Sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu tài nguyên đã khiến giá nhiên liệu trở thành yếu tố quyết định chính số phận của nền kinh tế. (Nguồn: atlanticcouncil.org) |
Ngân khố Nga thu bộn tiền
Theo bài viết ngày 30/6 trên atlanticcouncil.org, các tác giả Josh Lipsky và Mrugank Bhusari nhận định, kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, Mỹ và châu Âu đã triển khai các lệnh trừng phạt với mục tiêu rõ ràng là làm tê liệt nền kinh tế Nga và buộc Điện Kremlin chấm dứt chiến dịch.
Mức độ cao và quy mô của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, bao gồm việc đóng băng dự trữ ngoại tệ của Nga, loại nhiều ngân hàng nước này khỏi hệ thống thanh toán tín dụng toàn cầu SWIFT và phối hợp kiểm soát xuất khẩu - đã làm lung lay nền tảng của nền kinh tế Nga.
Nhưng trước đây, Nga đã từng hứng chịu những cú sốc kinh tế tương tự. Thời gian 25 năm qua đã cho thấy, nền kinh tế này có thể chịu đựng những tổn thất nghiêm trọng mà không làm mất ổn định nền tảng chính trị.
Để so sánh, người ta ước tính rằng, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga giảm 4,5% trong 3 tháng kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự, tương tự thiệt hại ban đầu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 của đất nước. Sự suy giảm này “nhạt nhòa” so với cú sốc từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Mặc dù không có hai cú sốc kinh tế nào giống nhau, nhưng sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu tài nguyên đã khiến giá nhiên liệu trở thành yếu tố quyết định chính số phận của nền kinh tế.
Mỗi cuộc khủng hoảng trong số các cuộc khủng hoảng trước đó đều trầm trọng hơn do giá dầu giảm mạnh, gây thâm hụt ngân sách và giảm dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương.
Nhưng lần này, đà lao dốc của nền kinh tế đã bị giảm bớt do giá dầu tăng vọt.
Doanh thu xuất khẩu của Nga đã mang lại gần 100 tỷ USD trong 100 ngày đầu tiên của chiến dịch quân sự, dẫn đến thặng dư thương mại cao kỷ lục, đạt 38 tỷ USD trong tháng Tư. Điều này đã cho phép Moscow tăng lương hưu và lương tối thiểu lên 10%.
Các nhà phân tích cho rằng, suy thoái sẽ trở nên tồi tệ hơn và lạm phát sẽ làm trầm trọng thêm nỗi đau kinh tế.
Mới đây, Giám đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, người Nga vẫn chưa hoàn toàn cảm thấy tác động của các lệnh trừng phạt, trong khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ cô lập nước này về mặt công nghệ.
Chỉ trong tuần này, chính phủ đã công bố số liệu thống kê mới cho thấy, sự sụt giảm mạnh doanh số bán mọi thứ hàng hóa, từ ô tô (giảm 96,7%) đến tủ lạnh (giảm 58,1%).
Trong khi đó, hàng trăm công ty phương Tây đã rút khỏi thị trường Nga và chưa có kế hoạch quay trở lại. Sự phục hồi cũng sẽ chậm hơn, nếu và khi không có gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế và không có nền kinh tế phương Tây nào giúp Điện Kremlin như họ đã làm vào năm 1998.
Với việc tài sản ở nước ngoài bị đóng băng, các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương sẽ cần được đo lường nhiều hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Tất cả những điều này có thể thổi bùng lên hy vọng của những người ủng hộ Ukraine rằng, cuối cùng, sự trừng phạt kinh tế từ phương Tây sẽ làm tê liệt nền kinh tế Nga, đủ khiến Điện Kremlin ngừng chiến dịch quân sự.
Tuy nhiên, khi một cuộc khủng hoảng xuất hiện, cứ sau nửa thập niên, cú sốc không còn đáng sợ nữa. Với mỗi cuộc suy thoái, chính người dân Nga cũng phải gánh chịu những tổn thương về kinh tế.
Ứng phó suy thoái bằng cách nào?
