"Nếu như giới chuyên môn đánh giá London Fashion Week (LFW) và New York Fashion Week (NYW) như một cơ hội dành cho các NTK trẻ thì Paris Fashion Week (PFW) lại là "thánh địa" vinh danh các nhà thiết kế tài năng.
Paris không chỉ là kinh đô ánh sáng mà còn là thủ phủ của thời trang cao cấp (Haute Couture) cũng như dòng thời trang hiện đại (contemporary)", Thythu - chuyên gia tư vấn chiến lược thời trang đang sống và làm việc tại Paris cho biết.
Màn trình diễn tại PFW 2016. (Nguồn: projectdiaspora) |
Haute Couture - niềm tự hào của thời trang Pháp
Haute Couture được hiểu như một thuật ngữ được bảo vệ độc quyền như một thương hiệu của thời trang Pháp trên mặt pháp lý.
Trước tiên, hãy cùng lội dòng lịch sử về thời vua Louis thứ 14, đế chế được coi là hưng thịnh nhất của lịch sử Pháp. Ngoài những công trình vĩ đại mà Louis XIV để lại cho đời, vị vua thông thái này luôn có cái nhìn sâu rộng và quan tâm đặc biệt đối với nền công nghiệp thời trang.
Vua Louis XIV cũng là một trong những “tín đồ” thời trang sành điệu. Vị vua nước Pháp thay trang phục 3 ngày một lần. Những thợ may giỏi nhất ở khắp nơi trên đất nước được triệu về để thiết kế riêng trang phục cho quan quân trong triều. Khó ai có thể tin rằng, Vua Louis XIV đã bắt đầu sử dụng thời trang, áp dụng trong những chiến lược marketing của mình ngay từ thời đấy.
Đến giữa thế kỉ thứ XVIII, thuật ngữ Haute Couture chính thức ra đời bởi một thợ may gốc Anh tên là Charles Frederick Worth. Từ đó các luật lệ nghiêm ngặt của dòng thời trang này ra đời nhằm bảo vệ vị trí độc quyền của thời trang Pháp.
Tất cả các sản phẩm được mang nhãn hiệu Haute Couture đều phải được tạo nên bởi những nghệ nhân Pháp, được sản xuất tại Paris, sử dụng chất liệu đến từ Ý. Thương hiệu Haute Couture phải được hiệp hội thời trang Pháp công nhận và trình diễn 2 lần một năm...
Màn trình diễn các sản phẩm thuộc dòng Haute Couture tại PFW Spring 2016. (Nguồn: Zimbio) |
Tất cả những quy định ngặt nghèo này giúp Paris chứng tỏ vị trí độc tôn của mình trong làng thời trang thế giới. Ngày nay, thuật ngữ Haute Couture đã được sử dụng rộng rãi cho nền công nghiệp thời trang với những sản phẩm làm thủ công bằng tay, đính kết cầu kỳ như: Elle Shab, Chanel, Dior, Louis Vuitton, Valentino, Dolce & Gabbana... Để theo đuổi dòng Couture này cũng lắm kỳ công và các thương hiệu phải có những nghệ nhân đính kết bằng tay cực lành nghề.
Thythu chuyên gia tư vấn thời trang. (Ảnh: NVCC) |
Ở Việt Nam mới chỉ có Nhà thiết kế Hoàng Hải thành công với dòng sản phẩm này và được thế giới biết đến sau khi Hoa hậu Pháp Iris Mittenaere mặc thiết kế của Hoàng Hải và đăng quang ngôi vi cao nhất của Hoa hậu Hoàn Vũ 2017. “Được biết, Hoàng Hải đang cố gắng hết sức để đáp ứng đủ những yêu cầu ngặt nghèo để đạt được thương hiệu Haute Couture", Thythu cho biết.
Không chỉ vậy, Paris Fashion Week còn dành riêng tháng 7 hàng năm để tổ chức Tuần lễ thời trang dành cho các sản phẩm Haute Couture. Những khách mời tham dự những show diễn Haute Couture này cũng phải lựa chọn trang phục kỹ, khác những show diễn bình thường khác.
