Sự ra mắt của Threads ngày 6/7 vừa qua đã đánh dấu sự hiện diện thêm một nền tảng văn bản dạng ngắn mới nhất dành cho người dùng mạng xã hội, sau Twitter, Mastodon và Bluesky – cùng hàng loạt các đối thủ cạnh tranh quy mô nhỏ hơn khác.
Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng vị sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của nhiều nền tảng xã hội, nhiều công ty lớn lại đang phải "căng mình" để vừa có thể đạt hiệu quả truyền thông trên các nền tảng mà doanh nghiệp đó đang tham gia vừa trên các nền tảng mới. Họ phải đối diện với sự lựa chọn là nên chọn ứng dụng nào, trong một thị trường mà ở đó mạng xã hội được xem như một công cụ xây dựng thương hiệu quan trọng và cho phép các doanh nghiệp/thương hiệu nhắm đến đối tượng khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả nhất.
Nathan Allebach, Giám đốc sáng tạo của Allebach Communications chuyên về truyền thông cho các thương hiệu như Utz Snacks và Steak-umm trên mạng xã hội cho biết, trong thập kỷ qua, hầu hết các thương hiệu đều phải duy trì sự hiện diện trên mạng xã hội. Mạng xã hội được xem là một công cụ quan trọng giúp các công ty sở hữu các thương hiệu lớn, ăn khách thành công tiếp cận đa dạng đối tượng khách hang và gia tăng doanh số.
Tuy nhiên, đang có một thực tế là thay vì nỗ lực cạnh tranh giành quyền hiện diện ngày càng nhiều trên tất cả các nền tảng xã hội, nhất là các nền tảng có lượng người dùng lớn hoặc các nền tảng mới với nhiều tính năng ưu việt, một số công ty bắt đầu có lựa chọn khôn ngoan hơn qua việc tiếp thu những kinh nghiệm từ những thương hiệu đã phát triển “nhảy vọt” nhờ mạng xã hội nhiều năm trước.
Tiếp tục hay từ bỏ mạng xã hội?
Một trong những thương hiệu lớn đầu tiên thực hiện động thái chia tay mạng xã hội là Lush Cosmetics. Tháng 11/2021, công ty này đã ngừng đăng thông tin trên tất cả các nền tảng mạng xã hội do Meta, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp, kiểm soát.
Thực tế hãng làm đẹp này đã hạn chế việc đăng tải từ năm 2019 do lo ngại về việc luôn phải căng mình thích ứng với sự thay đổi các thuật toán của các nền tảng trên cũng như những quan ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn của mạng xã hội đối với giới trẻ.
Lush Cosmetics là một trong những thương hiệu lớn đầu tiên quyết định rời bỏ các mạng xã hội. |
Annabelle Baker, Giám đốc thương hiệu toàn cầu của Lush cho biết: “Chúng tôi là một thương hiệu xã hội và cộng đồng là chìa khóa quan trọng đối với chúng tôi. Khi tham gia mạng xã hội, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác là tất cả những gì chúng tôi tìm kiếm ngay từ ban đầu: đó là những liên kết trực tiếp đến cộng đồng.”
Cũng theo Baker, họ đã rút lui khi các mạng xã hội thay đổi giảm bớt tính xã hội hóa và it lấy người dùng làm trung tâm, thay vào đó sử dụng thuật toán để kiếm soát người sử dụng. Mặc dù Lush đã tham gia lại các nền tảng trên để tiếp cận khách hàng trong giai đoạn phong tỏa do đại dịch Covid-19 bùng phát, thương hiệu làm đẹp này đã không đạt được kỳ vọng như mong muốn. Họ đã rời hẳn mạng xã hội gần hai năm qua và không có kế hoạch quay lại.
Giống Lush, một số thương hiệu cũng thể hiện sự không hài lòng về cách thức hoạt động và quản lý của các nền tảng xã hội.
Khi thương hiệu thời trang xa xỉ Bottega Veneta rời bỏ phần lớn mạng xã hội vào năm 2021, Giám đốc sáng tạo Daniel Lee của hãng đã trích dẫn “tâm trạng bắt nạt sân chơi trên mạng xã hội. Tôi không muốn thông đồng trong một bầu không khí có cảm giác tiêu cực.”
Sự ra mắt của Threads đã đưa vấn đề tiếp tục hiện diện trện mạng xã hội hay là từ bỏ cuộc chơi thu hút sự quan tâm của dư luận. Chỉ sau một tuần ra mắt, nền tảng mới này đã có hơn 100 triệu người dùng, một con số thật sự ấn tượng cho thấy sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, việc quyết định có nên sử dụng các ứng dụng mới hay không là lựa chọn khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Baker của công ty Lush nói rằng công ty của cô không háo hức quay trở lại mạng xã hội với Threads, “Cần có thời gian để xem liệu mọi người có ở lại và tích cực sử dụng nền tảng này hay không. Nhưng tôi không muốn nhảy vào Threads vào lúc này.”