📞

Vì sao Hội nghị G20 được tổ chức ở Hàng Châu?

22:01 | 05/09/2016
Hội nghị Thượng đỉnh G20 đã khai mạc ngày 4/9 tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang - nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng làm Bí thư từ năm 2002-2007.

Để bảo vệ cho Hội nghị Thượng đỉnh năm nay, khoảng 500.000 cảnh sát đã được huy động. Ngoài ra, mỗi người dân Hàng Châu được chính quyền phát một tấm vé du lịch và khuyến khích rời khỏi địa phương trong những ngày diễn ra hội nghị. Theo người dân sở tại, khoảng một nửa dân số Hàng Châu đã rời thành phố, để lại cảnh tượng vắng lặng.

Cảnh sát lập chốt bảo vệ tại con đường gần địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20. (Nguồn: Reuters)

Nhật Bản gần đây cũng đăng cai tổ chức các hội nghị thượng đỉnh quy mô lớn như G7 tại Ise-shima tháng 5/2016 và trước đó là Hội nghị G8 năm 2008 tại Toyako, Hokkaido. Đây đều là địa điểm du lịch gần biển với dân số ít. Thực tế cho thấy, nếu một hội nghị lớn tập trung các nhà lãnh đạo của thế giới được tổ chức tại những nơi đông người, công tác bảo vệ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hàng Châu nằm trong lục địa, cách biển khoảng 160 km và có dân số lên tới 9 triệu người. Việc tổ một hội nghị lớn tại đây đã làm cho không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ cũng đặt câu hỏi: "Tại sao lại tổ chức ở Hàng Châu?".

Tây Hồ là một trong những danh thắng nổi tiếng ở Hàng Châu. (Nguồn: Reuters)

Trong bài phát biểu khai mạc chào đón các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không quên ca ngợi thành tựu của Hàng Châu, nhấn mạnh ông đã có 6 năm sống ở thành phố này nên hiểu rõ thiên nhiên, con người nơi đây, đồng thời khẳng định bản thân cũng tham gia vào kế hoạch phát triển Hàng Châu. Vì vậy, việc chọn Hàng Châu là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 được đánh giá là nhằm góp phần nâng cao uy tín của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Dự kiến vào mùa Thu 2017, Trung Quốc sẽ tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản - một sự kiện chính trị quan trọng diễn ra 5 năm một lần - nhằm tìm ra lãnh đạo tối cao của đất nước. Do vậy, việc tổ chức Hội nghị G20 ở Hàng Châu có ý nghĩa hết sức quan trọng, hướng tới cả hai mục tiêu đối nội và đối ngoại. Công tác bảo vệ cũng được tổ chức hết sức nghiêm ngặt với yêu cầu đặt ra là "không thể thất bại".

Bên cạnh đó, việc chọn Hàng Châu cũng là nhắm tới tập đoàn mua bán trực tuyến khổng lồ Alibaba, bởi Hàng Châu vừa là "đại bản doanh" của tập đoàn này, đồng thời cũng chính là quê hương của Chủ tịch tập đoàn Alibaba Jack Ma (Mã Vân).

Với ảnh hưởng của Alibaba, Hàng Châu đã biến thành một đô thị công nghệ cao, thậm chí được mệnh danh là "thung lũng Silicon" của Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Alibaba là số ít các tập đoàn nước ngoài niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán New York, và được xếp vào loại cổ phiếu ổn định, ít rủi ro. Doanh thu của tập đoàn này trong lĩnh vực mua bán trực tuyến đã vượt qua cả WalMart - một trong những công ty Mỹ lớn nhất thế giới.

Trước lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20, Chủ tịch Alibaba đã mời Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới thăm trụ sở tập đoàn.

Ông Jack Ma cho biết thêm, hàng hóa của Canada đang tới tay người tiêu dùng Trung Quốc thông qua hệ thống bán hàng trực tuyến của Alibaba và bản thân ông cũng làm cố vấn kinh tế cho Indonesia. Cuối tháng trước Canada đã tuyên bố tham gia Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Trong khi đó, Indonesia là địa chỉ xuất khẩu các mặt hàng quan trọng của Trung Quốc như tàu cao tốc.

(theo Nikkei)