Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ S. Jaishankar trong cuộc gặp ngày 24/3. (Nguồn: ANI) |
Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm chóng vánh New Delhi tối 24/3. Ông là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Ấn Độ kể từ khi biên giới Trung-Ấn xảy ra vụ đụng độ tại thung lũng Galwan vào tháng 5/2020.
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 1 tháng, và trong bối cảnh Ấn Độ nỗ lực duy trì lập trường trung lập trong vấn đề này. Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã hy vọng mượn vấn đề Ukraine để lôi kéo New Delhi, hiện đang chịu sức ép từ phương Tây, về phía mình.
Chẳng phải ngẫu nhiên, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại cho rằng chuyến thăm này đã khiến quan hệ hai nước xuất hiện “bước ngoặt tinh tế”, thậm chí có dấu hiệu “phá băng”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc đã không có bất kỳ cam kết thực chất nào ở New Delhi về biên giới, vấn đề Ấn Độ quan tâm nhất. Phát biểu của ông Vương Nghị về Kashmir trước đó càng khiến New Delhi mất lòng tin hơn vào Bắc Kinh.
Trung Quốc không nhượng bộ
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cho rằng “với tư cách là hai nước lớn đang phát triển, Trung Quốc và Ấn Độ nên đặt vấn đề biên giới ở vị trí thích hợp trong quan hệ song phương, không nên dùng vấn đề biên giới để định nghĩa, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể của quan hệ song phương”.
Ông khẳng định cần nhìn nhận quan hệ song phương về dài hạn. Hai bên cần kiên trì triển khai tầm nhìn chiến lược lãnh đạo hai nước, theo đó “Trung Quốc và Ấn Độ không gây ra mối đe dọa cho nhau, cùng mang lại cơ hội phát triển cho nhau”.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không đưa ra bất kỳ một cam kết thực chất nào về vấn đề biên giới.
Bà Manjari Chatterjee Miller, chuyên gia cấp cao về Ấn Độ, Pakistan và Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), nhận định chuyến thăm ngắn ngủi của Ngoại trưởng Vương Nghị đã không đạt hiệu quả như hai bên mong đợi.
Những điều Trung Quốc muốn và những thứ Ấn Độ cần có sự khác biệt cơ bản. Trung Quốc muốn Ấn Độ gác lại vấn đề biên giới và tập trung vào lĩnh vực hợp tác khác. Đồng thời, Bắc Kinh muốn New Delhi giữ khoảng cách với Washington, ít nhất là không xích gần hơn nữa và giữ lập trường hiện tại về Ukraine và Nga.
Trong khi đó, điều Ấn Độ muốn từ Trung Quốc lại là thứ hoàn toàn khác. Ấn Độ không thể gác lại vấn đề biên giới, bởi như lời Ngoại trưởng S. Jaishankar, vấn đề biên giới liên quan đến tâm lý dân tộc của Ấn Độ. Ông bày tỏ thất vọng trước đàm phán giữa hai nước về rút quân khỏi Ladakh không tiến triển, cho rằng sự hiện diện quân sự của Bắc Kinh ở đây đã khiến quan hệ hai nước khó hòa giải.
Còn Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval yêu cầu Trung Quốc sớm rút quân hoàn toàn khỏi Ladakh, khẳng định việc kéo dài tình hình hiện tại không phù hợp với lợi ích chung. Ông cho rằng khôi phục hòa bình và an ninh ở biên giới sẽ giúp hai nước xây dựng lòng tin, tạo môi trường để cải thiện quan hệ.
Báo Times of India (Ấn Độ) ngày 25/3 nhận định New Delhi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, thẳng thắn tới Bắc Kinh rằng chừng nào căng thẳng biên giới và vấn đề Kashmir còn tồn tại, quan hệ giữa hai nước không thể trở lại bình thường.
New Delhi đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, thẳng thắn tới Bắc Kinh rằng chừng nào căng thẳng biên giới và vấn đề Kashmir còn tồn tại, quan hệ giữa hai nước không thể trở lại bình thường. |
Phát biểu gây tranh cãi
Theo bà Miller, Ấn Độ hoàn toàn không tin tưởng vào Trung Quốc và nhận xét của Ngoại trưởng Vương Nghị về Kashmir càng làm cho Ấn Độ mất lòng tin hơn.
