Tiêm kích J-20 giúp nâng cao năng lực của không quân Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng động cơ của nó chưa đủ mạnh. (Nguồn: AP) |
J-20 lần đầu được tiết lộ vào năm 2011, biến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 2 sau Mỹ phát triển tiêm kích thế hệ 5 với khả năng tàng hình cũng như cơ động và năng lực tác chiến điện tử hàng không. J-20 hoàn thiện và vào biên chế năm 2017 và hiện đã có biến thể J-20B với hệ thống điều khiển véc-tơ lực đẩy.
Tạp chí quốc phòng Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology nhận định, tiêm kích Chengdu J-20 giúp nâng cao năng lực của không quân Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng động cơ của nó chưa đủ mạnh.
Ridzwan Rahmat, chuyên gia tại tạp chí quân sự Janes (Mỹ), nhận định rằng điểm yếu lớn nhất của J-20 tới nay chưa thể khắc phục được là động cơ.
Theo ông Rahmat: "Một lượng lớn máy bay trong biên chế Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc vào động cơ do Nga cung cấp. Động cơ này chỉ có thể sản sinh ra lực đẩy 125 kilonewtons, khá thấp nếu so với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Mỹ vận hành, như F-22 và F-35".
Chuyên gia này lý giải: "Lực đẩy là một thông số quan trọng vì nó xác định các kiểu thao tác mà máy bay có thể thực hiện, số lượng và loại vũ khí mà máy bay có thể mang theo. Khi tham gia không chiến, máy bay có lực đẩy tốt hơn sẽ có ưu thế hơn".
Trung Quốc hiện vẫn đang cố gắng tự chủ động cơ máy bay khi phát triển động cơ nội địa WS-10C. Tuy nhiên, tới nay, tiến trình nghiên cứu và phát triển động cơ này vẫn chưa có thông tin cụ thể và Bắc Kinh vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Nga trên biến thể J-20B.
Theo các chuyên gia, động cơ này được cho là không phù hợp với một máy bay chiến đấu siêu âm, tầm xa, hạng nặng như J-20.