📞

Vì sao nhiều doanh nghiệp Việt bỏ cuộc?

07:18 | 29/07/2017
Con số các doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể trong nửa đầu năm 2017 mà Tổng cục Thống kê vừa công bố liệu có đáng giật mình?

Có tới 43.350 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, có nghĩa là cứ mỗi tháng có gần 7.300 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Cùng trong thời gian đó, chỉ có khoảng 15.380 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Ảnh minh họa: Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể trong nửa đầu năm 2017. (Nguồn: Tiền Phong)

Dẫu biết rằng, trong quá trình đào thải của thị trường, doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là tất yếu, nhưng khi con số đó lớn hơn so với bình thường và diễn ra trong thời gian dài liên tục thì điều đó không là bình thường.

Số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể thành “phong trào” có thể phản ánh niềm tin của doanh nghiệp đang nằm ở đâu. Họ đang nản chí, bỏ cuộc? Họ đang suy nghĩ gì trước một tương lai khó đoán định?

Đối với nền kinh tế, khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể, tức là số lao động bị mất việc cũng sẽ rất nhiều. Người lao động bị mất việc thì không có sức mua, hàng hóa trên thị trường không được tiêu thụ… khiến doanh nghiệp làm ăn khó khăn và bị giải thể… Quả thực là một vòng khó khăn quẩn quanh.

Hiện có nhiều nguyên nhân buộc doanh nghiệp phải đóng cửa. Nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới suy giảm, các doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Nguyên nhân chủ quan chính là sự yếu kém về năng lực nội tại, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải bỏ cuộc do không chịu nổi môi trường kinh doanh quá khắc nghiệt.

Nhưng còn một nguyên nhân khác bị cho là đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự sống còn của doanh nghiệp, đó chính là môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh thực chất chưa được cải thiện nhiều. Các điều kiện kinh doanh trói buộc, nhiều rào cản, sức ép thuế, chi phí khiến các doanh nghiệp lựa chọn giải pháp giải thể, chấm dứt nợ nần. Trong khi đó, mục tiêu cải cách hành chính hay giảm thiểu các quy định rườm rà cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa đạt nhiều kết quả. Thậm chí, mục tiêu cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trong năm 2017, được Chính phủ đưa ra từ đầu năm, đến nay vẫn chưa một cơ quan nào có kế hoạch hiện thực hóa.

Giới làm kinh doanh cũng đang rỉ tai nhau về cách đối xử không công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhận được nhiều ưu đãi hơn. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng tăng thu doanh nghiệp trong nước. Thực tế việc thực thi chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ qua biên giới đang đẩy nhiều doanh nghiệp Việt và hàng Việt tới bờ vực phá sản.

Bên cạnh đó, năm 2017 đánh dấu thời điểm Việt Nam hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế. Các lộ trình mở cửa thị trường và gỡ bỏ các hàng rào thuế quan khiến thuế nhập khẩu được đưa về 0% đối với nhiều loại hàng hóa. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt đầu có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ ngoại ồ ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa, tạo ra áp lực không nhỏ lên các doanh nghiệp trong nước, do năng lực tự bảo vệ cũng như cạnh tranh còn yếu.

Vì vậy, bài toán đặt ra ngay lúc này phải là tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, hồi phục, hoạt động tốt hơn, phát triển trở lại, tạo ra công ăn việc làm. Người lao động có việc làm, tăng sức mua, hàng hóa trên thị trường được tiêu thụ, thị trường tự khắc sẽ phát triển trở lại. Đó mới là cách tốt nhất để phát triển thị trường và cộng đồng doanh nghiệp một cách bền vững.