Một câu hỏi đặt ra là ở đây khói thuốc đã được đưa thẳng vào phổi. Vậy còn đối với 1 cơ thể sống cùng nhiều vòng bảo vệ (từ mũi, miệng, họng, thực quản, các chất nhầy) thì liệu thuốc lá có gây hại đến vậy?
Ảnh minh họa. (Nguồn:alobacsi.com) |
Trong khi chờ các thành tựu khoa học có thể theo dõi được quá trình gây hại của khói thuốc lá trên cơ thể sống, hãy cùng xem cách lý giải rất khoa học và được công nhận rộng rãi dưới đây.
Hoạt động của hệ hô hấp
Khi chúng ta hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm. Không khí hít vào sẽ đi qua khí quản để vào phổi.
Trong mỗi phổi đều có một hệ thống phế quản, phế quản gốc như là nhánh chính của cây với các cành cây nhỏ là những phế quản, sau 17- 20 lần phân chia thành các tiểu phế quản tận, từ các tiểu phế quản đó sẽ dẫn đến các túi nhỏ chứa khí gọi là phế nang, nó giống như là chùm nho. Ở phế nang quá trình trao đổi khí sẽ xảy ra. Máu sẽ đổi CO2 lấy O2 sau đó sẽ mang O2 đến các tổ chức của cơ thể.
Hệ thống hô hấp có một số hàng rào bảo vệ để chống lại các bệnh. Quá trình lọc ở đường hô hấp trên giúp ngăn chặn vi khuẩn, virus và các chất gây kích thích từ ngoài vào trong phổi.
Khí quản và tổ chức phổi sản xuất ra chất nhầy giúp cho việc lấy và mang các chất bẩn ra ngoài. Hỗn hợp chất nhầy và chất tạp nhiễm sẽ được đưa ra ngoài nhờ các lông nhỏ li ti gọi là lông chuyển, những lông này lay động rất nhanh về phía trên, trong một số vùng tốc độ của lông chuyển rất cao tới 1.000 lần trong một phút.
Thuốc lá gây hại cho phổi ra sao?
Theo tài liệu từ Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, khi khói thuốc đi vào qua miệng thì người hút thuốc đã vô tình bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất đó là quá trình lọc ở mũi.
This browser does not support the video element.
Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc trong khi khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn.
Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt thậm chí bị phá huỷ. Khói thuốc cũng làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và do vậy thành phần của chất nhầy cũng bị thay đổi.
Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi cản trở sự lưu thông trao đổi khí.
Những sự thay đổi cấu trúc phổi ở những người hút thuốc làm giảm khả năng lấy ôxy của phổi. Khói thuốc gây phá huỷ phế nang làm giảm tính đàn hồi của phổi và làm giảm khả năng trao đổi ôxy.
Phổi của những người hút thuốc bị giảm diện tích bề mặt và giảm mạng mao mạch, điều này có nghĩa là dòng máu lưu thông qua phổi bị giảm. Dẫn đến làm giảm cung cấp chất dinh dưỡng và ôxy cần thiết cho cả nhu mô phổi và các tổ chức khác trong cơ thể để duy trì sự khoẻ mạnh và chức năng bình thường của chúng.
Hút huốc cũng gây ra hiện tượng gọi là tăng tính đáp ứng đường thở. Do ảnh huởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở bị co thắt. Khi điều này xảy ra thì luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở ở người hút thuốc, và do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở.
Ở những người hút thuốc có nhiều thông số chức năng thông khí thay đổi, trong đó thể tích khí thở ra gắng sức trong giây đầu tiên (FEV1) giảm rất nhiều.
Tổn thương phổi theo tuổi
Khói thuốc làm giảm sự phát triển của phổi và gây viêm tổ chức phổi ở trẻ nhỏ và thiếu niên biểu hiện bằng tốc độ tăng FEV1 chậm lại.
Ở lứa tuổi từ 20-30 khi hút thuốc thì tổn thương phổi lại khác. Khi ở giai đoạn này của cuộc sống thì phổi tăng trưởng kiểu cao nguyên. Ở người hút thuốc giai đoạn phát triển này ngắn lại và làm các bệnh lý gây ra do hút thuốc sớm xuất hiện.
Ở lứa tuổi trên 30 nếu hút thuốc tốc độ giảm FEV1 sẽ tăng gấp đôi (khoảng 40 ml/năm) so với người không hút thuốc (khoảng 20 ml/năm).
Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.
Một tin vui là khi ngừng hút thuốc thì các phế nang của phổi và các niêm mạc của khí quản sẽ phục hồi.