nhiều tháng gần đây. Năm 2014, chính quyền đã gây sức ép với lực lượng đối lập nhằm ngăn chặn phe này gây bất ổn chính trị, song phe đối lập vẫn nỗ lực tìm cách tiến hành các cuộc biểu tình phản đối trên quy mô lớn. Ông Maduro, người “thừa kế” chính trị của cố Tổng thống Hugo Chavez cho rằng phe đối lập là những kẻ chủ mưu kích động khủng hoảng kinh tế chính trị của đất nước và âm mưu đảo chính nhằm lật đổ ông.
Khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu từ đầu năm 2014, GDP của Venezuela sụt giảm tới 10% trong khi lạm phát lên tới 475%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến con số này thậm chí có thể còn lên tới 1.660% vào năm tới.
Cuộc khủng hoảng mới nhất diễn ra trong bối cảnh ông Maduro đang có chuyến công du Trung Đông. Thông qua chuyến đi này, nhà lãnh đạo Venezuela muốn bàn thảo với các đối tác để đẩy giá dầu trên thị trường thế giới lên cao nhằm hồi phục nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng của Venezuela. Ông Maduro cũng hy vọng tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với chính quyền do ông lãnh đạo sẽ tăng lên khi cuộc khủng hoảng kinh tế được giải quyết, nền kinh tế và phúc lợi xã hội được phục hồi.
Tổng thống Venezuela cũng nhận được sự hậu thuẫn của nhiều giới trong xã hội. Trước tình hình khủng hoảng đang gia tăng, những nhà lập pháp ủng hộ ông Maduro đã cáo buộc chính phe đối lập đang tìm cách tiến hành một cuộc đảo chính. Nghị sỹ Earle Herrera nói: “Đừng lợi dụng thời khắc khó khăn để thâu tóm đất nước”.
Trên thực tế, tuy có những lời lẽ khá gay gắt song nghị quyết của Quốc hội chỉ trích Tổng thống Maduro chỉ mang tính biểu tượng. Tòa án Tối cao Venezuela tuyên bố phe đối lập đã vi phạm phán quyết Tòa đưa ra hồi tháng 8, theo đó Nghị quyết của Quốc hội không có hiệu lực cho đến khi 3 nhà lập pháp đối lập - bị cấm hoạt động do các cáo buộc gian lận trong bầu cử - rút khỏi Quốc hội. Tòa án Tối cao Venezuela đã bác bỏ mọi dự luật do Quốc hội trình lên kể từ khi phe đối lập nắm quyền kiểm soát thể chế này từ tháng 1/2016.
Rõ ràng, khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela đang gia tăng đòi hỏi chính quyền của Tổng thống Maduro phải có biện pháp xử lý khôn khéo nhằm ổn định tình hình, vì quyền lợi cao nhất của người dân. Có như vậy mới tránh cho đất nước này rơi vào cảnh hỗn loạn khi mà cuộc sống người dân không được đảm bảo.