📞

Vị lãnh đạo kiệt xuất giữa đời thường

11:38 | 10/02/2017
Nhân 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh (9/2/1907-9/2/2017) Báo Thế Giới & Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết về Cố Tổng Bí thư - nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, nhân cách lớn của Cách mạng Việt Nam, người học trò xuất sắc và cũng là người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba lần đảm trách cương vị Tổng Bí thư (TBT) của Đảng dưới ba tên gọi khác nhau: Đảng Cộng sản Đông Dương (1941), Đảng Lao động Việt Nam (1951) và Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) đã cho thấy, Trường Chinh quả là một trường hợp đặc biệt của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Lãnh tụ chèo lái con thuyền Cách mạng...

Nói đến Trường Chinh, nhiều người đều hiểu rằng, tên tuổi của ông đã gắn với thành tựu từ cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành độc lập tự do cho dân tộc, xây dựng Nhà nước công nông đầu tiên của châu Á (1945). Từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, người dân Việt Nam đã làm cho cả thế giới biết được trên trái đất này có một quốc gia đã đứng lên giành độc lập dân tộc từ khát vọng rất thiêng liêng và cao cả.

Sau này, với tư duy xuất thần và bản lĩnh của một nhà lãnh đạo được tôi luyện trong nhiều giai đoạn khó khăn, một lần nữa ông đã dũng cảm vượt qua lối tư duy trì trệ cũ suốt nhiều năm của cả một bộ máy chính trị phạm một số sai lầm. Đó là giai đoạn kinh tế đất nước ta đầu những năm 1980 đứng bên vực thẳm, lúng túng vì không tìm được hướng đi. Ông đã đưa ra tư tưởng Đổi mới. Cái lạ ở nhà lý luận tư tưởng số 1 ấy, Đổi mới lại bắt đầu từ tư duy và lại là tư duy kinh tế (chứ không phải từ tư duy chính trị).

Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 10 (10/1986) vinh dự được đón TBT Trường Chinh. Tại đây, lần đầu tiên ông chính thức phát đi thông điệp "Đổi mới là mục tiêu sống còn của đất nước". TBT nói:"... Đối với nước ta, đổi mới cũng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong, vừa phù hợp với xu thế của thời đại...".

Tổng Bí thư Trường Chinh trong một chuyến đi thực tế.

Đã nhiều lúc tôi tự đi tìm lời giải, vì sao một nhà lãnh đạo xuất sắc như ông, cũng đã có lúc bị xem là lớp người "bảo thủ" mà lại có thể có những tư duy rất mới, xuất thần đến vậy khi ông quay trở lại nhận trọng trách TBT của Đảng ở tuổi 79? Có lẽ, xuất phát điểm quan trọng để phần nào lý giải cho vấn đề nói trên ở ông, theo tôi, là từ tư tưởng yêu nước, thương dân đến cháy bỏng. Ông hiểu rõ Dân là Gốc của Nước. Vì thế, muốn chế độ được trường tồn, người lãnh đạo phải biết nghĩ đến Dân. Thành quả 30 năm Đổi mới đã phần nào cho thấy con đường mà Đảng ta đã chọn là rất đúng đắn.

Từ dung dị, cẩn trọng trong ứng xử...

Trong đời sống thường nhật, ông Trường Chinh có tiếng là người sống cần kiệm, giản dị và thanh bạch. Tôi được biết qua nhiều câu chuyện do những người cộng sự và người thân của ông kể lại. Đó là dịp sau khi dự đám tang cố Đại sứ Phan Văn Kim - nguyên Đại sứ  Việt Nam tại Cộng hoà Dân chủ Đức (nhiệm kỳ 1980-1985), tôi có quay trở lại gia đình ông ở phố Bát Đàn để tìm hiểu thêm cuộc đời của một nhà ngoại giao kỳ cựu. Tại đây, bác sĩ Phan Minh Thu - con gái duy nhất của cựu Đại sứ  có nhắc đến ông Trường Chinh, khi đó là Chủ tịch nước. Bà kể rằng, trong một đợt ông bà Trường Chinh sang nghỉ dưỡng theo lời mời của Nhà nước bạn,  trước khi chuẩn bị về, ông bà Trường Chinh có lại thăm Đại sứ quán ta để chào tạm biệt mọi người. Bà Nguyễn Thị Minh - phu nhân của Chủ tịch Trường Chinh có nói nhỏ với Đại sứ Phan Văn Kim rằng ông bà sang đây nghỉ, các bạn Đức có đưa ông bà ít đồng Mác (tiền của CHDC Đức) để tiêu vặt như rất nhiều cán bộ khác từng sang nghỉ dưỡng. Bà Minh muốn nhờ Đại sứ Kim "có biết chỗ nào bán áo vừa với số tiền này thì cho người đến mua giúp anh Năm!" (Năm là tên gọi thân mật của ông Trường Chinh) để kỷ niệm chuyến đi và lúc cần có chiếc áo mới để thay. Bởi theo bà Minh, ông Trường Chinh sống rất giản dị, ít khi may đo dù nhiều áo đã sờn cổ, sờn tay...

Chủ tịch Hồ chí Minh làm việc với đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, Hà Nội, năm 1955.

Bà Thu kể: khi bà Minh ngỏ lời, cha của bà - Đại sứ Phan Văn Kim vốn là người sống thanh bạch nổi tiếng ở Bộ Ngoại giao nhiều năm cũng lúng túng vì không biết tính sao, hay là không nhận và sẽ lẳng lặng mua rồi tặng ông chiếc áo và sẽ trả lại tiền cho phu nhân Chủ tịch nước? Do bà Minh đòi trả bằng được nên ông cũng ngại đưa qua đưa lại bởi ông biết tính Chủ tịch Trường Chinh là người rất nghiêm cẩn trong chuyện này.

