Trong sứ mệnh tập hợp nhân tài Việt Nam cho sự phát triển của đất nước, VGLF 2024 với hành trình mang tên “Việt Nam – Vươn mình trong biến động” tiếp tục là nơi hội tụ tinh hoa, nguồn lực người Việt và gốc Việt xuất sắc từ khắp nơi để cùng nhau quyết tâm hành động vì một Việt Nam thịnh vượng, vững bước trong sự biến động của thế giới.
VGLF lần thứ nhất năm 2019 đã thu hút đông đảo nhân tài người Việt tham dự. (Nguồn: AVSE Global) |
Trong đó, đặc biệt là sự đóng góp của những nhà khoa học Việt có tầm ảnh hưởng trên những lĩnh vực như vật lý, toán học, trí tuệ nhân tạo, y tế, năng lượng và phát triển xanh...
GS. Trần Thanh Vân: Người ươm mầm khoa học
Là nhà vật lý nổi tiếng người Pháp gốc Việt, GS. Trần Thanh Vân đã thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học trong suốt hàng chục năm qua, một nhà khoa học đóng góp hết sức mình vì Việt Nam.
Với những công trình khoa học được đánh giá cao cũng như các hoạt động vì cộng đồng khoa học trên thế giới, ông đã được trao nhiều giải thưởng và huân chương danh giá.
GS. Trần Thanh Vân được trao nhiều giải thưởng và huân chương danh giá. (Nguồn: AVSE Global) |
Đầu tháng 4/2012, tại Hội nghị Hội Vật lý Mỹ ở Atlanta, bang Georgia, GS. Trần Thanh Vân là một trong ba người châu Á được trao Huy chương Tate, hoạt động vinh danh của Viện Vật lý Mỹ dành cho những người có công lao to lớn trong việc tổ chức và lãnh đạo các hoạt động vật lý trên quy mô quốc tế.
Ông còn được phong tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Tư lệnh Huân chương Công trạng quốc gia, Tư lệnh Huân chương Cây cọ học thuật, Huân chương Hữu nghị Việt Nam…
Không chỉ tập trung nghiên cứu, nhiều năm qua, GS. Trần Thanh Vân đã đưa các nhà vật lý trên thế giới đến gần nhau hơn qua các sáng kiến Hội nghị "Gặp gỡ Moriond" hay "Gặp gỡ Blois”.
Cũng từ đó, năm 1993, ông sáng lập nên “Gặp gỡ Việt Nam” nhằm kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam.
Cùng các nhà khoa học nổi tiếng khác trên thế giới, ông đã và đang nỗ lực để phát triển Trung tâm khoa học và giáo dục quốc tế ở Việt Nam. Với sự bền bỉ hỗ trợ các tài năng trẻ của Việt Nam ra nước ngoài nghiên cứu, học tập, trải nghiệm, ông được coi là người ươm mầm khoa học Việt Nam hiện đại.
Ngoài ra, GS. Trần Thanh Vân cùng vợ là GS. Lê Kim Ngọc còn có những đóng góp to lớn cho các hoạt động vì cộng đồng, như việc xây dựng Làng trẻ em SOS, đem lại tương lai tươi sáng cho nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.
GS. Ngô Bảo Châu: Biểu tượng toán học Việt Nam
Nhà toán học nổi tiếng, GS. Ngô Bảo Châu không chỉ là người Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Fields năm 2010 với chứng minh bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu, mà còn là người Việt Nam duy nhất tính đến thời điểm hiện tại đạt được thành tựu này và khẳng định toán học Việt Nam đã có nhân tố đỉnh cao, sánh ngang các cường quốc toán học quốc tế.
GS. Ngô Bảo Châu hiện đang công tác tại Khoa Toán, Đại học Chicago, Mỹ. (Nguồn: AVSE Global) |
Với các công trình khoa học của mình, ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng khoa học danh giá quốc tế như giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay (2004), Giải thưởng Sophie Germain của Viện Hàn lâm khoa học Paris (2007), Giải thưởng Oberwolfach năm (2007), Giải thưởng toán học Maurice Audin tại Viện nghiên cứu Henri Poincaré, Paris (2018)...
Ông là một trong số ít người Việt Nam hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế (Australia năm 1988 và Cộng hòa Liên bang Đức năm 1989).
Tính đến năm 2010, ông là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam đặc cách phong học hàm giáo sư.
