Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cùng Phu nhân đón Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017. (Ảnh: NVCC) |
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cùng Phu nhân đón Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (chính giữa) trong lần đi quảng bá xoài tại siêu thị Aeon Nhật Bản năm 2015.
Nhiều người vẫn gọi ông là “Đại sứ Xoài, Thanh long”. Cảm xúc của ông ra sao khi nghe lại những danh xưng thân mật ấy?
Với cá nhân tôi, hơn ba năm đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (từ giữa 2015 đến cuối 2018) là một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất trong hơn 38 năm công tác trong ngành Ngoại giao. Trong đó, việc được gọi vui là Đại sứ Xoài cũng là một kỷ niệm khó quên.
Nhật Bản chính thức đồng ý nhập khẩu xoài của Việt Nam nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 9/2015. Vấn đề là làm thế nào để xoài Việt Nam hiện diện tại các siêu thị của Nhật Bản và được người dân Nhật Bản biết và yêu thích. Đại sứ quán ta ở Nhật Bản lúc đó, mà đầu mối là Thương vụ, đã phối hợp với Tập đoàn siêu thị Aeon mở một chiến dịch quảng bá trái xoài Việt Nam tại các siêu thị của Tập đoàn tại Nhật.
Và tôi cũng “học” theo thói quen dễ thương tặng quà mỗi khi đến thăm nhau của người Nhật. Có dịp gặp lãnh đạo bộ, ngành của Nhật Bản, tôi mang theo món quà quê hương là những trái xoài Việt Nam. Tôi cũng gửi xoài tặng Văn phòng của Thủ tướng, của Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản. Rất mừng là các lãnh đạo Nhật Bản đều vui vẻ tiếp nhận và khen xoài Việt Nam thơm và ngon.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường tại sự kiện quảng bá sản phẩm Việt Nam tại Nhật Bản. (Ảnh: NVCC) |
Hình ảnh Đại sứ và các cán bộ Sứ quán Việt Nam cùng tiếp thị xoài cho người dân Nhật Bản tại siêu thị Aeon cũng như những câu chuyện trên đã được chia sẻ rộng rãi trên nhiều trang mạng xã hội. Và không biết từ lúc nào, nhiều người đã đặt cho tôi cái tên “Đại sứ Xoài”! Chỉ là một tên vui, nhưng tôi hiểu đó là sự ghi nhận những nỗ lực của cả tập thể Đại sứ quán ta ở Nhật Bản mà tôi là người đại diện.
Là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Nhật Bản đi thăm tất cả 47 tỉnh, thành của bạn, thời điểm đó, có lẽ Đại sứ đã rất “sục sôi” phương châm ngoại giao phục vụ phát triển?
Tôi xác định nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn thể Đại sứ quán.
Nắm bắt chủ trương lớn của Chính phủ Nhật Bản lúc đó là khuyến khích các địa phương vươn ra bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, tôi đã lên kế hoạch và quyết tâm thăm tất cả 47 tỉnh, thành của Nhật Bản, trực tiếp làm việc với các lãnh đạo và doanh nghiệp của từng tỉnh, và cũng để gặp gỡ, thăm hỏi, động viên các sinh viên, thực tập sinh, lao động Việt Nam tại các địa phương đó.
Tôi cũng mời Thống đốc các tỉnh mỗi khi lên Tokyo ghé thăm Đại sứ quán để tiếp tục trao đổi. Qua nhiều lần làm việc như vậy, lãnh đạo nhiều tỉnh của Nhật Bản đã tới thăm Việt Nam, và họ đều dẫn theo nhiều doanh nghiệp của tỉnh đi cùng để tìm hiểu các cơ hội hợp tác với các địa phương ta. Có những thống đốc các tỉnh lớn như Kanagawa,
Aichi, Mie, Chiba, Gifu, Hokkaido… dẫn theo gần 100 doanh nghiệp đi cùng, năm nay thăm rồi, năm sau lại muốn dẫn đoàn lớn hơn thăm lại.
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường (chính giữa) trong lần đi quảng bá xoài tại siêu thị Aeon Nhật Bản năm 2015. (Ảnh: NVCC) |
Chuyến thăm của Nhà Vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Michiko tới Việt Nam đã trở thành một dấu mốc trong quan hệ hai nước. Về chuyến thăm đặc biệt ấy, Đại sứ có những kỷ niệm khó quên?
Đó là một chuyến thăm lịch sử, vì lần đầu tiên Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam, là minh chứng cho sự trưởng thành, sự phát triển ở mức độ cao nhất của quan hệ hai nước. Đây cũng là chuyến thăm nước ngoài chính thức cuối cùng của Nhà Vua Akihito trước khi thoái vị. Vì vậy, cả hai bên đã chuẩn bị rất kỹ cho chuyến thăm.
Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản rất cảm kích trước sự đón tiếp nồng hậu và ấm cúng của cả lãnh đạo và người dân Việt Nam, từ tiệc trà với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các cuộc hội kiến và chiêu đãi với Chủ tịch nước và Thủ tướng ta, đến những nữ sinh trong tà áo dài màu tím và nhiều người dân đứng xếp hàng dài, dọc hai bên đường tươi cười vẫy chào đoàn tới thăm Huế…
Đại sứ Nguyễn Quốc Cường và Phu nhân tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Nhật Bản năm 2017. (Ảnh: NVCC) |
Có một vài chi tiết thú vị khi hai bên vài lần bị “cháy kịch bản”. Các bạn Nhật Bản rất tỉ mỉ và cẩn thận. Chương trình biểu diễn Nhã nhạc tại Cung Đại nội (Huế), bạn bấm đồng hồ và qui định là không được quá 8 phút. Nhưng sau khi biểu diễn xong đúng thời gian như bạn yêu cầu, Nhà Vua và Hoàng hậu lại chủ động lên chào và hỏi chuyện các diễn viên thêm hơn 10 phút nữa. Còn cuộc mời cơm chiêu đãi Nhà Vua và Hoàng hậu của Thủ tướng ta theo kịch bản chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, nhưng cuối cùng kéo dài gần 2 giờ. Lễ tân của bạn có nhờ tôi can thiệp để các sự kiện kết thúc đúng dự kiến, nhưng thấy mọi người đều vui vẻ, tôi cứ “lờ” đi...
Sau chuyến thăm, Nhà Vua và Hoàng hậu mở tiệc chiêu đãi trong Hoàng cung để cảm ơn những người đã tháp tùng và phục vụ chuyến thăm, tôi và vợ tôi cũng được mời tới dự. Cả hai người không ngớt lời cám ơn lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã đón tiếp chu đáo và thân tình. Chính phủ Nhật Bản cũng có thư cảm ơn Nhà nước ta. Được Lễ tân Hoàng cung “bật mí” trong thời gian ở thăm Việt Nam, Nhà Vua và Hoàng hậu đều chọn phở cho bữa sáng ở khách sạn, tôi liền “đánh tiếng” với Hoàng cung là Sứ quán có một đầu bếp giỏi nên chúng tôi muốn chuẩn bị mấy món ăn truyền thống của Việt Nam đưa vào Hoàng cung để Nhà Vua và Hoàng hậu nhớ lại chuyến thăm Việt Nam.
Rất mừng là Nhà Vua đồng ý. Thế là đầu bếp cùng các phu nhân của Sứ quán đã có dịp trổ tài với món nem rán và phở. Ngay hôm sau, chúng tôi nhận được lời cảm ơn của Nhà Vua và Hoàng hậu, thật hết sức cảm động.
Tiếp đà thành công của chuyến thăm, dịp hai nước kỷ niệm 45 năm quan hệ đúng dịp Chủ tịch nước ta thăm Nhật Bản năm 2018, Sứ quán tổ chức một cuộc chiêu đãi trọng thể. Tôi mạnh dạn gửi giấy mời cho cả Nhà Vua và Hoàng hậu. Nhiều người gàn, nói không có tiền lệ… Nhưng rất bất ngờ là Nhà Vua và Hoàng hậu đã vui vẻ nhận lời mời tới dự và cuộc chiêu đãi của Đại sứ quán đã thành công ngoài sức tưởng tượng.
Khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi xin chào từ biệt và thật xúc động khi được Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản mời cơm riêng vợ chồng tôi để chia tay. Nhà Vua và Hoàng hậu đã cùng ôn lại kỷ niệm chuyến thăm Việt Nam, sau đó còn tiễn chúng tôi tận cửa ô tô. Tôi hiểu đó là những tình cảm mà hai người muốn gửi gắm tới nhân dân Việt Nam mà chúng tôi là những người dại diện. Đó cũng là những kỷ niệm không thể quên của chúng tôi đối với Nhà Vua và Hoàng hậu và đối với đất nước Nhật Bản.
| Việt Nam-Nhật Bản: Trao truyền mối thâm tình cho các thế hệ sau Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được cùng người dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản ... |
| Đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản sang một trang sử mới, với tầm nhìn 50 năm tiếp theo Tối ngày 28/11, tại Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Chủ ... |
| Việt Nam - Quê hương thứ hai của tôi Năm nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, còn mẹ tôi năm nay vừa tròn 100 ... |
| Phát triển hơn nữa tình hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam trong 50 năm tới Tôi cảm nhận mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam ngày càng trở nên đa tầng, bổ sung lẫn nhau. Năm 2023 kỷ niệm ... |
| Ký ức về Nhật Bản - đất nước ân tình trong - cuộc đời ngoại giao Chắc chắn, mỗi chúng ta đều mang trong lòng mối ân tình sâu sắc về những người bạn Nhật Bản thủy chung, chân tình mà ... |