Cũng vẫn xoay quanh câu chuyện về nếp sống giản dị, cẩn thận của lãnh tụ Trường Chinh. Vào giai đoạn cuối những năm 70 đầu 80 của thế kỷ trước, tôi được chứng kiến một câu chuyện khá xúc động liên quan đến ông nội tôi, vốn là cháu ruột của thân mẫu ông Trường Chinh, là một thầy thuốc đông y nổi tiếng (tên hiệu là Chu Sỹ) mà nhiều vị trong Bộ Chính trị cũng đã được Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương giới thiệu, được mời từ Hải Phòng lên thăm khám cho các vị lãnh đạo. Trong một lần khám bệnh tại nhà riêng của ông Trường Chinh (khoảng 1971-1973), ông nội tôi được ông Trường Chinh ý tứ ướm hỏi: "Em biết bác sống cũng rất xuề xoà, giản dị. Bản thân em cũng thế. Tuy cũng là lớp người lãnh đạo đất nước nhưng đến bây giờ, em vẫn mặc đồ từng "pic kê", mạng lại khi không cần thiết phải mặc đồ mới, sang trọng, trừ những lúc phải tiếp khách quốc tế ("pic kê" hoặc mạng quần áo cũ, sờn là kỹ thuật rất cao của người thợ một thời, khi cuộc sống còn gian khó ở nửa thế kỷ trước -tác giả). Vì thế, nếu bác không giận, em xin được tặng bác mấy bộ quần áo để dùng tạm. Tất cả đồ này, em vẫn mặc gần đây chứ không phải đã để lâu mà không dùng... ". Có lẽ lớp trẻ bây giờ sẽ không thể nào hình dung được tại sao một nhà lãnh đạo cấp cao đến thế của Đảng và Nhà nước ta lại mặc đồ "pic kê", sống giản dị và thanh bạch như vậy? Thực ra, đó cũng là do nếp sống của những "ông quan" cách mạng suốt một đời vì dân, vì nước thực sự, không màng quyền lợi cá nhân.

... đến sự tinh tế trong giao tiếp

Vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được Đại tá Nguyễn Văn Định - nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn Bộ Tư lệnh Hải quân kể lại một kỷ niệm khó quên đối với ông. Đó là dịp Quân chủng Hải quân chuẩn bị kỷ niệm 20 năm Hải quân nhân dân đánh thắng trận đầu (ngày 5/8/1964 ở Vịnh Bắc Bộ).

Khi ngày kỷ niệm đã cận kề, không hiểu sao lá thư soạn sẵn của Bộ Tư lệnh Hải quân gửi cho Chủ tịch Trường Chinh (khi đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) vẫn chưa xin được chữ ký của ông. Bí quá, sợ lỡ kế hoạch, Chuẩn Đô đốc Văn Giang, Phó Tư lệnh phụ trách Chính trị của Quân chủng bèn chủ động triệu thêm Đại tá Định đi cùng lên tận nhà Chủ tịch để "nhắc Cụ" cho xin sớm lá thư vì ông biết Đại tá Định khi còn ở Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị đã có nhiều dịp tiếp cận Chủ tịch.

Hôm gặp, Chủ tịch Trường Chinh nói luôn: "Không có chuyện tôi quên chưa ký đâu. Lý do là trong lá thư các đồng chí chuẩn bị, tôi thấy có ý cần hỏi thêm các đồng chí để sửa lại một chút cho hoàn chỉnh...". Vừa đi vào nội dung công việc, Chủ tịch vừa xoay lại chiếc tách trà nóng hổi vừa được người phục vụ mang lên. Do sơ suất, người phục vụ đã không xoay chiếc quai của tách trà ra cho khéo nên nó lại nằm ở phía không tiện tay cho khách. Ông Trường Chinh liền nhẹ nhàng xoay lại, để cho chiếc quai đó sang phía bên tay phải của vị Phó Tư lệnh một cách rất tinh tế. Sự cẩn thận, ý nhị và chu đáo của vị Chủ tịch nước quả là bất ngờ với cả hai vị khách. Họ thấy ở ông một sự cẩn thận trong ứng xử với cấp dưới và với câu chữ đến nhường nào.

Nghĩ lại càng thấy cảm phục một người đã từng đứng đầu đất nước có tầm nhìn rộng lớn khi lãnh đạo đất nước nhưng vẫn cẩn trọng, tinh tế và giản dị giữa đời thường. Những người làm công tác đối ngoại,  tôi nghĩ có lẽ cũng nên tham khảo, học tập ở con người đặc biệt ấy cả những chuyện tưởng là rất nhỏ kia. Thực sự, chúng không nhỏ chút nào với một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Cách mạng Việt Nam.

Đã nhiều lúc tôi tự đi tìm lời giải, vì sao một nhà lãnh đạo xuất sắc như ông, cũng đã có lúc bị xem là lớp người "bảo thủ" mà lại có thể có những tư duy rất mới, xuất thần đến vậy khi ông quay trở lại nhận trọng trách TBT của Đảng ở tuổi 79? Có lẽ, xuất phát điểm quan trọng để phần nào lý giải cho vấn đề nói trên ở ông, theo tôi, là từ tư tưởng yêu nước, thương dân đến cháy bỏng.