Năm 2012, ông được bầu làm Ủy viên danh dự (Honorary Fellow) của Hội Toán học Hoa Kỳ. Năm 2021, ông được bầu làm Thành viên danh dự (Honorary Member) của Hội Toán học London, được nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Bắc Đẩu Bội tinh về những đóng góp cho khoa học của mình.
GS. Ngô Bảo Châu hiện đang công tác tại Khoa Toán, Đại học Chicago, Mỹ.
Ngoài ra, ông còn giữ vị trí Giám đốc khoa học tại Viện nghiên cứu cao cấp về Toán tại Việt Nam, nhằm nâng cao trình độ các nhà toán học trẻ và tạo điều kiện để các nhà toán học Việt Nam có năng lực trở thành chuyên gia quốc tế; thu hút các nhà toán học người Việt ở nước ngoài và nhà toán học quốc tế tới tham gia nghiên cứu, đào tạo...
GS. Vũ Hà Văn: Kết nối toán học và dữ liệu lớn
GS. Vũ Hà Văn đã chia sẻ sau khi ông vinh dự là một trong 35 nhà khoa học trên toàn thế giới được bầu chọn trở thành Hội viên danh dự của hiệp hội Toán thống kê (IMS) năm 2020: "Chúng ta thường xuyên hỏi: Học toán để làm gì? Trong các chuyên ngành toán học, xác suất thống kê dạy cho ta cách tư duy đúng đắn và mạch lạc nhất trên dữ liệu hay hiện tượng quan sát được trong cuộc sống hàng ngày”.
Ông hiện là giáo sư Toán học tại Đại học Yale và là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData. Bắt tay vào những dự án nghiên cứu về bộ gen người Việt, giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý hình ảnh y tế, thử nghiệm xe tự hành…
Giáo sư cho rằng công nghệ dữ liệu sẽ là vũ khí giúp Việt Nam “đi tắt đón đầu” và ứng dụng vào các ngành y tế, nông nghiệp, giao thông vận tải…
GS. Vũ Hà Văn từng giành các giải thưởng Sloan fellowship và NSF Career Award dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ năm 2002.
Năm 2008, ông đoạt giải Pólya (SIAM) của Hội toán công nghiệp (SIAM) dành cho công trình nghiên cứu về tập trung độ đo.
Năm 2014, ông tiếp tục nhận giải thưởng Fulkerson của Hội toán học Mỹ (cùng với J. Kahn và A. Johansson) về lời giải cho bài toán Shamir trong lý thuyết đồ thị.
Là chuyên gia hàng đầu thế giới với nhiều giải thưởng danh giá về toán học, cùng với GS.Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn cũng đã trở thành những người tiên phong mở ra thời kỳ “hoàng kim” cho Toán học Việt Nam.
GS. Vũ Hà Văn hiện là giáo sư Toán học tại Đại học Yale và là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData. (Nguồn: AVSE Global) |
TS. Hà Dương Minh: Nhà tiên phong về năng lượng bền vững
Là một nhà khoa học cấp cao quan tâm đến các vấn đề như năng lượng, biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững, TS. Hà Dương Minh hiện đang là chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIET SE).
Trước đây, ông là giáo sư thỉnh giảng tại phòng thí nghiệm CleanED (Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) và từng là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại khoa Kỹ thuật và Chính sách công của Đại học Carnegie Mellon (Pittsburgh).
Ông đồng thời là tác giả chính của các Báo cáo Đánh giá của IPCC và người đồng nhận giải Nobel Hòa bình năm 2007.
Bên cạnh những nhà khoa học nổi tiếng, VGLF 2024 sẽ có sự tham gia của hơn 100 gương mặt người Việt có tầm ảnh hưởng trong các lĩnh vực về kinh tế như GS. Trần Văn Thọ, GS. Vũ Minh Khương..; lĩnh vực văn hoá xã hội như GS. Lê Kim Ngọc, người sáng lập dự án “Nuôi em” Hoàng Hoa Trung... hay các doanh nhân tiêu biểu như Chủ tịch HĐQT Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình… Diễn đàn mở ra cơ hội kết nối những người Việt có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nước và trên thế giới, những đối tác, doanh nghiệp quốc tế, với những câu chuyện thành công đầy hứng khởi, những định hướng hợp tác, đầu tư và thu hút nguồn lực trên nhiều lĩnh vực cho đất nước. |