“Anh cả” của nền công nghiệp thời trang
Lẽ tất yếu phải đến khi các cường quốc thế giới bắt đầu quan tâm đến thời trang, Paris mới đứng trước thử thách cạnh tranh từ khắp nơi trên thế giới. Giữa chiến tranh thế giới lần thứ Hai, người Mỹ sáng chế ra Tuần Lễ thời trang (NFW) nhằm vinh danh những nhà thiết kế Mỹ. Ngay lập tức, Pháp thể hiện sự hùng mạnh của mình trong ngành công nghiệp thời trang với sự chỉnh sửa khéo léo PFW để phù hợp với vị trí “anh cả".
Đầu tiên phải kể đến số hượng hùng hậu của các nhà mốt tham gia trình diễn. Gần 100 shows liên tục trong 10 ngày diễn ra PFW. Tiếp đó phải kể đến lượng khách mời VIP và khách hàng khủng (buyers) từ khắp nơi trên thế giới đổ về.
Xác suất cao để thương hiệu của mình lọt vào mắt xanh của các buyer số một thế giới chính là niềm hi vọng của các nhà thiết kế khi trình diễn bộ sưu tập của mình tại PFW. Bên cạnh đó, các hoạt động bên lề của PFW cũng là những sự kiện đáng chú ý, các showroom, triển lãm, các buổi tiệc cocktail giới thiệu sản phẩm... được tổ chức rầm rộ nhằm đưa những thiết kế đến gần hơn với công chúng", Thythu kể về PFW hàng năm tại Paris.
PFW trở thành sân chơi thực sự danh giá cho các thương hiệu muốn khẳng định tên tuổi và tài năng của mình.
Phong cách Street Style tại PFW 2016. (Nguồn: wordpress) |
Cơ hội không chia đều cho tất cả
Có thể PFW đối với giới mộ điệu chỉ là một ánh hào quang chớp nhoáng nhưng đối với những người trong cuộc thì có lẽ đây là tuần lễ dài nhất trong năm. Từ sàn diễn, hậu trường đến cả đường phố, mỗi milimet đều là những cuộc cạnh tranh khốc liệt để... toả sáng. Từ người mẫu, nhiếp ảnh đến các bloggers, các ngôi sao giải trí... đâu đó mỗi góc phố đều là những cuộc chiến thầm lặng.
Sự đồ sộ bề thế của PFW lôi cuốn hàng nghìn nhiếp ảnh gia, giới truyền thông và hàng loạt ngôi sao hàng đầu thế giới tham gia sự kiện. Có giá trị truyền thông nào hiệu quả bằng khi chỉ trong 1 tuần thương hiệu của bạn đến gần với thế giới như thế?
Có thể nói, tham gia Paris Fashion Week không chỉ là một cơ hội cho các nhà thiết kế chứng tỏ vị trí của mình mà hơn tất cả, chính sự chuyên nghiệp và sự cạnh trạnh khốc liệt ở đây thúc đẩy các nhà thiết kế không ngừng sáng tạo từ những nguồn cảm hứng bất tận.
Góp mặt tại PFW năm nay, Devon Nguyen, nhà thiết kế ready-to-wear Việt Nam đầu tiên sánh vai cùng các thương hiệu trên thế giới trong tuần lễ thời trang tại Paris, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thời trang Việt Nam. Vốn là một thương hiệu được thành lập ở London, thiết kế của Devon mang hơi hướng văn hoá và phong cách của người London. Chính sự áp dụng khéo léo giữa dòng thời trang couture vào dòng thời trang ứng dụng cũng như sự kết hợp hài hoà của kĩ thuật thêu thủ công và những hình hoạ hiện đại đã giúp Devon Nguyễn lọt vào mắt xanh của hội đồng thời trang Oxford. Cô đã được lựa chọn trình diễn bộ sưu tập mới nhất lấy cảm hứng từ những chuyến đi của mình tại Paris Fashion Week. |