Trước những thông tin bất lợi làm sụt giảm nghiêm trọng mức độ tín nhiệm của Yahoo, nhà mạng Verizon đã có động thái yêu cầu giảm 1 tỷ USD trong số tiền 4,8 tỷ đã thỏa thuận nhằm mua lại công ty này.
Hai tuần trước đây, Yahoo đã tiết lộ công ty bị hacker tấn công từ năm 2014, và đánh mất thông tin cá nhân bao gồm mật khẩu, và nhiều thông tin khác của hơn 500 triệu tài khoản trên toàn thế giới. Một tuần sau, công ty lại bị báo giới Mỹ phanh phui rằng đã có "thỏa thuận ngầm" với chính phủ Mỹ trong việc rà soát email của người dùng nhằm mục đích chống các hành động khủng bố.
Đáng chú ý, bà Marissa Mayer, CEO của Yahoo được cho là đã "che giấu" thỏa thuận của mình trước đội ngũ an ninh kỹ thuật. Giám đốc An ninh là ông Alex Stamos thậm chí quyết định từ chức sau khi phát hiện ra sự việc, và không muốn "tiếp tục bán đứng người dùng Yahoo".
Tờ NYpost cho rằng vụ việc sẽ gây ra nhiều trở ngại đối với các kế hoạch của Verizon, khi họ từng tuyên bố rằng sẽ xây dựng một "thế lực thứ ba" đủ để cạnh tranh với Google và Facebook về lợi nhuận từ các quảng cáo kỹ thuật số dựa trên sự kết hợp của AOL của Yahoo.
Tim Armstrong, người phụ trách AOL - công ty được Verizon mua lại năm 2015, cũng là người chịu trách nhiệm trong thương vụ mua lại Yahoo, được cho là đã gặp các lãnh đạo cấp cao của Yahoo và yêu cầu giảm giá thương vụ. "Ông ấy (Tim Armstrong) khá thất vọng vì không được biết thông tin vụ việc. Sau đó cân nhắc rằng liệu có thể thoát khỏi thương vụ này hoặc có thể giảm giá được không", trích từ một nguồn thân cận với Verizon.
Nhiều nguồn tin cho rằng Verizon từng cân nhắc việc ngừng triển khai thương vụ mua lại Yahoo khi nhận được thông tin về vụ bê bối của công ty dẫn tới đánh mất nửa tỷ tài khoản người dùng trên toàn thế giới. Vào thời điểm đó, Verizon cho hay hãng chỉ biết về vụ việc này 2 ngày trước khi toàn bộ thông tin bị phanh phui.
Cả Yahoo và Verizon đều từ chối bình luận liên quan tới thương vụ mua bán và các vụ việc gây chấn động gần đây.