TIN LIÊN QUAN | |
Thu hút FDI cao kỷ lục, GDP quý III đạt 7,46% | |
Ổn định kinh tế vĩ mô và kiên trì điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ |
Theo Báo cáo của VEPR, tình hình kinh tế thế giới tăng trưởng tốt trong Quý IV và cả năm 2017. Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh bất chấp ảnh hưởng của hai siêu bão Harvey và Irma, góp phần đưa tới quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 12. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng chung của khu vực cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, các nước ASEAN duy trì tăng trưởng tích cực trong khi các nước BRICS bộc lộ dấu hiệu cải thiện kinh tế khả quan hơn.
Tăng trưởng ấn tượng
Chỉ số hoạt động kinh tế (VEPI) được VEPR công bố tại Tọa đàm lần này cũng đã thể hiện mức tăng trưởng cao của nền kinh tế trong Quý IV. Cụ thể, chỉ số VEPI Quý IV do VEPR công bố đạt 7,28%, cao hơn nhiều so với các quý trước và cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, con số này, theo như TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR là thấp hơn so với con số được Tổng cục Thống kê từng đưa ra. Con số của VEPR cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá là hợp lý và "mang tính khách quan" hơn.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố trước đó, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong Quý IV và mức tăng trưởng 7,65% là “mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua”, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2015: 7,01%, 2016: 6,68%). Tăng trưởng rất cao trong 2 quý nửa sau của năm đã góp phần đưa GDP cả năm tăng 6,81%, vượt chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội đề ra.
Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV ngày 16/1. (Ảnh: Ly Ly) |
Theo Báo cáo, đóng góp vào mức tăng trưởng ấn tượng của Quý IV là khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ năm 2017 đều có sự cải thiện mạnh so với các năm trước. Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tăng nhanh, đạt gần 13 triệu người góp phần hồi phục cho ngành dịch vụ. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng ấn tượng (14,4%), tiếp tục là động lực cho cả ngành công nghiệp bất chấp sự thu hẹp của ngành khai khoáng do tái cơ cấu kinh tế. Các chỉ báo sản xuất công nghiệp khác đều diễn biến tích cực trong Quý.
Báo cáo ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong nền kinh tế như quy mô việc làm mới và số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh trở lại sau tháng 9; lạm phát ổn định trong Quý IV đạt mức 2,6% trong tháng 12, đưa CPI bình quân cả năm đạt 3,53%, đạt mục tiêu thấp hơn 4% do Quốc hội đề ra; tiêu dùng cải thiện; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trưởng khá (12,7%), đầu tư tư nhân có sự cải thiện đáng kể trong Quý IV với mức tăng cao nhất trong 3 thành phần kinh tế; tín dụng tăng trưởng 16,96% tính tới ngày 20/12, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 21%...
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
Một trong những điểm sáng được nhóm nghiên cứu của VEPR chỉ ra trong Báo cáo lần này là tăng trưởng về thương mại khá mạnh mẽ, đặc biệt trong Quý IV với xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng lần lượt 24,2% và 14,8%. Quý IV cũng ghi nhận mức xuất siêu 3,17 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến hết tháng 12, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm trước khi nhu cầu thế giới gia tăng do kinh tế tăng trưởng tốt. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng cao ở mức 20,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 211,1 tỷ USD.
Xét theo nhóm hàng, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam năm 2017 đều tăng mạnh so với năm trước. Điện thoại và linh kiện điện thoại vẫn là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt 45,1 tỷ USD tăng 31,4%. May mặc, điện tử, máy tính và linh kiện cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu xuất khẩu (25,9 tỷ USD). Trong một năm thời tiết thuận lợi cho thủy sản và lâm nghiệp, hai ngành này cũng đóng góp tích cực lần lượt là 8,4 tỷ USD và 7,6 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 41,5 tỷ USD, tiếp sau đó là EU và Trung Quốc. Trong khi đó, về xuất khẩu, dù Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với 58,5 tỷ USD nhưng Hàn Quốc đã thay thế Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với 31,8 tỷ USD. Điều này cho thấy lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến từ Hàn Quốc ngày một lớn hơn nhờ vào các doanh nghiệp FDI của nước này, đặc biệt là Samsung.
Tăng trưởng thương mại Quý IV khá mạnh mẽ. (Nguồn: Tạp chí Tài chính) |
“Sự dịch chuyển đối tác nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc – một quốc gia có trình độ công nghệ cao hơn trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam trong việc tiếp nhận các tiến bộ công nghệ cao thông qua quá trình điều chỉnh và áp dụng các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghệ 4.0” – Báo cáo nhận định.
Nhóm chuyên gia của VEPR khuyến nghị, kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ quyết tâm theo đuổi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh năm 2018.
“Tuy nhiên, nhiều vấn đề nội tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để sẽ vẫn là lực cản đối với nền kinh tế”, báo cáo nhấn mạnh.
Mối lo từ kinh tế nội địa
Một trong những băn khoăn được các chuyên gia kinh tế đặt ra tại Tọa đàm là tính bền vững của nền kinh tế nội địa. Xuất siêu lớn từ khu vực FDI, một mặt góp phần quan trọng mang lại một năm thặng dư thương mại cao nhưng mặt khác cũng cho thấy năng lực đáng lo ngại của nền kinh tế nội địa khi xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, dịch chuyển cơ cấu nội ngành hiện chủ yếu vẫn tập trung vào khối doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải khối doanh nghiệp trong nước, cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong nước vẫn còn yếu. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dù Việt Nam đạt con số xuất siêu ấn tượng nhưng “không vội mừng” vì phần lớn con số xuất siêu vẫn đến từ khối doanh nghiệp FDI.
“Năm 2017 là năm thử thách đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đánh dấu 10 năm Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), 2 năm gia nhập Cồng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và 2 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc. Dù số doanh nghiệp mới có tăng lên nhưng con số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cũng không nhỏ. Rõ ràng, các doanh nghiệp đang cảm nhận rất rõ sức ép từ hội nhập”, bà Phạm Chi Lan cảnh báo.
TS. Lê Đăng Doanh khuyến nghị, đã đến lúc cần phải đánh giá lại vai trò của kinh tế tư nhân và cần xem môi trường kinh doanh đã thực sự tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân hay không.
Kinh tế tăng trưởng quanh 6% giai đoạn 2016 -2020 Theo Báo cáo Dự báo về tình hình kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và ... |
CPI giảm – cơ hội ổn định kinh tế vĩ mô Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2015 tiếp tục giảm 0,2% so với tháng trước. Đây là ... |
Ngoại giao kinh tế tăng tốc Năm 2014, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi tích cực dù còn nhiều khó khăn và thách thức. Kinh tế vĩ mô được .. |