Cụ thể, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (IOC) ở Islamabad (Pakistan) trước đó, ông Vương Nghị đã nói: “Trong vấn đề Kashmir, hôm nay chúng ta lại nghe rất nhiều tiếng nói của các người bạn Hồi giáo, phía Trung Quốc cũng có mong muốn tương tự vậy”.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định vấn đề liên quan đến Jammu và Kashmir hoàn toàn là công việc nội bộ của Ấn Độ. Các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, không có quyền bình luận về điều này. Bộ trên cũng lưu ý Ấn Độ không bao giờ đưa ra phán xét công khai về công việc nội bộ của Trung Quốc.
Theo ông Mohamed Zeeshan, nhà phân tích chính trị quốc tế và Tổng biên tập của Freedom Gazette (Ấn Độ), phát ngôn của Ngoại trưởng Trung Quốc đã phủ bóng đen lên chuyến thăm tới New Delhi, bởi ông đã thách thức quan điểm của Ấn Độ về Kashmir tại OIC. Điều này khiến bầu không khí quan hệ Trung-Ấn tồi tệ hơn.
Vì vậy, chuyến thăm Ấn Độ của ông Vương Nghị không mấy hiệu quả. Thậm chí, Ấn Độ cũng không đề cập việc tổ chức Thượng đỉnh BRICS tại Trung Quốc năm nay.
Theo ông Zeeshan, ông Vương Nghị đã không thể hiện thiện chí nhượng bộ trong vấn đề biên giới ở New Delhi và việc Trung Quốc cứng rắn với Ấn Độ về vấn đề này là thiếu tầm nhìn chiến lược. Bởi lẽ, vì khác với Mỹ và đồng minh, Ấn Độ không có phàn nàn cụ thể nào với Trung Quốc ngoài vấn đề biên giới và Kashmir.
Đây là hai vấn đề Bắc Kinh có thể giải quyết thông qua thỏa hiệp. Hiện không có vấn đề an ninh quốc gia cấp bách nào với Trung Quốc đến mức phải tỏ lập trường chống Ấn Độ, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Các cuộc đàm phán về rút quân giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Ladakh đã diễn ra nhiều lần, song không đạt được kết quả mong muốn. (Nguồn: AP) |
Thiếu trao đổi công bằng
Mặc dù không có bất cứ nhượng bộ lớn nào về vấn đề Ấn Độ quan tâm, song Trung Quốc lại cho rằng có thể chủ động kéo New Delhi xích lại gần Bắc Kinh. Trong bài xã luận ngày 25/3, Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) cho rằng xung đột ở Ukraine đã khiến lợi ích chung Trung Quốc và Ấn Độ nổi rõ hơn và gợi mở hướng đi mới cho cộng đồng quốc tế, nhất là các nước không thuộc phương Tây.
Tuy nhiên, ông Aparna Pande, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến về tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson (Mỹ), nhận định lập trường của Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Ấn.
Ông Aparna Pande cho rằng, Trung Quốc tỏ ra tốt với Ấn Độ vì không muốn Ấn Độ trở thành đối tác an ninh của Mỹ. Đồng thời, lập trường của Ấn Độ với Nga có liên quan đến Trung Quốc: New Delhi muốn Moscow giữ khoảng cách với Bắc Kinh. Do đó, Mỹ sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ.
Trung Quốc dường như cho rằng việc Mỹ gây áp lực đối với Ấn Độ trong vấn đề Nga đã đi ngược lại đường lối ngoại giao độc lập tự chủ lâu nay của Ấn Độ.
Tuy nhiên, bà Miller cho biết mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ về cơ bản đã thay đổi trong hai thập kỷ qua. Bắc Kinh đã sai khi nghĩ rằng cơ hội đã đến. Trung Quốc không hiểu Ấn Độ đã mất lòng tin đến mức nào. Mỹ không hài lòng với lập trường của Ấn Độ, song về cơ bản, điều này khó có thể khiến quan hệ Mỹ-Ấn rạn nứt.