Vì sao SARS-CoV-2 nguy hiểm? |
Điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng nó cũng giải thích lý do vì sao virus corona chủng mới lại trở nên cực kỳ nguy hiểm và tại sao một số bệnh nhân lại khó có thể loại bỏ virus này khỏi cơ thể hơn.
Khi một mầm bệnh xâm nhập cơ thể con người, hệ thống miễn dịch sẽ nhận được các báo hiệu và nhanh chóng hành động để tiêu diệt các thực thể đó. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể và áp dụng cho tất cả các loại thực thể như virus, vi khuẩn hay các loại vi sinh vật khác. Và với SARS-CoV-2 cũng vậy.
Tuy nhiên, người có hệ thống miễn dịch tốt và làm việc hiệu quả hơn khi nhiễm bệnh virus sẽ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng nào. Ngược lại, cũng có các hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng chậm hơn, do đó virus sẽ nhân lên dễ dàng bên trong phổi và gây ra tất cả các biến chứng đe dọa tới tính mạng.
Ngoài ra, hệ thống miễn dịch cũng sẽ có những phản ứng và hoạt động quá đà, gây hại nhiều hơn lợi và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các ca tử vong. Các bác sĩ vẫn đang cố gắng tìm hiểu tại sao tất cả những điều này xảy ra và làm thế nào để có thể chống lại chúng.
Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas tại thành phố San Antonia (Mỹ) đã tìm ra bằng chứng cho thấy một khi đã thâm nhập vào tế bào, SARS-CoV-2 có thể ngụy trang để tránh bị hệ miễn dịch phát hiện. Tuy rằng, điều này không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng có thể giải thích vì sao virus corona chủng mới lại nguy hiểm như vậy và vì sao một số bệnh nhân gặp khó trong việc loại bỏ nó.
Các nhà nghiên cứu đã công bố công trình trên tạp chí Nature, giải thích kỹ thuật ngụy trang cho phép virus thoát khỏi các phản ứng phòng vệ ngay lập tức. Theo đó, họ đã xác định được một loại enzyme có tên nsp16 mà virus tạo ra và sau đó sử dụng để sửa đổi nắp RNA. Khi liên kết với các tế bào, virus sử dụng RNA này để hướng dẫn các tế bào đó tạo ra hàng ngàn bản sao virus. Các tế bào bị phá hủy trong quá trình này và các bản sao mới có thể lây nhiễm các tế bào khác. Hệ thống miễn dịch sẽ chặn một số hoạt động này và cũng sẽ phá hủy các tế bào bị nhiễm bệnh. Lúc này, trận chiến sẽ diễn ra ở cấp độ tế bào và đây là một quá trình quan trọng ảnh hưởng đến sự phục hồi của bệnh nhân.
Tiến sĩ Yogesh Gupta, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết đây về cơ bản là cơ chế ngụy trang để đánh lừa hệ thống miễn dịch của cơ thể. Phát hiện này có thể có ý nghĩa đối với việc phát triển thuốc kháng virus trong tương lai.
Mục tiêu của các nhà khoa học chính là nhắm đến enzyme nsp16 và ngăn việc thực hiện bất kỳ sự thay đổi nào. Từ đó, hệ thống miễn dịch sẽ nhận ra virus nhanh hơn và bắt đầu chiến đấu sớm hơn. Những loại thuốc này có thể tăng tốc độ phục hồi của bệnh nhân.