Để phòng thủ trước các cuộc tấn công kinh tế từ phương Tây, Moscow đã xây dựng một "Pháo đài nước Nga" bằng cách tích trữ các nguồn dự trữ (mặc dù họ không mong đợi những khoản dự trữ này sẽ bị trừng phạt), khởi xướng Hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS) như một giải pháp thay thế SWIFT và chiết khấu giá khí đốt và dầu.
Mặc dù số phận của mình bị ràng buộc quá chặt chẽ với doanh thu từ dầu mỏ, Điện Kremlin trong thập niên qua đã áp dụng một hệ thống thuế tự điều chỉnh để ngân sách vẫn bền vững ngay cả trong môi trường giá dầu thấp.
Các biện pháp phản ứng nhanh hiện nay có vẻ ít gây choáng váng hơn vì những đòn bẩy này đã được thúc đẩy trước đó (mặc dù ở mức độ thấp hơn), chẳng hạn như tăng lãi suất cơ bản mạnh qua đêm, sử dụng tinh vi công cụ tái cấp vốn bằng ngoại tệ, tạm thời nới lỏng quy định an toàn đối với ngân hàng…
Nói cách khác, ngân hàng trung ương Nga đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp đối phó.
Một cửa hàng Louis Vuiton tại Moscow, Nga đã đóng cửa. (Nguồn: Shutterstock) |
Người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đã rút kinh nghiệm. Các công ty bắt đầu tìm cách để “lách” các lệnh trừng phạt, giống như họ đã làm trong vòng trừng phạt trước đó vào năm 2014. Còn các ngân hàng cũng đã trải qua (và sống sót) nhiều lần trước đó.
Sau năm 2014, số tiền gửi tiết kiệm đã tăng nhanh chóng, ngay cả khi lạm phát cao làm giảm giá trị tiết kiệm của người dân. Hiện nay, với mức lãi suất cao, người Nga có thể bắt đầu tiết kiệm trở lại.
Tất nhiên, không điều nào trong số các ứng phó trên có nghĩa là các biện pháp trừng phạt đã vô hiệu. Thực tế mà nói, chúng đã tàn phá nền kinh tế và được cho là đã ảnh hưởng đến khả năng của Moscow trong việc tiếp tục tiến hành chiến dịch quân sự.
GDP dự báo giảm 10% trong năm nay, ngang bằng với năm đầu tiên của cuộc đại suy thoái ở Mỹ. Hàng trăm công ty đa quốc gia rời khỏi Nga đã mang theo công việc, sản phẩm và dịch vụ, trong khi ngành công nghiệp ô tô và hàng không đang gặp khó khăn.
Sức mua đang suy giảm nhanh chóng với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong hai thập niên.
Tuần trước, truyền thông cho biết, đến hết ngày 26/6, Nga đã không trả khoản lợi suất 100 triệu USD trái phiếu Eurobond (trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ) đáo hạn dù đã được gia hạn một tháng, nên được coi là vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1918.
Điều này có nghĩa là Moscow sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc tiếp cận nguồn vốn vay quốc tế trong nhiều năm tới, bất kể xung đột ở Ukraine kết thúc như thế nào và khi nào.
Trong phản ứng ngày 27/6, Điện Kremlin khẳng định: "Không có căn cứ nào để gọi tình huống này là vỡ nợ".
Dù vậy, có một số cơ chế mà thông qua đó các biện pháp trừng phạt nhằm gây áp lực lên chính phủ Nga có thể không hiệu quả như mong muốn. Để thay đổi phép tính đó, phương Tây có thể sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để thực sự gây sốc cho nền kinh tế Nga.
Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nhìn nhận một cách thực tế. Đó là lý do tại sao ý tưởng giới hạn giá dầu của Nga đang được xem xét nghiêm túc ở cả Mỹ và châu Âu.
Nếu phương Tây có thể cắt đứt huyết mạch kinh tế mạnh mẽ nhất của Nga, điều đó có thể khiến cả Điện Kremlin và ngân hàng trung ương lo sợ rằng cuộc khủng hoảng này thực sự đã khác.
Trong khi đó, G7 có thể còn nhiều việc phải làm thông qua thuế quan, hạn chế dòng tiền và nhắm mục tiêu đến nhiều ngân hàng cũng như cá nhân hơn.