Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Scientific Reports ngày 1/7 vừa qua, thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Đại học Wisconsin-Madison và Đại học Antioquia. Các nhà khoa học đã nghiên cứu muỗi Aedes aegypti ở Medellin (Colombia) để kiểm chứng tác động của vi khuẩn Wolbachia đối với sự lan truyền virus Zika.
Giáo sư Jorge Osorio (Đại học Wisconsin) cho biết: “Chúng tôi phát hiện muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia ít có khả năng nhiễm virus Zika sau khi hút máu có virus này và nếu bị nhiễm thì chúng không thể truyền virus Zika qua tuyến nước bọt”.
Vi khuẩn Wolbachia (màu xanh lá cây) trong trứng của muỗi Aedes aegypti. (Nguồn: Eliminatedengue) |
Theo Giáo sư Scott O'Neill: “Đang có thêm nhiều bằng chứng chứng minh vi khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế nhiều loại virus do muỗi truyền bao gồm Dengue, Chikungunya và Zika. Các phát hiện này rất ý nghĩa đối với các dự án của Chương trình Loại trừ sốt xuất huyết trên toàn thế giới".
Các thử nghiệm dùng vi khuẩn Wolbachia để kiểm soát lan truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết Dengue đã và đang được thực hiện ở Brazil và Colombia. Đây là hợp tác nghiên cứu phi lợi nhuận do Giáo sư Scott O’Neill (Đại học Monash, Australia) chủ trì.
Theo đó, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia được thả ra môi trường để giao phối với muỗi tự nhiên. Dần dần, tỷ lệ muỗi mang Wolbachia sẽ tăng lên đến khi ổn định ở mức cao trong quần thể muỗi tự nhiên mà không cần phải tiếp tục phóng thả.
Giáo sư O'Neill cho biết: “Giám sát dài hạn tại nhiều vùng thực địa của chúng tôi cho thấy vi khuẩn Wolbachia có khả năng tự duy trì trong quần thể muỗi tự nhiên sau khi được phóng thả. Tại những nơi có tỉ lệ muỗi mang Wolbachia cao, chúng tôi không thấy có sự lan truyền của virus Dengue".
Vào tháng 3/2016, Tổ chức Y tế Thế giới đã đề xuất việc thực hiện thí điểm phương pháp Wolbachia của Chương trình Loại trừ Sốt xuất huyết, đưa vi khuẩn Wolbachia vào quần thể muỗi để ngăn chặn sự lây lan các virus qua muỗi Aedes aegypti như là một biện pháp lựa chọn để khống chế quần thể muỗi. Chương trình được sự hỗ trợ của chính phủ các nước và các nhà tài trợ như Viện Nghiên cứu Sức khoẻ Quốc gia Mỹ, Quỹ Bill và Melinda Gates, Quỹ Wellcome Trust, Quỹ Tahija và Quỹ Gia đình Gilles. |